Thứ Ba, 01/03/2011, 05:30 (GMT+7)
TT - Ngày 28-2, 12.800 lính Mỹ và 200.000 lính Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Key Resolve/Foal Eagle (Giải pháp then chốt/Đại bàng non) mặc cho những cảnh báo từ phía Bình Nhưỡng là có thể gây ra một cuộc chiến tranh mới.
Người Hàn Quốc biểu tình chống cuộc tập trận chung trước trung tâm chỉ huy ở Seongnam, gần thủ đô Seoul ngày 28-2 - Ảnh: Reuters |
Phần chính của cuộc tập trận sẽ bao gồm chiến tranh thông tin và các bài tập bắn đạn thật kéo dài 11 ngày, trong khi các màn huấn luyện chiến đấu sẽ kéo dài đến tận cuối tháng 4, AFP dẫn thông tin từ Bộ tư lệnh lực lượng hỗn hợp Hàn Quốc - Mỹ (CFC) ở Seoul cho biết. Cuộc tập trận này có sự tham gia của các quan sát viên thuộc Ủy ban giám sát Liên Hiệp Quốc vốn theo dõi tiến trình ngừng bắn giữa hai miền Triều Tiên từ năm 1953 đến nay.
Vài giờ sau khi cuộc tập trận bắt đầu, CHDCND Triều Tiên cảnh báo một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể diễn ra trên bán đảo. “Đó là một toan tính kéo dài tình trạng đối đầu và căng thẳng nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công lên phía bắc. Nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang tăng lên” - Hãng thông tấn trung ương KCNA của CHDCND Triều Tiên dẫn lời một quan chức cho biết.
Một ngày trước cuộc tập trận, CHDCND Triều Tiên đã đe dọa sẽ biến Seoul thành một biển lửa và bắt đầu một cuộc chiến tổng lực không khoan nhượng.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo chưa có bất cứ hoạt động đáng nghi ngờ nào từ phía quân đội CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, AP dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc giấu tên nói quân đội nước này đã sẵn sàng đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào từ miền bắc.
Khoảng 20 nhà hoạt động chống chiến tranh đã tập trung trước bộ chỉ huy liên quân ở Seoul để kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc dừng cuộc tập trận và nối lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.
MINH TRUNG
(HNM) - 24 giờ sau cảnh báo của quân đội Triều Tiên rằng họ sẽ nổ súng nếu Hàn Quốc tiếp tục cuộc chiến tranh tâm lý xuyên vĩ tuyến 38, ngày 28-2, Bộ Tư lệnh lực lượng hỗn hợp Hàn Quốc - Mỹ đã mở cuộc tập trận chung thường niên quy mô lớn đầu tiên trong năm 2011.
Với mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ trước các tình huống bất trắc xảy ra, hai cuộc phô diễn sức mạnh quân sự đồng thời mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" một lần nữa khuấy động bán đảo Triều Tiên.
Hải quân Hàn Quốc thao diễn đổ bộ trước cuộc tập trận chung. |
Trong khi "Giải pháp then chốt" tập trung vào một cuộc chiến công nghệ cao mô phỏng trên máy tính sẽ kết thúc vào ngày 10-3 thì, "Đại bàng non" là một cuộc diễn tập trên thực địa nhằm kiểm tra sự phối hợp giữa lực lượng đặc biệt các binh chủng hải - lục - không quân và tiếp vận, kéo dài đến ngày 30-4.
Cùng với sự góp mặt của khoảng 12.800 binh sĩ Mỹ và gần 200.000 binh sĩ Hàn Quốc, tham gia cuộc tập trận còn có một tàu sân bay của Mỹ. Không có nhiều điểm mới so với những cuộc tập trận chung trước đây ngoài việc lần đầu tiên thực hành khoa mục huấn luyện tìm và diệt vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên - hai cuộc tập trận này mở đầu cho sự trở lại Hàn Quốc của khoảng 20 nghìn binh sĩ Mỹ trong các cuộc tập trận Mỹ - Hàn tiếp theo từ nay đến cuối năm.
Diễn ra 24 giờ sau khi Triều Tiên cảnh báo sẽ có hành động "đáp trả chưa từng thấy" và biến Seoul thành "biển lửa", cuộc phô diễn sức mạnh quân sự Mỹ - Hàn như đang "đổ thêm dầu vào lửa". Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên lên tiếng cáo buộc các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là "thách thức" nguyện vọng của cộng đồng quốc tế về hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận Mỹ - Hàn dưới cái nhìn của Triều Tiên luôn là nguyên nhân tăng thêm sự ngờ vực về mong muốn "hòa hợp và đối thoại" của Hàn Quốc; đồng thời cũng là nguyên nhân gây đổ vỡ tiến trình đối thoại liên Triều thời gian qua.
Không chỉ đáp lại bằng lời nói, một loạt thông tin từ báo giới Hàn Quốc gần đây cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu đào hai đường hầm tại bãi thử hạt nhân của nước này, động thái được xem là nhằm chuẩn bị cho vụ thử nguyên tử mới dưới lòng đất. Hai đường hầm được xác định tại Punggye-ri thuộc tỉnh Bắc Hamgyong. Theo Seoul và Washington kho nguyên liệu plutoni của Bình Nhưỡng ước tính đủ để sản xuất từ 6 đến 8 quả bom nguyên tử.
Trong nỗ lực làm giảm căng thẳng sau một loạt diễn biến gay gắt, ngày 9-2 vừa qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành vòng đàm phán quân sự cấp tá tại ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Song cuộc tiếp xúc đầu tiên này giữa hai miền Triều Tiên kể từ sau vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong (ngày 23-11-2010) đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận chung nào. Đổ vỡ không khiến dư luận ngạc nhiên, bởi đây không phải là lần đầu các cuộc đàm phán quân sự hai miền diễn ra theo kiểu "ngừng rồi lại bắt đầu".
Dường như chưa bao giờ Hàn Quốc và Triều Tiên lại đứng trước sự hối thúc mạnh mẽ như hiện nay của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các bên liên quan trong tiến trình đàm phán sáu bên về tiếp tục đối thoại để hóa giải những bất đồng. Trong đó có vai trò trung gian của Trung Quốc. Cho rằng việc duy trì, củng cố hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và cả khu vực nói chung là một trong "những điểm khởi đầu cơ bản" trong giải quyết các vấn đề tại đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm Seoul cuối tuần qua tiếp tục hy vọng cuộc đối thoại liên Triều sớm đạt kết quả tích cực.
Bán đảo Triều Tiên lại một lần nữa ẩn chứa những nguy cơ khôn lường. Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra cùng thất bại trong đàm phán giữa hai miền sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ liên Triều. Dẫu vậy, không có nghĩa đã xuất hiện dấu chấm hết cho tiến trình đối thoại nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cánh cửa đối thoại trên bán đảo Triều Tiên đã không ít lần lâm vào tình thế khó khăn như hiện nay; hy vọng các bên liên quan sớm tìm được giải pháp thích hợp vì một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét