Thứ Sáu, 02/07/2010 - 05:06
“Cách làm cổng chào chưa đủ thận trọng như 1.000 năm qua”
(Dân trí) - “Cách làm cổng chào và cách công bố xem ra chưa theo con đường văn hiến Thăng Long cũng như nguyện vọng lúc này của người dân Thủ đô, lại càng chưa đủ sự thận trọng như 1.000 năm qua những người đi trước vẫn làm”, Kiến trúc sư Lê Văn Lân phân tích.
>> “Các phương án cổng chào đòi hỏi kết cấu bền vững”
>> Hà Nội đồng ý phương án xây 4 cổng chào
>> “Các phương án cổng chào đòi hỏi kết cấu bền vững”
>> Hà Nội đồng ý phương án xây 4 cổng chào
Kiến trúc sư Lê Văn Lân
Thưa ông, không hẳn nhiều người dân không ủng hộ làm cổng chào phục vụ Đại lễ 1.000 năm, nhưng việc thành phố mãi đến tháng 6 vừa rồi mới đưa ra các mẫu thiết kế và không lâu sau đã quyết định làm ngay khiến không ít người chưa cảm thấy yên tâm. Vậy quan điểm của ông về làm cổng chào cho Đại lễ như thế nào?
Cổng chào vốn được dân ta hay dùng từ nông thôn đến thành thị mỗi khi bộc lộ hân hoan và chào mừng sự kiện. Xưa nay người ta không bàn cãi nhiều vì nó luôn chỉ bằng khung tre, tết lá như dừa, trung đình, ngâu, vạn tuế… Ở thành phố thì có gì làm nấy, sau ngày lễ lại nhanh chóng dỡ ra. Làm cổng chào tôi không phản đối, nhưng tôi quan niệm phải làm cổng như dân Việt Nam mình vẫn làm, chỉ tồn tại vài ngày, sau lễ là tháo. Như thế, cổng chào phải thật đơn giản, lắp đặt nhanh.
Giải pháp chất liệu sang nhất là bằng lá cây, hoa, chậu hoa. Thứ hai, các loại vật liệu nhẹ như vải, gỗ dán, cót ép. Thứ ba, màng mỏng bơm hơi, bong bóng các cỡ. Kế đến, bằng các luồng ánh sáng mạnh như đèn pha, laze, với hiệu quả về đêm nhiều hơn. Thứ 5, bằng thả diều, khí cầu, cờ phướn.
Tùy địa điểm mà chọn loại chất liệu phù hợp, hiệu quả về hình ảnh và kinh phí thấp. Trước hết phải kể đến màng mỏng bơm hơi, bởi chỉ với 10 phút có thể tháo lắp xong, lại tạo được đủ loại hình khối, hình tượng bay nhảy.
Còn tất cả những thứ bằng bê tông, bằng đá đều không nên làm vì sẽ phạm vào những sai lầm không rút ra được, không sửa chữa được.
5 phương án thiết kế cổng chào của thành phố với các hình tượng chim Lạc, Trống đồng, cọc Bạch Đằng… ông có ý kiến như thế nào?
Thành phố có đưa ra 5 phương án nhưng làm sao lại chỉ 5 hình vẽ như vậy mà chọn để xây dựng được?
Cách làm và cách công bố xem ra chưa theo con đường văn hiến Thăng Long cũng như nguyện vọng lúc này của người dân thủ đô, lại càng chưa đủ sự thận trọng như 1.000 năm nay những người đi trước vẫn thận trọng.
Mô hình 1 trong 5 mẫu cổng chào.
Ai cũng biết, nói đến Thăng Long là nói đến văn hiến, nói đến tôn trọng trí tuệ và nói đến sự tích luỹ, thâu tóm, chọn lựa trí tuệ. 1.000 năm dài lắm, sự thận trọng của ông bà ta ghê gớm lắm, trí tuệ lắm, chứ không đơn giản 5 cái hình như thế mà chọn xây được.
Nhưng thành phố chưa quyết định xây vĩnh cửu mà chỉ làm bán kiên cố để có thể tháo dỡ trong trường hợp chưa đạt?
Không nên dùng không gian Hà Nội vào những cuộc thử nghiệm. Nên rút những bài học thất bại và huyễn hoặc từ ý muốn xây dựng Cửa ô phía Nam của mấy năm trước.
Dự kiến kinh phí ban đầu để xây 5 cổng chào lên tới 50 tỷ đồng, vậy nếu làm cổng chào theo cách của ông, kinh phí bao nhiêu sẽ đủ?
Kinh phí cho tất cả nên ở mức 1/10 dự kiến đó, mà nói vui là gồm cả… liên hoan.
Ông cho rằng phải làm cổng chào cho dịp Đại lễ theo cách đơn giản, ít tốn kém, nhưng sau này, nếu hội đủ những điều kiện cần thiết, chúng ta có thể làm những cổng vĩnh cửu?
Tại sao lại không? Tôi là người được giao vẽ cổng công viên Thống nhất và tôi đã tốn hết 10 năm để làm. Giai đoạn đó, thành phố luôn thúc giục, mở rất nhiều cuộc thi và trong bối cảnh đất nước thống nhất thì không thể nói là không bức thiết được.
Làm cổng không như làm nhà, bởi người bình thường làm nhà có thể nhanh, nhưng cổng lại cần những người rất xuất sắc và làm trong thời gian rất dài.
Không gì là không làm được, nhưng phải có đủ suy nghĩ, đủ bàn cãi.
Xin cám ơn ông!
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét