Người hùng 62 tuổi - "sát thủ" của hải tặc

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Ba, 19/04/2011, 13:02 (GMT+7)

TTO - Phong độ như một diễn viên Hollywood, Max Hardberger có lẽ là người duy nhất trên thế giới hơn 20 năm qua làm nghề… cướp tàu từ tay cướp biển. Ông đã cướp lại được 15 tàu chở dầu lớn trị giá hàng triệu USD mà không giết tên hải tặc nào.

Đội ngũ của ông sắp phải đối phó với cướp biển Somalia trong vài tuần nữa. Ảnh: Daily Mail

Hardberger, sinh năm 1948, đến từ New Orleans của bang Louisiana (Mỹ). Công việc thường ngày của ông và nhóm làm việc nguy hiểm không khác gì những diễn biến kịch tính nhất trong các bộ phim hành động.

“Người hùng của đại dương” bắt đầu công việc từ năm 1987. Công việc đã đưa ông đến những cánh rừng bị chiến tranh tàn phá ở Nam Mỹ, đối mặt với giới hải tặc của vùng Caribbe. Các công ty tàu biển đã trả cho ông khoản kếch sù để lấy về những con tàu giá trị 28 -33 triệu USD từ những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới.

Ông cho biết mỗi khi nhận được đề nghị cướp lại tàu, ông phải đến cảng mà con tàu đó xuất phát, đánh giá tình trạng tàu, xem có những ai trên boong, thái độ của những người trên tàu ra sao, có đủ nhiên liệu để đưa về bờ không…

Đã cướp lại 15 tàu trót lọt từ hải tặc, trong đó có tàu hàng 10.000 tấn ở Haiti trong cuộc nổi loạn năm 2004, nhiệm vụ mới nhất của Hardberger là phải tấn công những kẻ cướp biển trang bị vũ khí hạng nặng của Somalia. Nhóm này từng bắn chết 4 người Mỹ trên chiếc du thuyền hồi tháng trước và từng bắt cóc vợ chồng người Anh Paul và Rachel Chandler hơn một năm.

Max Hardberger đã cướp lại được 15 tàu bồn lớn trong hơn 20 năm qua. Ảnh: Daily Mail

“Chúng tôi đang xem xét kỹ tình hình ở Somalia sau cái chết của 4 người Mỹ và sẽ đến Somalia sau vài tuần nữa - ông Hardberger cho biết - Công việc yêu cầu chúng tôi phải lên được tàu của chúng, khống chế được cướp biển. Nếu có con tin, chúng tôi phải dùng lựu đạn cay, nếu không có chúng tôi dùng lựu đạn sát thương”.

Nhưng Hardberger nói đội ngũ của ông không có ý định giết bất kỳ ai. Nếu họ bắt được hải tặc, chúng sẽ được lựa chọn tự do, miễn là chúng có tàu riêng và không ngại bơi vào bờ.

Dù được trang bị những khẩu súng bắn đạn thật hiện đại và có những cựu binh từng chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, đội ngũ của Hardberger chủ trương “dùng cái đầu hơn là dùng vũ lực” để khống chế được các con tàu trong tay cướp biển.

Thường trang bị cho mình một… nụ cười, ông Hardberger và đội ngũ từng là lính đặc nhiệm, phản ứng nhanh luôn túc trực sẵn sàng cho công việc. Khi không tuần tra trên biển, ông làm việc với tư cách là luật sư, phi công, nhà báo, giáo viên lịch sử hay thậm chí là một tay trống trong ban nhạc blue.

Với kiến thức luật vững vàng, ông Hardberger tiết lộ kiến thức này giúp ông rất nhiều để chuẩn bị kỹ càng cho các “chiến dịch”.

Hardberger năm 1987 khi ông cướp lại được con tàu đầu tiên. Ảnh: Daily Mail

“Ngành tàu biển nguy hiểm hơn cả miền tây hoang dã và luật thông thường không thể áp dụng ở một số nơi - Hardberger nói - Chúng tôi phải thích nghi với cái gọi là luật rừng. Có rất nhiều cách để lấy lại tàu, trong đó có cách hối lộ những tay lính gác và việc này rất tác dụng”.

“Tôi phải dùng bất kỳ chiêu nào để tránh bạo lực. Nếu chỉ có một tay lính gác trên boong, tôi sẽ lừa hắn - Hardberger hóm hỉnh kể - Tôi từng lừa được mấy tay cướp biển đang canh gác rằng con tàu đang chìm và rồi chúng hoảng sợ chạy mất. Và khi chúng đã chạy, chúng tôi chỉ việc đưa tàu đi”.

Hardberger đã ghi lại trải nghiệm của ông trong tiểu thuyết Seized: a sea captain's adventures (Tạm dịch - Bị bắt cóc: Những cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng) do ông tự viết. Giống như ông, các nhân vật đều rất phiêu lưu, thông minh, thực tế và mạnh mẽ trong các pha hành động. Mọi câu chuyện đều dựa trên thực tế, phản ánh cả những chiêu thức trong giới thương mại quốc tế.

PHAN ANH


Thứ Sáu, 15/04/2011, 06:17 (GMT+7)

Đốt hải tặc bằng... laser

TT - Hải quân Mỹ vừa thử nghiệm thành công hệ thống laser di động trên biển có khả năng tấn công hải tặc bằng nhiệt.

Một binh lính bảo vệ bờ biển của Somalia đang tuần tra - Ảnh: Getty Images

Trong thử nghiệm diễn ra trên Thái Bình Dương tuần trước, tia laser có kích thước bằng một quả bóng chày đã khiến động cơ một chiếc tàu đang chạy bốc cháy. Theo Phòng nghiên cứu hải quân (ONR), nó có tầm bắn lên đến hàng kilômet. “Tia laser có thể được dùng để đẩy lùi một đợt tấn công hoặc có thể được giảm xuống mức không gây chết người, khi đó nó sẽ trở thành một ánh sáng chói để kẻ tấn công biết chúng đang nằm trong tầm ngắm” - giám đốc ONR Michael Deitchman cho biết.

Theo ông Deitchman, lợi thế của tia laser so với các vũ khí quân đội khác là hiệu quả hơn vì không xảy ra trường hợp lạc đạn. Nó có thể điều chỉnh được cường độ, từ mức nguy hiểm chết người đến mức chỉ gây khó chịu, tùy mục đích. Ngoài ra, tia laser có thể được thu nhỏ kích thước để nhắm vào những mục tiêu cụ thể, tương tự các loại súng ngắm tỉa.

TRẦN PHƯƠNG (Theo AP)

Vietnam + :: Thế giới :: Châu Phi

Cần một giải pháp toàn diện về cướp biển Somalia

19/04/2011 | 16:07:00


Ngày 18/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon yêu cầu cần có một giải pháp toàn diện cho vấn đề cướp biển Somalia vì đây là hậu quả của tình trạng mất an ninh chung, thiếu một chính phủ ổn định và kém phát triển ở quốc gia châu Phi này.

Trong thông điệp gửi đến hội nghị về cướp biển đang diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Tổng thư ký Ban Ki-moon viết: "Cướp biển không phải là một căn bệnh sinh ra trên nước. Nó là biểu hiện của các tình hình trên đất liền, bao gồm cả tình hình an ninh chung và tình hình chính trị ở Somalia.

Do đó, phản ứng của chúng ta phải chính luận và toàn diện, bao gồm hành động đồng thời trên 3 mặt trận: ngăn chặn, an ninh và trật tự pháp luật, và phát triển. Chúng ta phải làm việc với chính quyền Somalia, chúng ta phải biến những nỗ lực chống cướp biển của chúng ta thành một giải pháp toàn diện cho Somalia."

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng những công việc của Nhóm tiếp xúc quốc tế về vấn đề cướp biển Somalia, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập năm 2009, là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự thảo luận và phối hợp giữa các quốc gia, các tổ chức, chính phủ quá độ liên bang Somalia, chính quyền các khu vực của Somalia và các lực lượng hải quân đang thực hiện các hành động quân sự chống cướp biển.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng nêu ra rằng ông Jack Lang, cựu cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký về các vấn đề pháp lý liên quan cướp biển Somalia, đã vạch ra các biện pháp mà Somalia và cộng đồng quốc tế có thể đẩy mạnh những nỗ lực chống cướp biển như củng cố, tăng cường khả năng giam giữ, cầm tù... Một số biện pháp này đang được thực hiện, dù chỉ ở quy mô khiêm tốn, với sự trợ giúp của Cơ quan ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã quyết định nhanh chóng xem xét việc thành lập tòa án Somalia đặc biệt để xét xử bọn cướp biển ở cả Somalia và trong khu vực.

Trong một diễn biến khác, nhằm tăng cường bảo vệ lãnh hải quốc gia và an ninh hàng hải, cũng như góp phần ngăn chặn nạn cướp biển đang gia tăng mạnh tại khu vực biển Đông Phi, Vịnh Aden và Ấn Độ Dương, Tanzania đã cho phép lực lượng vũ trang nước này, trong đó có hải quân và không quân, tham gia bảo vệ, tuần tra vùng lãnh hải quốc gia, nhất là khu vực khai thác dầu khí. Đồng thời, lực lượng này cũng có nhiệm vụ bảo vệ, hộ tống tất cả các tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Tanzania.

Phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng Tanzania, ngày 18/4 Thủ tướng Mizengo Pinda nhấn mạnh do số vụ tấn công của các nhóm hải tặc tăng mạnh thời gian gần đây, Tanzania cần tăng cường bảo vệ lãnh thổ và an ninh hàng hải, trong đó có các khu vực lãnh hải.

Hiện có 17 công ty quốc tế đang thăm dò và khai thác dầu khí trên đất liền và vùng lãnh hải của Tanzania, đặc biệt hàng ngày có nhiều tàu chở dầu và tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế hoạt động trong khu vực lãnh hải nước này. Do vậy, việc tăng cường an ninh quốc gia và hàng hải là rất cần thiết trong tình hình hiện nay tại khu vực nhạy cảm này.

Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc trấn áp và ngăn chặn các hoạt động của cướp biển Somalia, số lượng các tàu thuyền đi lại trên tuyến hàng hải quan trọng này bị cướp biển Somalia tấn công, bắt giữ vẫn không ngừng gia tăng.

Đặc biệt, gần đây các nhóm hải tặc đã mở rộng phạm vi hoạt động tại nhiều khu vực Ấn Độ Dương, biển Nam châu Phi, khu vực biển châu Á... và tập trung tấn công các tàu thuyền lớn, kể cả tàu chở dầu để đòi tiền chuộc cao và với phương thức hành động táo bạo, liều lĩnh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét