“Làm luật” trên những cung đường miền Trung dịp Tết

17/01/2012 | 10:34

(Dân Việt) - Những ngày cuối năm, là thời điểm nạn “mãi lộ” hoành hành. PV Dân Việt đã có mặt trên một chuyến xe để ghi lại thực trạng “làm luật” của lực lượng CSGT một số tỉnh miền Trung.

Những ngày cận Tết, đường dây nóng của Báo NTNN nhận được nhiều cuộc điện thoại, đa phần của cánh lái xe và chủ các hãng xe khách chuyên chạy đường dài, bức xúc phản ánh: “Dù báo chí đã nhiều lần điều tra, làm rõ hành vi “làm luật”, chung chi giữa lực lượng CSGT và cánh lái xe đường dài, tuy nhiên, tình trạng này vẫn không giảm, đặc biệt là vào đợt cao điểm cuối năm. Không tin, mời nhà báo cứ thử thực tế một chuyến sẽ rõ”.
Sau khi thấy 300.000 đồng kẹp trong sổ, viên CSGT đòi thêm 100.000 đồng mới cho xe đi tiếp.
Dư bao nhiêu khách cũng vô tư
Được sự chấp thuận của anh H - chủ một hãng xe chạy tuyến đường dài có trụ sở tại một tỉnh Bắc Tây Nguyên, chúng tôi lên đường vào ngày 19 tháng Chạp (12.1.2012).
Trước khi chúng tôi khởi hành lúc trời tờ mờ sáng, anh H giải thích thêm: Những ngày này, hầu như xe khách nào cũng phải chở dư người so với số lượng được phép do nhu cầu của khách ra Bắc về quê ăn tết quá đông. Kể cả những xe khách chất lượng cao như xe của hãng anh đôi lúc cũng phải chở dư người (khoảng 5 – 7 người).
Theo quy định, cứ 1 khách dư sẽ bị xử phạt 400.000 đồng. Vì số tiền phạt quá cao, rồi lại dây dưa tới chuyện dừng xe lập biên bản làm trễ giờ của khách nên thường thì chủ xe sẽ chấp nhận chung chi, “làm luật” cho CSGT từ 200.000 – 400.000 đồng tùy từng trạm.
Về phía mình, lực lượng CSGT cũng hiểu được điểm yếu này của cánh lái xe khách đường dài liên tỉnh nên cũng tha hồ mà “linh động”, “thông cảm” cho xe qua sau khi đã được làm luật, dù xe có chở dư bao nhiêu người cũng không cần quan tâm.
Khoảng 6 giờ, xe bắt đầu chuyển bánh, lúc này lượng khách vừa đủ 47 ghế gồm cả 2 lái và 2 phụ xe, đúng theo thiết kế quy định. “Trên đường đi , kiểu gì cũng phải nhận thêm vài khách nữa” - anh H nói. Đúng như anh dự tính, xe chỉ rời bến được khoảng 30 phút, đã có thêm một nhóm 6 khách nữa bắt xe dọc đường để ra Bắc. Rồi lại thêm 20 phút nữa, xe có thêm 4 khách...
“Bỏ thêm phần chú vào”
Đa phần khi qua địa phận mỗi tỉnh sẽ có 2 trạm CSGT, một trạm chốt ở đầu tỉnh, một trạm ở cuối. Anh H tính nhẩm, xe về tới bến cuối sẽ phải qua địa phận hơn 10 tỉnh, sơ sơ sẽ phải đối mặt với khoảng trên 20 chốt CSGT, mỗi chốt trung bình phải “làm luật” 200.000 đồng, vị chi số tiền “làm luật” cho một chuyến đi khoảng 4.000.000 – 5.000.000 đồng.
Viên CSGT chặn xe tại chốt Liên Chiểu (ảnh chụp qua máy ghi hình). nhóm P.V
Thường CSGT ở những tỉnh miền Trung “làm luật” mạnh hơn cả. Nhưng như thế vẫn còn hơn là bị lập biên bản. Số tiền “làm luật” này coi như lấy tiền vé của số khách chở dư bù vào là vừa, cho nên đa phần các xe khách liên tỉnh dịp gần Tết chẳng dại gì mà không lấy dư khách, thậm chí có khi dư tới trên 20 người so với thiết kế. Càng dư nhiều thì càng lãi nhiều!
Xe chạy suốt buổi sáng khá êm ả không gặp chốt CSGT nào. Mãi tới đầu giờ chiều, xe giáp mặt chốt CSGT đầu tiên. 13 giờ 20, ở đoạn đường tránh TP.Đà Nẵng thuộc địa phận quận Liên Chiểu, một nhóm CSGT đứng bên chiếc xe ô tô BKS 43E – 1546 huơ gậy báo xe dừng.
Phụ xe nhảy xuống, chạy về phía chốt. Lúc này trời đang mưa nên viên sĩ quan CSGT mặc áo mưa lụp xụp. Như thông lệ, phụ xe kẹp sẵn 300.000 đồng gồm 1 tờ 200.000 và 1 tờ 100.000 vào cuốn sổ nhật trình của xe chạy ào tới chốt.
Viên cảnh sát tươi cười hỏi: “Xe dư được chục người không?”. Phụ xe: “Dạ không”. “Chứ mấy người?”. “Dạ 6”. “Cả chú nữa hả?”. “Vâng”. Vừa hỏi, viên cảnh sát vừa mở sổ nhật trình xe liếc qua chỗ tiền rồi nói: “6 người là mình dư 1 người, xe chỉ được 5 thôi. Bỏ thêm phần của chú vào”.
CSGT bắn tốc độ lúc thì mặc nguyên đồng phục, lúc lại khoác thường phục, nhưng dường như tất cả các hình thức này đều bị cánh lái xe phát hiện từ xa cả chục km bằng cách “giữ vững thông tin liên lạc” qua điện thoại...
Hiểu ý của viên CSGT, phụ xe nhét thêm tờ 100.000 đồng vào cuốn sổ, nói: “Dạ, sếp uống nước ạ”. Rất nhanh, cả mấy tờ polymer được viên cảnh sát cuộn vào tay và nhét vào túi. Xe tiếp tục chuyển bánh.
Trong suốt hành trình của chúng tôi từ Bắc Tây Nguyên ra Bắc, cánh lái xe liên tục thông báo cho nhau về lộ trình “an toàn” của đường đi, gồm có cả các chốt trạm CSGT để “làm luật” và các điểm có “bắn tốc độ”. Anh H đã hơn 20 năm trong nghề lái xe nên rành rẽ từng “điểm đỏ”, nơi CSGT các tỉnh đặt máy để bắn tốc độ các xe. Ở tỉnh này thì là trong một quán nước, một bức tường, tỉnh kia thì trong lùm cây, sau một tấm biển quảng cáo...
Trên đường, thỉnh thoảng anh H lại chỉ cho chúng tôi thấy một chốt bắn tốc độ như vậy. Thậm chí, đôi lúc anh còn sử dụng cả “độc chiêu” mà chỉ dân lâu năm trong nghề mới có mà anh hay gọi đùa là giải pháp “gọi điện thoại cho người thân”. Xe qua địa phận tỉnh nào, anh sẽ điện thoại cho một vị cán bộ CSGT tỉnh đó, là mối quen lâu năm trong nghề của anh, để dò hỏi cụ thể xem hôm nay có “bắn không” và nếu có thì bắn ở đoạn nào để “em tránh”. Tất nhiên là anh cũng chỉ quen một số tỉnh thôi, nhưng như vậy cũng là đủ!...
(Còn nữa)

18/01/2012 | 08:10

“Làm luật” trên những cung đường miền Trung

(Dân Việt) - Cảnh mãi lộ diễn ra khá trắng trợn tại các cung đường ở miền Trung. Phương thức của CSGT vẫn là dọa lập biên bản, rồi vòi tiền nhà xe.

Bài 2: Dọa lập biên bản để vòi tiền
“Làm luật” thì... cho qua
Khoảng 14 giờ 40 ngày 12.1, hết Đà Nẵng, xe vừa chạy tới địa phận huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì gặp ngay một chốt CSGT của tỉnh này. Trước xe chúng tôi đã có mấy chiếc xe tải phải dừng, các phụ xe tíu tít nhảy xuống “làm luật”.
Một cảnh sát giao thông lấy tiền kẹp trong sổ.
Phụ xe của chúng tôi cũng nhảy xuống, chạy tới chỗ viên cảnh sát đang đứng chặn giữa đường. Vẫn câu hỏi cửa miệng: “Xe dư mấy người?”. Vừa trả lời, phụ xe vừa đưa sổ, viên cảnh sát mở ra, thấy chỉ có tờ 200.000 đồng thì dọa “phạt thêm người nữa nhé!”. Phụ xe biết ý, nhét thêm tờ 100.000 đồng nữa vào sổ. Viên cảnh sát liền ngoắc gậy cho xe đi tiếp.
Tiếp đó, xe phải đi qua đoạn đường tránh qua TP.Huế. Cần phải nói thêm là đoạn đường này dài chỉ 30km, nhưng các xe qua đều phải mất tới hơn 2 tiếng đồng hồ bởi đoạn đường đã xuống cấp quá trầm trọng với hàng nghìn ổ gà, ổ trâu và cả ổ voi. Đoạn đường thực sự thách thức sự kiên nhẫn của hành khách và trình độ của bất kỳ tài xế xe khách, xe tải nào.
Hết đoạn đường tránh, gần 17 giờ, khi xe bắt đầu vào địa phận huyện Hương Trà (gần ngã ba Tư Hạ) cũng là lúc chúng tôi gặp một trạm CSGT nữa, là trạm cuối của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi nghe phụ xe nói xe dư 5, 6 người, viên CSGT tỏ vẻ không tin, trèo lên xe nhìn một lượt rồi bước xuống, tươi cười dặn dò lái xe “chạy từ từ thôi”. Cũng dễ hiểu bởi trước đó, anh này cũng đã kịp rút 200.000 đồng kẹp trong cuốn sổ màu vàng phụ xe đưa.
Lập biên bản nhé?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Xử lý thật nghiêm các cá nhân vi phạm
Sau khi báo đăng bài "Làm luật" trên những cung đường miền Trung", chiều 17.1, PV NTNN đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ và đường sắt. Thiếu tướng Tuyên cho hay: Nếu PV phát hiện có tiêu cực trong lực lượng CSGT, có chứng cứ thì cứ phản ánh trên mặt báo. Còn quan điểm của lãnh đạo Cục là các hành vi tiêu cực thì phải kiên quyết chống đến cùng, phải xử lý thật nghiêm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT vi phạm. Thiếu tướng Tuyên cũng đề nghị báo hợp tác, cung cấp chứng cứ, tư liệu để lãnh đạo Cục tham khảo và có căn cứ để đề nghị Phòng CSGT các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ vi phạm điều tra, xử lý.
Xe vào địa phận tỉnh Quảng Trị cũng là lúc trời nhá nhem tối, mưa ngày càng nặng hạt. Vào lúc 17 giờ 35, tới địa phận huyện Hải Lăng, chúng tôi thấy một xe CSGT đèn xanh đỏ nhấp nháy bên vệ đường. Phụ xe lại làm công việc thường lệ, nhưng lần này, số tiền có dày hơn bình thường – 400.000 đồng – vì nghe anh H nói CSGT ở Quảng Trị “rắn” hơn.
Tuy nhiên, trái với dự đoán, viên CSGT tỏ vẻ khá niềm nở, hỏi thăm thân mật “xe ra có khách chưa?”, đồng thời cầm cuốn sổ phụ xe vừa đưa, rất nhanh quay lưng lại để “tác nghiệp” rồi hỏi: “Xe dư mấy người? Thật không? để lên kiểm tra xem thử”.
Anh này lên ngó qua cho có rồi bước xuống cười cười khoát tay cho xe đi. Khi đi qua chiếc xe cảnh sát đèn đang nhấp nháy, chúng tôi kịp nhìn thấy BKS xe 80A – 003.35.
Cũng như tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại Quảng Trị cũng có 2 trạm, một trạm chốt đầu tỉnh, một trạm cuối tỉnh. Lúc 18 giờ 20, xe chúng tôi gặp chốt cuối tỉnh này, thuộc địa phận huyện Gio Linh.
Chiếc xe nhấp nháy đèn của CSGT mang BKS 74B - 1559 vừa dừng lại bên vệ đường, ngay lập tức đã thấy một viên CS nhảy xuống giơ gậy ra hiệu lệnh để xe chúng tôi dừng lại, kiểm tra.
Vừa thấy phụ xe, viên cảnh sát đã nắn gân hỏi một chặp với thái độ khá kiên quyết: “Xe dư bao nhiêu đây? Chở hàng trong xe hả? Lập biên bản nhé!”. Nhưng rồi ngay sau đó, thái độ của anh này lại lập tức thay đổi và khoát tay cho xe đi sau khi rút 200.000 đồng từ cuốn sổ nhật ký phụ xe đưa...
Cứ như vậy, đều đều và lặng lẽ qua các tỉnh, chiếc xe dư 10 khách đi trót lọt tới bến cuối cùng và trả khách vào lúc gần sáng hôm sau...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét