THANH PHONG (01/03/2011 09:25) |
Sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền đất lúa (CLUES) do Chính phủ Úc tài trợ là cơ hội để cải thiện điều kiện sản xuất của nông dân ở ĐBSCL. Dự án CLUES dự kiến triển khai từ năm 2011 đến 2014, với tổng kinh phí 4 triệu đô la Úc. TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Vùng ĐBSCL có 700.000 ha đất bị xâm mặn, 600.000 ha bị ngập. Dự án này sẽ nghiên cứu các bộ giống lúa phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu trong điều kiện ngập và xâm mặn như: lúa có gen chống chịu mặn là: BR 28, OM 5629, OM 4900; lúa có bộ gen chống được ngập như: IR 64, IR 49830… Từ đó chuyển giao cho nông dân sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng khác nhau giúp tăng năng suất, cải thiện cuộc sống của nông dân.
Ông Graeme Swift, Tổng Lãnh sự Úc tại Việt Nam cho biết: Dự án này nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các hệ thống canh tác lúa ở ĐBSCL. Thông qua việc cung cấp công nghệ và kỹ thuật mới giúp cho hệ thống canh tác lúa có sức chịu đựng tốt hơn trước những thay đổi có thể xảy ra từ biến đổi khí hậu. Đây là một ưu tiên cao của Chính phủ Úc và là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược Hợp tác Phát triển Việt – Úc. Vùng Mekong quan trọng đối với việc sản xuất lúa gạo không phải chỉ ở Việt Nam, mà cho cả khu vực, và dự án này là một phần trong nỗ lực ủng hộ an ninh lương thực toàn cầu của chính phủ Úc. Các mục tiêu và phương pháp nghiên cứu đã được các đối tác tham gia dự án thiết kế dựa trên nguyên tắc kế thừa các kết quả nghiên cứu và kiến thức bản địa, chú trọng sự tham gia của các tác nhân liên quan, trong đó có người nông dân. Mục tiêu chính của dự án gồm: Cải thiện nguồn quỹ gen lúa có tính chịu đựng tốt hơn khi bị ngập úng, sốc do mặn và môi trường yếm khí trong quá trình nảy mầm; Đưa ra các phương án sử dụng đất có thể thay thế cho các hệ thống sản xuất độc canh lúa, hoặc luân canh để cho thu nhập cao hơn; Hướng dẫn quản lý đất nhằm mục đích tuần hoàn dinh dưỡng và thích ứng với ngập úng trên đất phèn; Đánh giá mức độ thích ứng và các lợi ích khác có thể có được từ các phương án được lựa chọn để thích ứng biến đổi khí hậu; Chiến lược ứng phó thông qua quy hoạch sử dụng đất phù hợp với những thay đổi được dự báo trước về xâm nhập mặn và ngập úng; Công nghệ và kiến thức để cải thiện an ninh lương thực ở ĐBSCL... Dự án CLUES sẽ tài trợ cho 4 tỉnh là: TP. Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu và Hậu Giang. TS Reiner Wassann, Viện nghiên cứu lúa Quốc tế, Điều phối dự án CLUES cho biết: Dự án chọn 4 địa phương là 4 vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng của vùng ĐBSCL trong vùng vùng nước mặn, phèn, phù sa và ngập nước. Từ đó nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL. Từ những nghiên cứu của các nhà khoa học giúp đưa ra các giải pháp sản xuất lúa phù hợp ở ĐBSCL. GS Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (DRAGON- Mekong), đồng thời là Chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam cho biết: Chúng tôi dự kiến dự án sẽ cung cấp cho người nông dân một bộ công cụ mới, giúp nông dân thay đổi hệ thống canh tác của mình, vừa có nhiều lựa chọn hơn về các giống lúa, vừa có thông tin để lựa chọn cây trồng thích hợp cho từng năm, vừa giảm thiểu rủi ro về sản lượng thấp dẫn đến thu nhập thấp… Trong tương lai, dự án còn hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ tăng cường năng lực trong sản xuất nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệp giúp nhà nông tăng năng suất lúa trong điều kiện của biến đổi khí hậu như hiện nay. |
Thêm dự án SX lúa thích ứng biến đổi khí hậu
BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét