Thứ Bảy, 26/02/2011 22:46
Tròn 20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, PGS-TS Hà Đình Đức ngày càng xót xa về tình cảnh của “cụ”
Không biết từ bao giờ, GS Hà Đình Đức được nhiều người đặt cho các biệt danh “nhà rùa học”, “GS rùa”, thậm chí là “con trai của Thần Rùa”.... Chỉ biết rằng 20 năm qua, không ngày nào ông không theo dõi sát sao tình hình “cụ” rùa hồ Gươm.
Mỗi sáng mở mạng đọc, PGS-TS Hà Đình Đức lại chạnh lòng vì thông tin “cụ” rùa hồ Gươm ốm nặng.
PGS-TS Hà Đình Đức tốt nghiệp Khoa Sinh học Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên) rồi ở lại làm giảng viên bộ môn động vật.
Trong nhà vị “giáo sư rùa”, rùa chính là linh vật trang trọng.
Năm 1991, khi lần đầu tiên chứng kiến rùa hồ Gươm nổi, PGS-TS Đức bắt đầu gắn bó với “cụ”. “Tôi chiêm bao gặp “cụ” rồi khi ăn, khi làm việc cũng nghĩ đến cụ”. Từ đó, tôi biết đời mình sẽ gắn chặt cùng “cụ” rùa hồ Gươm” – ông tâm sự.
Ông đang giữ kỷ lục Việt Nam là người nghiên cứu rùa hồ Gươm lâu năm nhất và có nhiều công trình khoa học nhất về “cụ”.
GS Hà Đình Đức đã phát hiện và chứng minh cho các nhà sinh vật học quốc tế thấy rằng rùa hồ Gươm là cá thể đơn lẻ duy nhất trên thế giới. Chính ông đã đặt tên cho rùa hồ Gươm là Rùa Lê Lợi (Tafetus leloii).
Hằng ngày, ông vẫn ra hồ Gươm chụp ảnh, ghi chép để nghiên cứu về “cụ” rùa.
Phát hiện này của ông vào năm 1995 đã được GS Piter C.H Pritchard, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rùa bang Florida – Mỹ, đồng Chủ tịch Hội Bảo vệ rùa cạn và rùa nước ngọt, xác nhận.
Ống nhòm và máy ảnh, vật dụng quen thuộc của PGS-TS Đức.
20 năm nghiên cứu về rùa, PGS-TS Hà Đình Đức viết hàng ngàn trang tài liệu, thu thập hàng vạn bằng chứng khoa học để chứng minh rằng rùa Hồ Gươm chỉ có cá thể duy nhất.
Ông xót xa khi chứng kiến “cụ” nổi lên với tần suất ngày càng nhiều.
Ông còn khẳng định giá trị trường tồn về mặt văn hóa và ý nghĩa lịch sử của “cụ” rùa hồ Gươm. Ông nhất định không chịu khi ai đó gọi rùa hồ Gươm là “con”, thay vì “cụ”.
“Nhà rùa học” rầu rĩ vì môi trường nước hồ Gươm ô nhiễm khiến “cụ” lâm trọng bệnh.
Vị “GS rùa” nay đã bước sang tuổi 72, mắt đã mờ, chân đã chậm. Ông hết sức lo lắng vì nếu không có biện pháp cấp bách chữa trị, tạo môi trường sống trong lành hơn cho “cụ” thì biểu tượng văn hóa này sẽ có nguy cơ biến mất.
Hình ảnh “cụ” rùa hồ Gươm mới nhất được ông ghi lại.
Những ngày gần đây, các cuộc họp bàn phương cách cứu “cụ” rùa đã được tổ chức nhưng bắt tay vào thực hiện lại rất chậm. Điều ấy không chỉ làm PGS-TS Hà Đình Đức cảm thấy đau lòng mà hàng ngàn người Hà Nội cũng không khỏi xót xa.
“Con trai của Thần Rùa” là một trong nhiều biệt danh của PGS-TS Hà Đình Đức.
PGS-TS Đức lấy số liệu về những lần “cụ” rùa nổi từ Đội Bảo vệ trật tự bờ hồ.
Ảnh: MẠNH DUY
MẠNH DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét