Ông Mã Anh Cửu tiếp tục lãnh đạo Đài Loan

baodatviet.vn
Cập nhật lúc :11:21 AM, 15/01/2012
Đương kim lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, người có khuynh hướng thân thiện với đại lục, sẽ tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ.
Khoảng 80% trong số 18 triệu cử tri Đài Loan đã đi bỏ phiếu để bầu chọn lãnh đạo chính quyền. AFP dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho hay chiến thắng đã thuộc về đương kim lãnh đạo Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng (KMT). Với 90% số phiếu được kiểm, ông Mã, 61 tuổi, được 51,6% số người đi bầu ủng hộ so với tỷ lệ 45,7% của thủ lĩnh đối lập Thái Anh Văn thuộc đảng Dân tiến (DPP).

“Chúng ta đã chiến thắng”, ông Mã tuyên bố trước đám đông người ủng hộ tại Đài Bắc, “tôi cam kết sẽ bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho Đài Loan”. Trong khi đó, bà Thái đã không thể trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan. “Chúng tôi chấp nhận quyết định của người dân và xin chúc mừng ông Mã. Tôi xin lỗi người ủng hộ về thất bại này”, bà nói đồng thời thông báo sẽ từ chức Chủ tịch DPP.

Có thể nói, điểm khiến dư luận quan tâm nhất về các kỳ bầu cử của Đài Loan là khuynh hướng của người chiến thắng trong quan hệ với Trung Quốc đại lục. Trong nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2008, ông Mã chủ trương giảm căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Điều này thể hiện qua Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ký năm 2010 và sự gia tăng trao đổi thương mại giữa hai bên, theo Reuters. Ngược lại, bà Thái Anh Văn và DPP vẫn giữ thái độ hoài nghi với Bắc Kinh.
AFP dẫn lời giới quan sát đánh giá chiến thắng của ông Mã chứng tỏ người dân Đài Loan muốn giữ môi trường tương đối ổn định hiện nay và tận dụng cơ hội làm ăn với đại lục. Nhiều người lo ngại nếu bà Thái trở thành lãnh đạo mới thì căng thẳng sẽ gia tăng, làm tổn hại nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Kể cả Mỹ cũng tỏ ra ủng hộ cách tiếp cận của KMT để duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, chính sách của ông Mã cũng gây rất nhiều lo ngại rằng Đài Loan sẽ ngày càng phụ thuộc vào đại lục và “đánh mất quyền tự chủ”. Do đó, các chuyên gia nhận định sắp tới nhà lãnh đạo này sẽ phải giảm tốc độ và quy mô nhích gần Bắc Kinh để xoa dịu các phản đối.
Khác với đa số lần trước, kỳ bầu cử lần này khá suôn sẻ và tới nay chưa xảy ra tai tiếng nào. Theo Reuters, Bắc Kinh theo dõi rất sát sao cuộc bỏ phiếu và không có tuyên bố hay hành động cứng rắn nào nhằm tránh đẩy cử tri Đài Loan về phía DPP.

>>  Sớm hay muộn Đài Loan cũng 'đoàn tụ' với Trung Quốc?
Theo TN
 
 
baodatviet.vn - Cập nhật lúc :6:54 AM, 08/10/2011
Nửa thế kỷ trước, cả thế giới dường như sẵn sàng cho một cuộc chiến trên đảo Kim Môn. Ngày nay, đảo trở thành cầu nối Trung – Đài khi du khách hai bờ lũ lượt đến đây du lịch hàng năm. Tuy nhiên, chính điều này lại tiềm tàng nguy cơ Đài Loan "mất quyền tự trị, rơi vào tay" đại lục.
Quan hệ Trung – Đài chưa bao giờ hạ nhiệt

Năm 1949, sau thất bại trước đảng Cộng sản Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch, Quốc Dân đảng (KMT) phải thu tàn quân trốn khỏi Đại lục tới đảo Đài Loan. Tại đây, Tưởng Giới Thạch không chỉ giành quyền kiểm soát đảo Đài Loan mà còn kiểm soát được vài đảo nhỏ xung quanh.


Đảo Kim Môn từng là căn cứ quân sự nhưng nay trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.

Về phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, họ từng quyết chí đòi lại các đảo này và có lúc đe dọa về một cuộc chiến thực sự. Quan hệ Trung – Đài do đó có lúc vô cùng căng thẳng và tưởng chừng bất cứ một va chạm nhỏ nào cũng thổi bùng cuộc chiến khốc liệt. Do đó, để đối phó với nguy cơ bị tấn công bất thình lình, Đài Loan quân sự hóa mạnh nhất có thể. Trong suốt thập kỷ 80, hòn đảo được bảo vệ bởi các cụm phòng thủ theo dạng tổ ong vô cùng kiên cố. Phải đến giữa những năm 1990, Kim Môn mới được chuyển cho dân sự quản lý và cho phép du khách đến thăm quan tự do.
Tuy nhiên, đó không phải là dấu hiệu chứng mình quan hệ Trung – Đài đang trở nên hòa dịu. Sự thật là quan hệ giữa hai bờ luôn bị bao trùm trong nghi ngờ, căng thẳng, đe dọa và được biểu hiện bằng các động thái quân sự của cả hai bên.
Chẳng hạn, cách đây 15 năm, Trung Quốc kich liệt phản đối bầu cử Tổng thống ở Đài Loan mà sau đó người giành chiến thắng là Lý Đăng Huy, chính trị gia nổi tiếng với chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan, bằng một vụ thử tên lửa.
Cho đến tận bây giờ, hai bên bờ eo biển vẫn liên tục ganh đua, đọ nhau về mặt quân sự với ưu thế dường như đang bắt đầu nghiêng hẳn về phía Đại lục nhờ có sự phát triển như vũ bão trong lĩnh vực kinh tế.
Để phô trương sức mạnh quân sự, Trung Quốc gần đây cho ra mắt tàu sân bay đầu tiên mang tên Thi Lang, buộc Bộ Quốc phòng Đài Loan phải phát triển mạnh tên lửa hành trình thế hệ mới nhất của họ là Hùng Phong III, vũ khí được xem là “kẻ hủy diệt tàu sân bay”.
Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội hơn hẳn trong thời gian gần đây, phá vỡ thế cân bằng quân sự giữa hai bên, gây nhiều quan ngại cho Đài Loan.
“Bởi thế cân bằng về sức mạnh quân sự đã thay đổi trong thời gian gần đây, nên sẽ rất khó để chống lại những áp lực đến từ Trung Quốc”, Lin Wen Cheng, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu chính sách quốc gia cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Wang Jin Pyng, Chủ tịch Quốc hội Đài Loan cũng nhấn mạnh: “Bởi vì Đại lục rất khó đoán nên an ninh của Đài Loan không chỉ được xây dựng với đối tượng duy nhất là Đại lục”.

Do đó, xuất phát từ mối lo ngại cho an ninh quốc gia, Đài Loan không tiếc tiền của mua sắm vũ khí tối tân của Mỹ. Tuy nhiên, trong thương vụ mua bán vũ khí mới nhất giữa Mỹ và Đài Loan, Washington từ chối bán các chiến đấu cơ tối tân F-16 C/D cho Đài Bắc vì ngại “chọc giận” Bắc Kinh.
Động thái này của Mỹ đang dấy lên nhiều quan ngại trong giới chức Đài Loan.
“Không có những chiếc đấu cơ mới, chúng tôi mất đi sức mạnh đòn bẩy và ngay lập tức đối mặt với thách thức trong việc thực thi trách nhiệm bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực”, Thứ trưởng Quốc phòng Yang Nien-Dzu  than thở.
Ngoài ra, động thái của Mỹ còn gây ra nhiều tác động về mặt ngoại giao cho Đài Loan. Theo giải thích của Đại sứ Chen S.F. đang làm việc tại Quỹ chính sách quốc gia (National Policy Foundation) thì một nền quốc phòng vững mạnh hơn sẽ tăng cường khả năng thương lượng cho Đài Loan. “Khi chúng ta bước vào một cuộc đàm phán chính trị với Đại lục, chúng ta cần phải có một thế mạnh”, Đại sứ Chen S.F. cho hay.
Vừa hợp tác, vừa đấu tranh
Năm 2008, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của Đài Loan, Ma Ying-jeou (thuộc Quốc Dân đảng) chính thức trở thành lãnh đạo số 1 của Đài Loan. Dưới chế độ Ma Ying-jeou, Đài Loan bắt đầu thay đổi lập trường, sử dụng chính sách ôn hòa để thúc việc được công nhận như một quốc gia độc lập. Đài Loan cũng từ bỏ những nỗ lực vô vọng nhằm giành lại vị trí từng bị mất ở Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu thúc đẩy quan hệ với Đại lục.

Phía Trung Quốc cũng bắt đầu nới lỏng sự chèn ép trên mặt trận ngoại giao. Hai bờ eo biển không còn sử dụng các gói viện trợ khổng lồ để lôi kéo các quốc gia nhỏ hơn đứng về phía mình và chống lại phía kia nữa. Quan trọng nhất, Trung - Đài nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và văn hóa. Các hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai bờ eo biển ban đầu tiến triển thông qua trung gian là Hong Kong.
Cho đến thời điểm này, 70% đầu tư Đài Loan chảy vào Đại lục, nơi có gần 100.000 doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động. Bên cạnh đó, Trung Quốc giữ 41% thương mại của Đài Loan.
Dự kiến hợp tác kinh tế Trung – Đài sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhờ Hiệp định khung hợp tác kinh tế vừa được hai bên ký kết hồi năm ngoài. Hiệp định này được xem là một thỏa thuận lịch sử giữa hai bờ eo biển khi nhờ nó các rào cản kinh tế, thuế quan đối với hàng trăm mặt hàng của cả Trung Quốc lẫn  Đài Loan sẽ được loại bỏ dần dần.

Về du lịch, Đài Loan dần nới lỏng hạn chế đối với khách du lịch Trung Quốc. Do đó, kể từ tháng 7/2008, có 5.710.000 lượt người Trung Quốc đến thăm Đài Loan.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các quan hệ kinh tế đang tiến triển mang lại lợi ích cho cả hai bên thì Trung Quốc lại bắt đầu muốn nhiều hơn một mối quan hệ gần gũi.
Trung Quốc gợi ý về một vài hình thái tự trị cho Đài Loan song nhiều người nghi ngờ điều đó.
Về phía Đài Loan, họ từ lâu đi theo con đường chính trị đối lập với Trung Quốc và kiên quyết giữ quyền tự chủ của mình hay nói cách khác họ không muốn bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
“Ngày càng nhiều người Đài Loan thấy rằng họ khác biệt so với người Trung Quốc”, Giáo sư Huang W.F., thuộc ĐH Quốc gia Đài Loan nhấn mạnh.
Trung Quốc tính toán rằng, sự phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế đồng nghĩa với việc tương lai của Đài Loan gắn liền với tương lai của Trung Quốc. Và đó chính xác là điều mà Giáo sư Huang lo ngại.
“Hội nhập kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đang ăn mòn quyền tự trị của Đài Loan. Nếu điều này vẫn tiếp diễn, chỉ mươi năm nữa, Đài Loan sẽ mất quyền tự trị”, Giáo sư Huang lo lắng.
Bi quan hơn, Hsiao Bi-khim, một nữ chính khách Đài Loan nhấn mạnh: “Thay vì nỗ lực để thay đổi Trung Quốc thì chính Đài Loan lại đang bị Trung Quốc biến đổi”.
Tuy nhiên, Đài Loan cũng nhận thức được rằng việc kết thúc quan hệ kinh tế với Trung Quốc là điều không tưởng.
Do đó, làm thế nào để hợp tác sâu về kinh tế với Trung Quốc mà vẫn đảm bảo được quyền tự chủ của Đài Loan đang là vấn đề then chốt trong các trong các cuộc bầu của lập pháp và Tổng thống của Đài Loan vào tháng giêng năm sau.
Theo truyền thống, Đài Loan nằm dưới sự lãnh đạo của Quốc Dân đảng. Ngày nay, Quốc Dân đảng đang thúc đẩy sự tồn tại độc lập của Đài Loan trong khi vẫn nhấn mạnh một chính sách hòa giải hơn với Trung Quốc. Tổng thống Mã của Đài Loan là người theo đuổi lập trường: “Không thống nhất, không độc lập và không sử dụng vũ lực”.
Ngoài ra, hội nhập kinh tế cũng là trọng tâm chính sách của KMT với tuyên bố của Tổng thống Mã: “Chúng tôi đang nỗ lực để biến eo biển Đài Loan từ một khu vực đầy bất ổn trở thành một khu vực hòa bình”.

Tuy nhiên, nhiều người Đài Loan lo ngại, việc hội nhập kinh tế có dẫn đến “hội nhập về chính trị’ giống như mong muốn của Trung Quốc? Mặc dù “duy trì tình trạng hiện tại là ưu tiên hàng đầu” của Tổng thống Mã song Hsiao Bi-khim vẫn tỏ ra lo ngại về chủ quyền của Đài Loan bởi theo bà, “Tổng thống Ma quá thân với Trung Quốc” và ngờ rằng “nếu tái đắc cử, Ma sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập chính trị”.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Cấp tiến (DPP) từng nhấn mạnh ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Dù chấp nhận tình trạng hiện tại, song DPP luôn chú trọng đẩy mạnh việc mở rộng quan hệ quốc tế của Đài Loan; đồng thời lên tiếng chỉ trích việc Đài Loan ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, ứng cử viên tổng thống của DPP Tsai Ing-wen lại cam kết tiếp tục đàm phán với Trung Quốc mà không cần điều kiện tiên quyết. Điều này dẫn đến quan ngại rằng nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm tới, DPP cũng sẽ thay đổi lập trường quay sang “thân Trung”.
“Nếu DPP cầm quyền vào năm tới, họ có thể không giữ lập trường đối đầu giồng như cách đây ba năm trước”, Chang Chung-Young, giáo sư ĐH Fo Guang dự đoán.
Do đó, bất cứ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử và trở thành người đứng đầu Đài Loan sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn như Chao Chien-min thừa nhận: "Ngày nay Trung Quốc có ảnh hưởng ở Đài Loan về kinh tế hơn là về quân sự. Nhưng Trung Quốc đang làm mọi thứ để tận dụng toàn bộ sức mạnh của họ".
Do vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Đài Loan có thể thoát khỏi áp lực ngày càng gia tăng đến từ Đại lục hay không? Câu trả lời là điều đó không dễ. Người Đài Loan tiếp tục xây dựng một xã hội năng động, hấp dẫn và tự do hơn. Vì thế, điều duy nhất có thể hy vọng đó là sự thận trọng, kiên nhẫn và khôn ngoan sẽ tồn tại trên cả hai bên bờ eo biển Đài Loan nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định cho toàn khu vực.

>> Bắc Kinh tính kế ‘Trung Quốc hóa" thế giới
Lê Dung (Theo Forbes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét