Theo giới chuyên môn, cây thị ở thôn Nhuận Trạch được đánh giá là một trong những cây cổ thụ nhất còn tồn tại ở nước ta và theo người dân địa phương nó đã trường tồn ở đây cả nghìn năm. Hiện nay, thân cây thị này vẫn rất to, chu vi 12,5m; chiều cao cả tán 32m; chu vi cả bạnh vè sát đất tới 15m. Nhờ cây đứng trong khuôn viên ngôi đền cổ, xây từ thời Lý, thờ Linh Lang đại vương, nên được cộng đồng bảo vệ tới ngày nay.
Phát biểu khai mạc buổi lễ trọng thể này, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đã bày tỏ sự vui mừng về sự trùng hợp ngẫu nhiên là đúng vào ngày này của năm trước, hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, Hội BVTN&MT Việt Nam đã phát động phong trào này, thì lại được về Nhuận Trạch, cùng với chính quyền và nhân dân địa phương dự Lễ công nhận Cây thị nghìn tuổi là cây di sản Việt Nam. Ông Chủ tịch VACNE cũng khẳng định: Việc làm này, chỉ là bước kế tiếp truyền thống bảo tồn di sản của dân tộc, và nhờ thế tới hôm nay chúng ta mới có cây cổ thụ này.
Chu vi cây thị 12,5 m
Ông Sinh cũng chia sẻ thông tin: sự kiện tổ chức bảo tồn cây di sản không chỉ lan rộng nhanh chóng trong nước, mà còn được bạn bè các nước trên thế giới quan tâm. Một số người còn yêu cầu VACNE cho họ đóng góp phòng chống sét cho cây cổ thụ. Đặc biệt, mới đây ông Tổng thư ký Công ước Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc sang Việt Nam hội thảo đã biết về sự kiện này. Nhưng rất tiếc ông không còn thời gian để về Nhuận Trạch để trực tiếp tham gia sự kiện này cùng người người dân địa phương.
Sau khi cùng ông Phùng Văn Điền, Chủ tịch UBND xã trực tiếp đón nhận Bằng Chứng nhận Cây Di sản của VACNE, từ tay PGS.TS Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội, ông Nguyễn Văn Mẫn, trưởng thôn Nhuận Trạch phát biểu: “Cây thị không chỉ đơn thuần là một cây tự nhiên mà đã trở thành một phần máu thịt của người dân Nhuận Trạch, vừa là chứng nhân, điểm tựa về tinh thần cho cả cộng đồng lại vừa biểu thị của sức mạnh, sự trường tồn nơi đất lành. Bởi thế, trong thời gian qua, dù chưa có ai vận động và không có cơ quan nào tài trợ, nhưng bà con vẫn tự giác bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ và ngôi đền cổ này”.
Toàn cảnh Lễ vinh danh
Một số lão niên ở thôn Nhuận Trạch còn kể hàng loạt về sự kiện mang màu sắc tâm linh liên quan đến cây cổ thụ này và người dân địa phương đã coi đây như vật báu của cộng đồng. Suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc, trong khuôn viên này nhất là dưới bóng cây thị, nhiều đơn vị du kích, bộ đội đã chọn làm nơi ẩn nấp, nhưng điều kỳ lạ là ngôi đền và cây thị vẫn nguyên ven. Thậm chí tháng 6 năm 1954, khi thực dân Pháp ném bom Na pan phá sập ngôi đình của làng gần đó, nhưng cây thị và ngôi đền này lại vẫn nguyên vẹn, thậm chí không hề bị một mảnh bom nào.
Trước sự kiện cây thị được VACNE vinh danh là cây di sản Việt Nam, trung đoàn 1506 Bộ Tư lệnh công binh - một trong những đơn vị được cây thị che chở đẫ gửi hoa và tặng phẩm về chào mừng. /.
Bích Thủy
Chín cây muỗm đầu tiên được vinh danh cây di sản Việt Nam dịp Đại lễ 1000 Thăng Long-Hà Nội, mở đầu cho phong trào nhân dân và địa phương cùng tham gia bảo tồn nguồn gene quý hiếm ở Việt Nam.
Nhiều trong số những cây cổ thụ ấy được cho có nghìn năm tuổi và, nhất là, đều gắn với lịch sử, văn hoá của làng xã, những thành trì cuối cùng lưu giữ các chứng tích của nền văn minh lâu đời Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Đình Hoè, trưởng ban phản biện xã hội, đồng thời là người tham gia vào chương trình cây di sản của VACNE, đánh giá Bắc Bộ và Trung Bộ là nơi tập trung nhiều cây cổ thụ nhất ở Việt Nam, với nhiều cây hàng nghìn năm tuổi.
Trong khi đó, ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, theo đánh giá, sơ bộ gần đây có khoảng năm cây trên dưới 300 năm tuổi nhưng lại rất phân tán, chứ chưa phát hiện cây nào đến nghìn tuổi.
Cây nghìn tuổi
Ngày 22-4-2011, VACNE sẽ tổ chức lễ công nhận cây di sản Việt Nam cho rặng ruối 18 cây ở khu vực Đền – Lăng Ngô Quyền, thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
“Rặng ruối này cũng cỡ nghìn năm, là nơi Phùng Hưng, Ngô Quyền từng buộc voi, buộc ngựa”, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE, nói, “Rặng ruối chỉ cách mộ thờ vua Ngô Quyền chừng 100 mét theo đường chim bay.”
Đáng chú ý, sau đó đúng một tuần, tức ngày 29-4, VACNE tiếp tục tổ chức lễ công nhận cây samu dầu ở vườn quốc gia Pumát (Nghệ An).
“Cây samu dầu này có thể vào loại lâu năm nhất Việt Nam hiện nay, khoảng 1000 tuổi với chiều cao trên 70 mét, đường kính 5,5 mét” - GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản, nói.
Cây thị cổ thụ 312 tuổi tại nhà thờ phái Thân Văn, làng Dương Xuân Hạ,
TP. Huế ở Huế
Tiếp sau đó, sẽ đến lượt hai cây nghiến ở Cao Bằng, một ở khu di tích Pắc Pó, được xác định chừng 500 – 700 tuổi và một ở huyện Hạ Lang chừng 700 – 1000 tuổi.
Trong nhóm cây di sản sẽ được công nhận tới đây, năm cây thị ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cũng nằm trong danh sách ưu tiên. Rồi cây đa 13 rễ ở xóm Trại 1, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Dịp VACNE về khảo sát cây đa 13 rễ hồi giữa tháng 3-2011, ông Phạm Đức Thiết, trưởng ban quản lý cảnh quan cây đa, cho biết cây đa 13 rễ được dân địa phương đánh giá 600 – 700 năm tuổi.
Tiếp đó là rặng tùng và mai vàng trên 700 năm tuổi ở núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh. Theo một thông tin khác mà TS Sinh cung cấp thì Thanh Hóa có thể có cây samu dầu còn lâu năm và cao to hơn cả cây ở Nghệ An.
“Tôi mường tượng sẽ có những cây rất lý thú về tuổi thọ, lịch sử, văn hóa, nguồn gene”, TS Sinh nhận định.
Cây đa 13 rễ được đánh giá vào khoảng 600 – 700 năm tuổi ở xóm Trại 1, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
Mỗi cây mỗi số phận
Ấn tượng và quy mô nhất đối với ban tổ chức có lẽ phải kể đến cây thị ở thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì (Hà Nội). Cây này được vinh danh mới đây, sáng 19-3-2011. Cây có chu vi 12,5m; chiều cao cả tán 32m; chu vi cả bạnh vè sát đất tới 15m. Toàn dân trong thôn và những người con xa quê thôn Nhuận Trạch tự đứng ra tổ chức lễ vinh danh trang trọng. Lễ công bố cây thị di sản thu hút hàng nghìn người với vài chục mâm cỗ thịnh soạn.
Ông Nguyễn Minh Thiện, 69 tuổi, thôn Nhuận Trạch, nói: “Không biết cây thị được trồng hay tự mọc mà chỉ biết có từ khi ngôi đền cổ được xây từ thời Lý, thờ Linh Lang Đại Vương”.
Cây lim 700 năm tuổi ở Hải Dương
Trước đó cây gạo 727 năm tuổi (1284 - 2011) do Quỳnh Trân Công Chúa trồng ở đền Mõ, thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, được công nhận là cây di sản Việt Nam đúng ngày lễ hội đền Mõ, 16-3-2011, tưởng nhớ đến công chúa. Thân chính cây gạo cao 30 m, đường kính hơn 2 m. Thân phụ có đường kính 0,49 m mọc ra từ gốc thân chính.
Trong số những cây đã được công nhận cây di sản, đồi lim 54 cây tuổi từ một vài trăm năm đến 700 năm ở Đền Cao (Hải Dương) cũng đáng chú ý “bởi giữa vùng đồng bằng vẫn tồn tại một rừng lim xanh tốt như vậy”, TS Sinh nói.
Rừng lim cổ thụ trên núi Thiên Bồng, thôn Đại, xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương, gắn với di tích lịch sử Đền Cao được xây dựng cách đây hơn 1000 năm để thờ năm vị tướng đồng thời là năm chị em ruột họ Vương (Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, và Vương Thị Liễu) đã có công giúp Vua Lê Đại Hành đánh giặc Tống năm 981.
Nói về những cây muỗm nằm rải rác trong và ngoài khuôn viên Đền Voi Phục, cụ Hà Văn May 90 tuổi, cụ từ ở Đền Voi Phục, kể chín cây muỗm có từ lúc xây dựng Đền Voi Phục. Đền thờ hoàng tử Linh Lang (con vua Lý Thái Tông). Trong Đền, được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia, còn lưu giữ một số đồ thờ có niên đại 600-800 năm.
Cây gạo 1000 năm tuổi do chính Quỳnh Trân Công Chúa trồng ở Đền Mõ, Hải Phòng.
Nhằm tu bổ, tôn tạo đền nói chung và bảo vệ chín cây muỗm nói riêng, sáng 30-3-2011, UBND TP Hà Nội và Quận Tây Hồ tổ chức lễ khởi công công trình giải phóng mặt bằng, quy hoạch tổng mặt bằng và tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích Đền Voi Phục.
Cụ Nguyễn Văn Tùng, trưởng ban di tích Đền Voi Phục, cho biết: “Dự án kéo dài tám tháng với tổng kinh phí 18 tỷ đồng, trong đó 15 tỷ đồng của UBND TP Hà Hội. Còn Quận Tây Hồ sẽ huy động nhân dân và các tổ chức đóng góp ba tỷ đồng”.
Nói về những cây đã được công nhận cây di sản, ông Hoè thổ lộ: “Mỗi cây đều có ấn tượng vì chúng đều gắn với lịch sử, văn hoá cũng như tâm linh của cộng đồng”. “Lễ công nhận cây di sản là phong trào tiếp thêm nhuệ khí”, TS Nguyễn Ngọc Sinh nói. “Những nơi duy trì được những cây 500 – 700 trường tồn thì đã là nguồn gene quý hiếm lắm rồi”.
- Các tỉnh, thành đã đăng ký công nhận cây di sản gồm Hà Nội mở rộng, Cao Bằng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… Đến nay, VACNE đã công nhận cây di sản ở bốn tỉnh thành gồm Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Hải Dương, và Hải Phòng. Tới đây VACNE tiếp tục công nhận cây di sản ở Hà Nội, tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Ninh Bình, Hải Phòng, và Quảng Ninh. - VACNE đã tiếp nhận hơn 100 hồ sơ với vài chục loại cây như đa, thị, lim, nghiến, gạo, thông, ruối, muỗm, samu dầu, v.v…Trong số hơn 100 hồ sơ, VACNE đã công nhận 90 hồ sơ và đã trao bằng công nhận cây di sản cho gần 70 cây ở các tỉnh thành gồm Hà Nội mở rộng, Huế, Hải Dương, Hải Phòng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ kèm theo ảnh của địa phương gửi về, hội đồng cây di sản của VACNE cùng với các chuyên gia sẽ trực tiếp đến hiện trường để khảo sát, đánh giá và xác định tuổi của cây. - “Việc tổ chức công nhận cây di sản không đơn giản”, TS Sinh chia sẻ khó khăn, “Có cây to, sừng sững không xác định được qua ảnh nhưng khi đến, theo tên địa phương, dân nói loại cây mà chúng tôi không thể xác định được tên khoa học”. - “Kinh phí đi lại, phát tờ rơi, làm bia đá cây di sản, thuê xe cho đại biểu đến dự và trao bằng công nhận, v.v…, đều do VACNE tự chi trả. Nếu việc công nhận trở thành đại trà, có thể VACNE chỉ trao bằng công nhận, chứ không trực tiếp đến trao bằng công nhận nữa.” - “Sau khi cây được công nhận, nếu địa phương nào gặp khó khăn trong việc chăm sóc, chữa trị cho cây thì VACNE sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ. Trong trường hợp cây bị xâm lại, VACNE sẽ đến trực tiếp để can thiệp” TS Sinh nói. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét