Quân đội Libya phản công ở phía đông

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Năm, 03/03/2011, 06:22 (GMT+7)

TT - Ngày 2-3, máy bay và các lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã mở cuộc phản công về phía đông của Libya do lực lượng nổi dậy kiểm soát từ nhiều ngày qua, trong khi các tàu chiến của Mỹ đã áp sát vùng bờ biển Địa Trung Hải, AFP cho biết.

Súng phòng không đặt trên xe hơi ở thành phố Benghazi, nơi phe nổi dậy vừa tuyên bố thành lập hội đồng quân sự - Ảnh: Reuters

Thành phố Brega, cách 200km về phía đông của Benghazi, đã trở thành nơi diễn ra những cuộc đụng độ ác liệt và đẫm máu làm ít nhất 10 người thiệt mạng. “Các lực lượng của ông Gaddafi vào ban đêm đã tấn công sân bay Brega và đụng độ với các lực lượng nổi dậy” - một nhân chứng cho AFP biết.

Cũng theo một nhân chứng, quân lính của ông Gaddafi cùng nhiều xe tăng và pháo hạng nặng đã tiến vào thành phố. Các trận đụng độ ác liệt diễn ra gần cảng Brega. Phe nổi dậy sau đó tuyên bố đã tái chiếm và kiểm soát được thành phố dưới sự trợ lực của các lực lượng đối lập đến từ thành phố Ajdabiya, cách Brega 40km.

Thành phố Brega nằm giữa Benghazi và Syrte, thành phố quê hương và là căn cứ địa của ông Gaddafi, nơi có một cơ sở khai thác dầu và một nhà máy lọc dầu.

Ngày 2-3, ngoại trưởng của 22 nước thành viên Liên đoàn Ả Rập (AL) đã nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) nhằm thông qua một nghị quyết phản đối sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào Libya.

Trước đó ngày 1-3, Trung Quốc kêu gọi chấm dứt bạo động ở Libya. Bắc Kinh cũng đã nhất trí việc Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với gia đình lãnh đạo Gaddafi và các nhân vật liên quan ở Libya. “Hiện nay là thời gian cấp bách để ngừng bạo lực và tránh thương vong” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho biết.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh cộng đồng quốc tế nên tập trung vào việc thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Libya trước khi xem xét đến vấn đề vùng cấm bay trên không phận ở nước này.

Cùng lúc, xa hơn về phía nam, không quân của ông Gaddafi đã mở những cuộc đột kích vào khu vực Ajdabiya do phe nổi dậy kiểm soát.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hai tàu chiến USS Kearsarge và USS Ponce của Mỹ đã qua kênh đào Suez “để hỗ trợ nhân đạo”.

Tại Washington, các nhà lãnh đạo quân sự đang chuẩn bị hàng loạt khả năng cho Tổng thống Mỹ Obama và đang thảo luận với các đồng nghiệp châu Âu, nhưng khả năng can thiệp quân sự hiện vẫn còn chưa rõ.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc biểu dương sức mạnh đầy biểu tượng này của Mỹ có thể chỉ đủ gây sức ép với ông Gaddafi.

Cùng lúc, tàu khu trục nhỏ HMCS Charlottetown của hải quân Canada cũng đã lên đường tới Libya để tham gia sơ tán người nước ngoài ra khỏi Libya.

Trước đó, ngày 1-3 Liên Hiệp Quốc đã nhất trí đình chỉ tư cách thành viên của Libya tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi một cuộc sơ tán nhân đạo lớn cho những người rời Libya đến Tunisia do tình hình biên giới đang ở “điểm khủng hoảng”.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu cho biết sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 11-3 tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm giải pháp ứng phó chung về tình hình Libya.

Sau Mỹ và Anh, ngày 1-3 Chính phủ Đức đã quyết định phong tỏa số tài sản 2,8 triệu USD của gia đình ông Gaddafi. Áo và Ý đã xem xét khả năng phong tỏa tài sản của gia đình ông Gaddafi và các nhân vật có liên quan.

MỸ LOAN


Cập nhật lúc : 8:35 AM, 03/03/2011

Khủng hoảng ở Libya:

Can thiệp quân sự có phải là giải pháp?

(VOV) - Một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, ngày càng tỏ ra cứng rắn đối với chính quyền Tổng thống Libya Gadhafi.

Cứng rắn trong lời nói, như lời phát biểu trước Quốc hội Mỹ của Ngoại trưởng Hillary Clinton: “Tất cả các lựa chọn đều được để ngỏ chừng nào chính phủ Libya còn tiếp tục hành động chống lại chính người dân quốc gia mình. Cả khu vực đang thay đổi và một câu trả lời mạnh mẽ và mang tính chiến lược là điều thiết yếu.”

Mỹ cũng tỏ ra cứng rắn cả trong hành động, khi lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng Libya bắt đầu, Mỹ đã phái 2 tàu chiến vượt kênh đào Suez để tiến về phía biển Địa Trung Hải, sẵn sàng hỗ trợ các chiến dịch quân sự hoặc nhân đạo nếu được tiến hành tại Libya.

Hội đồng bảo an LHQ cũng đang bắt đầu thảo luận về hai hình thức can thiệp quân sự vào Libya: một là, thiết lập một vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya nhằm ngăn chặn nguy cơ không quân Libya sử dụng không lực để tấn công dân thường; hai là, thiết lập một hành lang an ninh do quân đội đảm nhận để phục vụ cho công tác cứu trợ nhân đạo.

Hiện nay, hình thức can thiệp quân sự bằng cách thiết lập một vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya đang được nhắc tới nhiều nhất và nhận được sự ủng hộ của các nước như Mỹ và Anh.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối việc can thiệp quân sự vào Libya, dù là với hình thức nào. Sự phản đối này xuất phát trước tiên từ ngay trong công luận Libya, trong thế giới Arab (mà đại diện là Liên đoàn Arab) và thậm chí là ngay trong nội bộ các nước phương Tây. Phát biểu trong một phiên điều trần tại Quốc hội Pháp, tân Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đặt câu hỏi: “Liệu có nên đi xa hơn bằng cách chuẩn bị một cuộc can thiệp quân sự? Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi không nghĩ là nên làm như vậy. Chúng ta cần nghĩ tới những hậu quả mà một cuộc can thiệp quân sự của NATO vào Libya có thể gây ra. Nó có thể khiến cho công luận các nước Arab chống lại các nước phía Bắc Địa Trung Hải.”

Theo nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Pháp được báo chí Pháp trích dẫn, không chỉ gặp cản trở từ phản ứng tiêu cực của công luận Arab, biện pháp can thiệp quân sự cũng cần một sự huy động mạnh mẽ về mặt kỹ thuật - hậu cần. Cụ thể, nếu thiết lập một khu vực cấm bay trên bầu trời Libya, Mỹ và các đồng minh sẽ phải huy động máy bay để tuần tra vùng trời Libya. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Mỹ và đồng minh sẽ phải đưa các tàu sân bay tới Địa Trung Hải và sử dụng nhiều căn cứ ở khu vực.

Đó là chưa kể tới những hậu quả mà một cuộc can thiệp quân sự ở Libya có thể gây ra đối với kinh tế thế giới, đối với việc đảm bảo an toàn cho dân thường Libya và người nước ngoài, cũng như đối với sự ổn định ở khu vực. Nhiều người cũng lo ngại một khoảng trống về chính trị ở Libya thời kỳ hậu Gadhafi sẽ là môi trường thuận lợi cho lực lượng Hồi giáo cực đoan nổi lên và biến Libya thành một Afghanistan thứ hai ở khu vực Bắc Phi.

Trong lúc tình hình ở Libya chưa có dấu hiểu cải thiện, giải pháp quân sự tiếp tục được đặt ra như một lựa chọn cuối cùng. Nhưng xét những hậu quả mà nó có thể để lại, rõ ràng can thiệp quân sự chưa phải là một giải pháp toàn vẹn cho cuộc khủng hoảng ở Libya vào lúc này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét