Lào tạm ngưng xây đập trên sông Mekong

BBC Vietnamese
Cập nhật: 10:15 GMT - thứ ba, 19 tháng 4, 2011
Dòng Mekong đoạn gần Paksey, nơi Lào dự định xây đập Xayaburi

Sông Mekong là nguồn cung cấp cá và phù sa quan trọng.

Lào tuyên bố sẽ trì hoãn quyết định xây đập tại hạ lưu Sông Mekong trước sự phản đối của các nước láng giềng kể cả đồng minh thân cận nhất là Việt Nam.

Quyết định được đưa ra sau khi bốn nước thành viên của Ủy hội sông Mekong họp về việc có cho phép việc xây dựng một con đập gây tranh cãi hay không.

Cuộc họp đi đến kết luận rằng dự án này sẽ được trình cấp bộ trưởng để cân nhắc và theo dự kiến phiên họp sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Việt Nam, Thailand và Campuchia đều nhất trí rằng cần phải nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của con đập này, ông Te Navuth phụ trách ban liên chính phủ của Ủy hội Sông Mekong được AP trích dẫn.

Dự án thủy điện được đề xuất xây tại Xayaburi sẽ là dự án đầu tiên được xây dựng trên dòng chính tại hạ lưu sông Mekong.

Lào hy vọng sẽ trở thành "máy phát điện của Đông Nam Á".

Phán quyết Ủy hội sông Mekong có thể sẽ xác định xem liệu con sông vẫn duy trì là nguồn cung thực phẩm cho hàng triệu người hay trở thành nguồn tạo năng lượng.

Kế hoạch của Lào có nghĩa là sử dụng dòng sông của nó để tạo ra điện cho xuất khẩu, từ đó tạo thu nhập để phát triển đất nước - đó là ý tốt khi dòng sông chỉ trong địa phận Lào.

Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên

Nguyễn Phương Nga, Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN

Nhưng tình hình phức tạp hơn khi vì con sông Mekong là nguồn tài nguyên được các nước láng giềng cùng chia sẻ.

Và việc các nước hạ nguồn quan ngại về những ảnh hưởng có thể có cũng là điều dễ hiểu.

Vào hôm 18/04, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga được trích dẫn nói “Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này”.

“Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên". bà Nga nói.

Tại Campuchia, cộng đồng ngư dân đang lo lắng họ sẽ có thể chứng kiến nguồn cá giảm ghê gớm.

Cá là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng qui mô quốc gia.

Cá cung cấp khoảng 80% năng lượng protein trung bình tại Campuchia, và Mekong là nguồn sinh kế hco hàng triệu người.

Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết những hậu quả của các đập xây trên dòng chính đã không được nghiên cứu đầy đủ.

Câu chuyện Lào muốn xây đập Xayaburi được các báo quốc tế như Bấm Financial Times quan tâm và đăng tải khá đầy đủ.



BBC Vietnamese
Cập nhật: 13:05 GMT - thứ hai, 18 tháng 4, 2011

Sông Mekong, đoạn gần Luang Prabang của Lào

Ủy hội sông Mekong (MRC), với các thành viên Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào, nhóm họp vào hôm thứ Ba 19/04 tại Vientiane để bàn cách xử lý dự án đập thủy điện Xayaburi mà Bấm Lào dường như đang triển khai.

Tin cho hay Lào đã tuyên bố sẽ trì hoãn quyết định xây đập tại hạ lưu Sông Mekong trước sự phản đối của các nước láng giềng kể cả đồng minh thân cận nhất là Việt Nam.

Cuộc họp đi đến kết luận rằng dự án này sẽ được trình cấp bộ trưởng để cân nhắc và theo dự kiến phiên họp sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Dự án vốn gây nhiều tranh cãi đang được coi là phép thử về quyết định có thể xem là lớn nhất của MRC, ủy hội được lập ra năm 1995 để chia sẻ tài nguyên con sông quan trọng nhất đông nam Á.

Theo thỏa thuận ký năm 1995, bốn nước thành viên MRC nhất trí tham vấn lẫn nhau khi mỗi nước lên kế hoạch xây đập.

Thỏa thuận không có tính ràng buộc này có nghĩa rằng không nước nào có thể phủ quyết các kế hoạch của những nước khác.

Trung Quốc, quốc gia không tham gia MRC, đã xây ba con đập tại một số khúc ở thượng nguồn Mekong nằm ngoài Đông Nam Á, bất chấp lời phản đối từ chính phủ tại các nước ở hạ nguồn, Bấm The Wall Street Journal đưa tin trong bài báo ngày 18/04.

Nếu không có phù sa do xây đập thì nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng, chưa kể xói lở bờ sông và vùng ven biển đồng bằng

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần Thơ

Trong bốn nước thành viên, Thái Lan và Việt Nam là hai nước có nền kinh tế nổi trội.

Nhu cầu dùng điện của hai quốc gia này dự kiến sẽ tăng 6%-7% vào năm 2025 và cả hai nước đều chưa có nhà máy điện hạt nhân.

Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của cả Thái Lan và Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị ngưng trệ do biến cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản gần đây.

Và điều đó có nghĩa là thủy điện đã, đang và sẽ vẫn là giải pháp dễ thực hiện.

Thái Lan, nơi dự kiến sẽ mua đa phần điện của dự án đập Xayaburi, đang tìm hậu thuẫn quốc tế để bật đèn xanh cho dự án đập thủy điện Xayaburi.

Báo Thái Lan đưa tin có công ty nước họ tham gia xây thủy điện Xayaburi mà chi phí lên tới 3,5 tỷ đô la Mỹ.

Hãng thông tấn AP ngày 8/04 có bài nói các nhà hoạt động môi trường Thái sẵn sàng Bấm khiếu kiện thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva ra tòa nếu ông không phản hồi lại thư phản đối dự án mà dân cư sống dọc sông Mekong ở Thái Lan gửi tới ông.

Cùng lúc, một biên tập viên của BBC Tiếng Trung tại London cho hay rằng trong khoản tiền lớn mà Lào bỏ ra để xây đập một phần nhiều "chắc chắn là đến từ Trung Quốc".

Trước đó, dự án xây đập Cảnh Hồng (Jinghong) ở đầu nguồn Mekong của Trung Quốc có có công suất 1750 MW đã bị nhiều chỉ trích từ giới bảo vệ môi sinh

'Ảnh hưởng lớn'

Trong khi đó Việt Nam muốn trì hoãn dự án này khoảng 10 năm để có đánh giá đúng mức về tác động theo như lời Tiến sĩ Lê Anh Tuấn từ khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên của Đại Học Cần Thơ.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ ngày 18/04, Tiến sĩ Tuấn mô tả ảnh hưởng về môi trường đối với các loài cá nước ngọt, phù sa là rất nhiều.

“Hầu hết các loài cá trên sông Mekong là cá di cư, tới mùa sinh sản cá di cư từ hạ lưu lên thượng lưu, và việc xây đập có nghĩa là làm cản trở cho môi trường sống của các loài cá và có thể dẫn tới tiệt chủng”.

“Đồng bằng sông Mekong sống phần lớn nhờ vào phù sa, và nếu không có phù sa thì nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng, chưa kể xói lở bờ sông và vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long”, Tiến sĩ Tuấn nói.

Bấm Jonathan Watts, phóng viên môi trường Châu Á của báo Anh The Guardian hôm 18/04 viết trên blog rằng liên minh gồm 263 tổ chức phi chính phủ (NGO) đã gửi một thư chung tới thủ tướng Lào Thongsing Thammavong thúc giục ông bỏ dự án nhưng không nhận được phản hồi nào.

Phóng viên này nói là họ nên gửi thư tới thủ tướng Thái Lan, là nước được hưởng lợi nhiều nhất nếu dự án được triển khai, thay vì gửi cho thủ tướng Lào.

Một nghiên cứu do MRC thực hiện được công bố vào năm ngoái nói rằng các con đập nếu được xây sẽ “làm tổn hại cơ bản về mức trù phú, đa dạng của khả năng sinh sản tài nguyên cá” làm ảnh hưởng tới hàng triệu người và gây tổn hại tới hoạt động canh tác cũng như đe dọa nguồn lương thực.

Xem thêm: Bấm Chuyên đề của BBC về dòng Mekong

Dự án xây đập Cảnh Hồng của Trung Quốc ở đầu nguồn Mekong đã bị nhiều chỉ trích từ giới bảo vệ môi sinh



BBC Vietnamese - Diễn đàn
Cập nhật: 14:28 GMT - thứ ba, 19 tháng 4, 2011

Việc Vientianne lặng lẽ triển khai dự án thủy điện Xayaburi bất chấp tác động với các nước ở hạ lưu sông Mekong nhất là Việt Nam và chỉ tạm ngưng khi bị phản đối cho thấy một thực tế đang thay đổi trong quan hệ Việt - Lào.

Lào đang hướng tới những sắc màu giàu có của tương lai, bỏ lại quá khứ chiến tranh


Theo dự kiến, dự án xây dựng thủy điện Xayaburi được Thái Lan đầu tư 3,5 tỉ USD với cam kết Lào bán điện cho nước này 95% sản lượng điện sản xuất ra được.

Với công suất thiết kế đạt 1.260 MW/năm, Lào sẽ thu được khoảng gần 1 tỉ USD từ việc xuất khẩu điện.

Đối với một đất nước 6,3 triệu dân và tổng thu nhập quốc dân chỉ hơn 6 tỉ USD (năm 2010) thì đó là một lợi nhuận không nhỏ.

Vì sao qua mặt?

Ngày 19/4 năm nay, khi Ủy ban sông Mekong (MRC) họp để bàn về việc Lào xây đập thủy điện, ông Daovong Phonekeo, Phó giám đốc Cơ quan điện lực Lào, cho biết Lào không chỉ có kế hoạch bán điện cho Thái Lan, mà còn bán cho cả Việt Nam.

Tuy nhiên, đó chỉ là con bài xoa dịu của Vientiane với "ông anh" Hà Nội.

Bởi lợi nhuận từ việc mua điện của Lào từ Việt Nam không thể so sánh với việc Việt Nam vẫn bán điện giá rẻ cho Lào hàng chục năm qua. Mặt khác, Việt Nam cũng không được lợi gì nhiều khi chỉ mua được số % còn lại ít ỏi từ đập thủy điện này.

Chính phủ Việt Nam cũng thừa hiểu việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi có tác hại thế nào với khi không có phù sa bồi đắp và tình trạng nhiễm mặn cho hàng triệu hectar lúa tại đồng bằng sông Cửu Long và tứ giác Long Xuyên.

Đồng thời nguồn lợi thủy sản nước ngọt có nguy cơ bị sụt giảm tới 30% bởi đập thủy điện ngăn chặn các luồng cá di cư mà Việt Nam lại ở hạ nguồn.

Lào cũng đang có sự lựa chọn khôn khéo tương tự Việt Nam khi lựa chọn "ông bầu" mới cho mình.

Trần Phong

Việt Nam cũng hiểu không đơn giản mà Lào dám qua mặt khi xây dựng đập thủy điện và chắn rằng những gì mà Lào đang làm giống với Trung Quốc xây dựng đập thủy điện Cảnh Hồng mấy năm về trước.

Vậy tại sao Lào dám qua mặt Việt Nam?

Bởi số vốn đầu tư của "đại gia Trung Quốc", hay lợi nhuận trước mắt quá hấp dẫn với một quốc gia nghèo như Lào?

Hay bởi những điều kí kết của MRC không có sức nặng pháp lý?

Giới quan sát ở Hà Nội còn nêu một lý do khác: Trung Quốc đang đứng đằng sau Lào với một tầm nhìn xa thay thế Việt Nam để ảnh hưởng ở Lào.

Nếu nói đây là sự kiện Xayaburi để đánh dấu một bước ngoặt mới trong chiến lược của cả hai nước Trung Quốc và Lào cũng không có gì quá đáng.

'Quá khứ đỏ'

Tân tổng bí thư Choummanly Sayasone được cho là 'thân Việt Nam' nhưng Thủ tướng Lào lại có tiếng là nghiêng về phía Trung Quốc


"Không khi nào Lào có thể phản bội Việt Nam!"

Đến tận bây giờ, hầu hết những người dân Việt Nam khi được hỏi về mối quan hệ anh em giữa Việt Nam và Lào đều nói một câu như thế.

Trong tư tưởng người dân Việt Nam, “người anh” Việt Nam luôn thể hiện vai trò làm anh của mình đối với “người em” Lào. “Người anh” Việt Nam cũng sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng” đầu tư, viện trợ cho Lào dù là trong lúc khó khăn nhất để giữ lại cái sườn Đông Dương.

Nhìn lại quá khứ trong suốt hơn 80 năm khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (2/3/1930) với mục đích giải phóng toàn bộ Đông Dương khỏi người Pháp thì mối quan hệ Việt Nam- Lào được nhận định là quá khứ “đỏ”.

Gọi là “quá khứ đỏ” vì với vai trò nước đàn anh, Việt Nam luôn cố duy trì quan hệ có ý nghĩa "môi hở răng lạnh" trong chiến lược ngoại giao lâu dài hai nước.

Từ Thế Chiến 2, Chiến tranh Đông Dương 1945 -1954, nội chiến Lào (1962 -1975), và từ sau 1975 đến nay, không một thời gian nào quan hệ Việt Nam – Lào ngưng trệ hay có vấn đề nổi cộm .

Có thể thấy Hà Nội đã đổ rất nhiều tâm sức, tiền bạc hay thậm chí đưa hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam giúp quân đội Pathet Lào giành được quyền kiểm soát đất nước trong thời gian nội chiến Lào.

Đối với Việt Nam, Chính phủ Lào luôn coi là "một cái phao" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng khi hàng chục năm nay đối tác lớn nhất của Lào vẫn là Việt Nam.

Tính về kinh tế, hầu hết các dự án lớn ở Lào do Việt Nam đầu tư, viện trợ và hầu hết là viện trợ không hoàn lại.

Tất nhiên, Hà Nội sẵn sàng chịu thiệt nhiều đường để duy trì ảnh hưởng cũng như bảo vệ lá chắn Lào ổn định với chính sách thân Việt Nam.

Nhất là trong hiện nay, khi phải đối mặt với sự đe dọa nghiêm trọng từ sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc thì việc bảo vệ lá chắn này khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc là điều tất yếu.

Tương lai sáng chói?

Trong quan hệ bằng hữu này, Lào có vẻ có chỗ chỗ dựa bền vững cả về kinh tế và chính trị vì Hà Nội dù bất cứ giá nào cũng giữ chân Lào ở lại.

Mới đây, ông Chummaly Sayasone được coi là thân Việt Nam hơn tái đắc cử tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cũng làm Hà Nội yên lòng.

Tuy nhiên, đường lối của Lào cũng không hẳn sẽ “thuần phục” Việt Nam như những năm trước bởi sức ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc đến quốc gia này trong thời gian vừa qua.

Đầu tiên là về kinh tế. Trong nhiều năm qua, Lào chiếm được thặng dư trong trao đổi thương mại với Trung Quốc.

Năm 2010 giá trị trao đổi thương mại hai nước đạt trên 1 tỉ USD, cao gấp gần hai lần so với Việt Nam (chừng nửa tỉ USD).

Trong đó, Lào nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc đạt 484 triệu USD, tăng 28%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 571 triệu USD, tăng 52,5%.

Riêng 2010, Trung Quốc có 16 dự án được Lào cấp phép với số vốn đạt hơn 344 triệu USD, đứng đầu trong số các nhà đầu tư vào Lào.

Hơn nữa, mặc dù Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn chịu các sức ép từ Hà Nội và tỏ ra “ngoan ngoãn” trong các chính sách ngoại giao với Việt Nam nhưng theo nhận định thì nội các của tân thủ tướng Thongsing Thammavong lại có đường lối thân Trung Quốc hơn.

Nếu so sánh về những cái lợi, rõ ràng Vientiane đang nhìn về một Trung Hoa với ánh sáng rực rỡ và sự thèm khát mở rộng phạm vi ảnh hưởng chứ không cần đến một quá khứ đỏ như người ta thường nghĩ.

Điều đó cũng đặt chính phủ Lào vào vị thế chọn con đường thân Trung Quốc hoặc Việt Nam, hay chơi với cả hai trong tương lai.

Các chính trị gia tại Hà Nội lâu nay thường tự khen mình khôn khéo cân bằng quan hệ giữa Mỹ cùng phương Tây với láng giềng khổng lồ Trung Quốc thì giờ đây Lào cũng đang có sự lựa chọn khôn khéo tương tự khi lựa chọn "ông bầu" mới cho mình.

Các tổ chức môi sinh liên tục phản đối những dự án xây đập trên dòng Mekong

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Trần Phong, hiện sống tại Hà Nội. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Bấm Diễn Đàn BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét