Thủy điện + biến đổi khí hậu = “án tử ” cho ĐBSCL

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 23/04/2011, 07:14 (GMT+7)
TT - Ảnh hưởng từ các đập thủy điện trên sông Mekong sẽ làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Sự cộng hưởng này khiến mức độ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh sẽ vô cùng nghiêm trọng, là “án tử” cho vùng ĐBSCL...

Lũ không về gây ảnh hưởng nặng đến những cánh đồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh là cánh đồng lúa bị nhiễm mặn ở Bình Đại, Bến Tre - Ảnh: H.T.V.

Đó là nhận định của TS Đào Trọng Tứ - giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC) - phát biểu tại cuộc họp bàn tìm giải pháp để thích ứng với tình huống xấu nhất là các đập trên thượng nguồn sông Mekong được triển khai.

Cuộc họp này diễn ra hôm qua 22-4 tại Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, một nhóm nhà khoa học và lãnh đạo một số ban ngành các tỉnh ĐBSCL.

Chưa có Xayaburi, đã sớm lãnh hậu quả

Nhiều ý kiến cho rằng chưa nói tới chuyện xây thêm đập Xayaburi và 11 đập khác ở trung lưu dòng chính, chỉ việc mới xuất hiện một số đập trên lãnh thổ Trung Quốc ở thượng lưu sông Mekong mà ĐBSCL đã lãnh đủ hậu quả. ThS Trần Anh Thư - phó giám đốc Sở TN&MT An Giang - cho rằng: Thứ nhất là ảnh hưởng đến tài nguyên đất, đất canh tác không được bồi đắp phù sa khiến ngày càng thoái hóa làm chi phí sản xuất cao hơn trước. Bên cạnh đó, dòng chảy biến đổi cộng thêm nguồn nước thiếu phù sa đã gia tăng sạt lở đất bờ sông.

Mặt khác, mực nước thấp làm tăng tình trạng xâm nhập mặn và nguy cơ đất bị phèn hóa... Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, lúc này mặn đã xâm nhập vào thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ với nồng độ cao và sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới. Năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 9.000ha đất nông nghiệp nhiễm mặn, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

Tại Bến Tre, theo kết quả quan trắc, độ mặn dao động từ 8-290/00. Trước đây cứ 4-5 năm mới xuất hiện hiện tượng mặn xâm nhập sâu một lần, nhưng từ năm 2000 trở lại đây hiện tượng này xảy ra liên tục, thậm chí trong hai năm liền. Năm 2010 toàn tỉnh bị giảm năng suất trên 1.570ha lúa, 4.500ha đất phải bỏ hoang, trên 10.100ha cây ăn trái, nuôi tôm..., thiệt hại ước khoảng 198 tỉ đồng.

Còn tại Cà Mau, chỉ tính diện tích một vụ lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại do nắng hạn cục bộ và xâm nhập mặn từ năm 2005 - 2010 đã trên 28.100ha. Ước thất thu khoảng 78 tỉ đồng/năm. Đấy là chưa tính diện tích lúa hè thu và lúa mùa mỗi năm thiệt hại gần 30 tỉ đồng.

Dự báo thời gian tới có khoảng 60.000 - 90.000ha đất sản xuất thuộc các vùng ven biển có nguy cơ bị ngập. TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) - cho biết tại ĐBSCL năm 2010 lưỡi mặn 1g/lít đã đi sâu vào đất liền 70km.

Song song đó nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, nhiều loài cá có giá trị biến mất. Theo TS Lê Phát Quới - trưởng phòng quản lý tài nguyên Viện môi trường & tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh bắt thủy sản vốn là nguồn thu nhập chính của người dân, nhưng những năm gần đây ở ĐBSCL không còn những xóm chài, số hộ làm nghề này đã giảm khá nhiều.

Mùa nước nổi năm rồi hầu như lũ không về, sản lượng cá đánh bắt giảm hẳn khiến cuộc sống bà con nông thôn khó khăn hơn.

Dự án “nâng cao nhận thức cộng đồng”

Nguồn nước ngọt từ sông Mekong vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo đất, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, nếu các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong tiếp tục xây dựng thì trước hết diện tích canh tác lúa sẽ bị giảm do xâm nhập mặn và phèn hóa.

TS Đào Trọng Tứ cho biết với những tác động như vậy, chắc chắn năng suất, sản lượng và giá trị nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ giảm mạnh. Mặt khác cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm, mất cân bằng hệ sinh thái khó có thể phục hồi.

“Ảnh hưởng từ các đập thủy điện sẽ làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu. Có thể nói nếu xây thêm hàng loạt đập trên sông Mekong thì mức độ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh sẽ vô cùng nghiêm trọng, là “án tử” cho vùng ĐBSCL. Trong đó người nghèo bị tác động nặng nề nhất” - TS Tứ nhận định.

Từ những đánh giá đó, cuộc họp thống nhất triển khai dự án nâng cao nhận thức địa phương về tác động của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong ở ĐBSCL. Dự án do Tổ chức McKnight Foundation và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới tài trợ 30.000 USD, sẽ được thực hiện từ 2011-2012, với mục đích nghiên cứu cung cấp thông tin về môi trường chiến lược đối với 12 dự án thủy điện dự định xây trên dòng chính sông Mekong, từ đó đề xuất những giải pháp chủ động thích ứng trong trường hợp các đập được triển khai.

Th.S Nguyễn Hữu Thiện- trưởng nhóm tư vấn quốc gia trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính Mekong - cho biết: “Dự án nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng, xã hội về một nguy cơ; vừa là một kênh ghi nhận thông tin từ đông đảo người dân và các địa phương vốn trực tiếp bị ảnh hưởng do tác động của việc xây đập thủy điện”.

ĐỨC VỊNH - TRUNG CƯỜNG lược ghi

tuoitre.vn
Thứ Bảy, 23/04/2011, 07:23 (GMT+7)

“Lào cần phải phát triển”

TT - Đó là lời giải thích cho việc xây đập Xayaburi của ông Viraphonh Viravong, giám đốc Tổng cục Điện lực thuộc Bộ Năng lượng và khoáng sản Lào, trong cuộc trả lời phỏng vấn PV Tuổi Trẻ tại Vientiane. Ông Viravong nói:

Ông Viraphonh Viravong

- Lào muốn phát triển kinh tế bằng tài nguyên thiên nhiên. Một trong các loại tài nguyên đó là thủy điện. Chúng tôi cho rằng thủy điện là năng lượng có thể tái tạo, thân thiện với môi trường nếu so sánh với điện nguyên tử, điện than... Chúng tôi có tiềm năng rất lớn đối với thủy điện, không chỉ để cung cấp trong nước mà còn để xuất khẩu cho các nước khác.

* Có đúng là Lào muốn xây dựng hơn 100 con đập trên dòng chính và các dòng sông phụ?

- Con số không quan trọng. Một số con đập rất lớn nhưng một số con đập khác lại rất nhỏ. Con số có thể khiến hiểu nhầm. Nếu chúng tôi xây hết các con đập mình muốn, sản lượng điện thu được hứa hẹn là 20.000MW. Khi bán điện, chúng tôi có thể phát triển những ngành công nghiệp khác. Nếu không có điện thì không thể công nghiệp hóa. Đó không phải là chuyện bán 1 kWh điện sẽ được bao nhiêu tiền. Chúng tôi thậm chí còn không muốn bán điện ra nước ngoài. Nếu cung cấp điện giá rẻ, chúng tôi sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến đầu tư ở Lào.

* Nhưng để làm thủy điện phải trả giá bằng việc mất rừng và thay đổi sinh thái?

- Tôi cho rằng có rất nhiều hiểu lầm về vấn đề này. Có rất nhiều loại thủy điện và quy mô khác nhau. Và nếu so sánh số rừng bị mất đi do hồ chứa thủy điện, diện tích đó rất nhỏ. Trong nhiều trường hợp, sau khi đập thủy điện được hoàn thành, nơi đó trở thành điểm du lịch, nhiều người đến vùng lòng hồ để câu cá giải trí vì trong lòng hồ có rất nhiều cá.

* Nếu thủy điện tốt như vậy, tại sao lại có quá nhiều quan ngại, nhất là với đập thủy điện Xayaburi gần đây?

- Để xây dựng bất cứ điều gì, phải thay đổi thiên nhiên. Nếu sự thay đổi không nguy hại và không xấu mà chỉ là khác biệt thì chúng ta cho phép sự thay đổi diễn ra. Chúng ta không thể xây dựng mà không thay đổi vì đó là tự nhiên. Và chúng tôi so sánh lợi và hại của mỗi dự án, tính luôn cả tổn hại với môi trường và xã hội.

* Góp ý của ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam về thủy điện Xayaburi nêu rõ sự lo ngại của các nước này đối với tác động xuyên biên giới, nghề cá và dòng phù sa. Lào ghi nhận chuyện này như thế nào?

- Lào đã hoàn tất trách nhiệm tham vấn trước, chia sẻ thông tin với các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong trước khi thi công con đập và việc này đã kết thúc. Chúng tôi đã nhận được phản hồi từ các nước thành viên. Quá trình tham vấn trước đã kết thúc.

Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ cùng với nhà đầu tư xem xét những nghiên cứu và góp ý cụ thể của các nước thành viên về đập Xayaburi để xem chúng hợp lý hay không đáng xem xét, và thảo luận phương án giảm thiểu tác hại. Nếu thấy không có gì nghiêm trọng, chúng tôi sẽ cho xây dựng con đập.

HỒNG VÂN thực hiện


tuoitre.vn
Thứ Sáu, 22/04/2011, 07:15 (GMT+7)

Xây đập Xayaburi: Báo The Nation vạch rõ “kẻ đồng lõa”

TT - Báo The Nation ngày 21-4 cảnh báo khi viết: “Là một trong những cổ đông chính đằng sau việc cung cấp tài chính và đề xuất xây dựng dự án đập Xayaburi, Thái Lan đang là kẻ đồng lõa của kế hoạch gây tranh cãi này nên không thể xem đó là việc của Lào”.

Công việc san ủi và giải phóng mặt bằng chuẩn bị thi công con đập đã bắt đầu trên con đường Ban Talan (Lào) - Ảnh: BKP

Thái Lan là nước dự kiến mua khoảng 95% sản lượng điện của đập Xayaburi trong tương lai. Ủy ban Chính sách năng lượng quốc gia Thái Lan cuối năm ngoái đã thông qua thỏa thuận mua 1,23 GW trên tổng số 1,29 GW của toàn bộ dự án với giá 2,479 baht/kWh. Công ty xây dựng lớn thứ hai Thái Lan Ch Karnchang, sở hữu phần lớn cổ phần của Xayaburi Power - chủ phát triển dự án, dự kiến ký thỏa thuận mua bán và một gói tài chính 80 tỉ baht (khoảng 2,7 tỉ USD) cho dự án vào tháng tới.

Bộ trưởng năng lượng Thái Lan Wannarat Charnnukul khẳng định bộ sẽ vẫn tiếp tục ký thỏa thuận mua điện với Xayaburi Power. Một nguồn tin từ Bộ Năng lượng Thái Lan tiết lộ: “Nếu việc xây dựng bị hoãn tám hoặc chín tháng, Thái Lan sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng nếu kéo dài hơn một năm thì phải cần đàm phán lại giá, hoặc chúng tôi sẽ phải sửa lại kế hoạch phát triển năng lượng 2010”.

Báo Bangkok Post ngày 21-4 cho biết lãnh đạo Bộ Năng lượng Thái Lan đã tỏ ý ủng hộ dự án xây dựng đập Xayaburi vốn đang gây nhiều tranh cãi và cho rằng các cáo buộc của giới hoạt động môi trường là “chưa được chứng minh”.

“Đến nay chưa có đủ bằng chứng cho những cáo buộc đó” - ông Norkhun Sitthipong, thư ký thường trực của Bộ Năng lượng Thái Lan, tuyên bố. Ông cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường và cơ quan đại diện Thái Lan tại Ủy hội sông Mekong lên tiếng giải thích.

Trong khi đó, phản ứng chống đối mạnh mẽ nhất việc xây dựng đập Xayaburi là những người dân Thái Lan sống bên bờ sông Mekong.

Cũng trên Bangkok Post ngày 21-4, Ủy ban Hạ viện Thái Lan về các vấn đề diễn biến chính trị, truyền thông đại chúng và sự tham gia của quần chúng tuyên bố phản đối dự án Xayaburi. Ủy ban cho biết sẽ gửi thư đến Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, các bộ có liên quan và Công ty Ch Karnchang để yêu cầu làm rõ các vấn đề xung quanh dự án và hoãn việc triển khai. Ủy ban này cũng cho rằng thỏa thuận mua điện với Lào có thể vi hiến.

TRẦN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét