Chỉ thua Pháp một điểm, bộ ảnh mang chủ đề “Đời sống bình dị của người dân Việt Nam” gồm 10 chiếc của 10 tác giả nước ta đã giành giải vàng thay vì giành Cup FIAP. Lý do tại sao? Chúng tôi đã trao đổi với nhà lý luận- phê bình Vũ Đức Tân, CT Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, thành viên BGK cuộc thi này.
Hạnh phúc tuổi già - một tác phẩm dự thi của tác giả Phạm Dực (Đăk Lăk) |
Thưa ông, là một nhà lý luận- phê bình kiêm quản lý những vấn đề về Nhiếp ảnh của Việt Nam, đồng thời là một trong năm vị thành viên BGK cuộc thi Nhiếp ảnh thế giới do FIAP tổ chức, ông có thể cho biết vì sao Việt Nam thua Pháp trong "cuộc đua" giành chiếc Cup FIAP?
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt được huy chương vàng, một danh hiệu không phải là cao nhất trong cuộc thi này, thế nhưng cũng chỉ đứng sau bộ ảnh của Pháp (đoạt Cúp FIAP). Tuy thế, theo cảm nhận và đánh giá chung của Hội đồng xét giải, thì bộ ảnh mang tựa đề “Đời sống bình dị của người dân Việt Nam” gây được ấn tượng mạnh và thu hút sự chú ý đặc biệt trong cuộc thi, với khán giả và BGK- đây mới chính là một thành công đáng trân trọng của chúng ta.
Còn sự chênh lệch nhau một điểm là do chấm ngẫu nhiên. Có nghĩa, với 46 bộ ảnh của 46 quốc gia và vùng lãnh thổ- mỗi bộ mười ảnh của mười tác giả khác nhau- được bày hết trên bàn, đánh số thứ tự từ 1 đến 460. Sau đó Ban tổ chức đưa cho BGK bộ ảnh mười chiếc một theo thứ tự mà không có tên tác giả và không có chú thích ảnh.
Dựa trên số điểm chấm cho từng chiếc một rồi mới sắp xếp lại và cộng điểm tổng cho bộ ảnh của mỗi nước và xét giải cá nhân. Trên cơ sở chấm ngẫu nhiên như thế, bộ ảnh của Pháp đạt 233 điểm (giành Cup FIAP), bộ ảnh Việt Nam đạt 232 điểm (thua Pháp một điểm, giành huy chương Vàng), bộ ảnh Trung Quốc đạt 230 điểm (đoạt huy chương bạc), bộ ảnh của Ý đạt 222 điểm (đoạt huy chương đồng). Ngoài ra còn sáu bằng danh dự nữa.
Suối tiên, tác giả Ngọc Thái (Hà Nội) - một tác phẩm tạo được sức hút tại cuộc thi. |
Ông đánh giá thế nào về bộ ảnh đoạt Cup FIAP của cuộc thi này?
Đây là một bộ ảnh có chủ đề về phong cảnh. Màu gần như tráng. Mặc dù là của mười tác giả khác nhau nhưng chủ đề rất tập trung, thống nhất và đẹp cả về bố cục lẫn tạo hình. Chứng tỏ nước bạn đã chọn lọc rất kỹ.
Ông có nghĩ rằng, đây chính là nguyên nhân giúp các nhà nhiếp ảnh Pháp giành được danh hiệu cao nhất cuộc thi không, thưa ông?
Nhiếp ảnh Việt Nam mạnh về mảng phản ánh đời sống thường nhật. Những tác phẩm gây được chú ý của tác giả Việt Nam với bạn bè thế giới thường là những tác phẩm chụp trực tiếp và ghi nhận những khoảnh khắc.
Tuy vậy, những tác phẩm mang trí tưởng tượng, sáng tạo, ít nhiều có tính triết lý thì vẫn là một hạn chế với các nhà nhiếp ảnh nước ta.
Vậy BGK đã đánh giá chung về bộ ảnh của Việt Nam như thế nào?
Mỗi vị đều có một cảm nhận và đánh giá khác nhau. Song như tôi hiểu thì nói chung về mặt kỹ thuật, bộ ảnh của Việt Nam tương đối đồng đều so với bộ ảnh của các nước bạn.
Còn về nội dung, bộ ảnh của chúng ta gây được chú ý là bởi nó phản ánh chân thực đời sống bình dị nhưng sống động của người dân Việt Nam , trong đó có sự hoà điệu, gắn bó với thiên nhiên.
Quyết đấu, tác giả Ngô Quang Phúc (TP Hồ Chí Minh) - một tác phẩm gây được ấn tượng mạnh với BGK cuộc thi Nhiếp ảnh thế giới. |
Như tác phẩm Suối tiên của tác giả Ngọc Thái (Hà Nội), trong giây phút xuất thần đã chớp được khoảnh khắc hất tóc đẹp mắt bên bờ suối của cô gái vùng cao đất Việt. Từ đường nét ngược sáng tới mái tóc đều tạo nên sức hút với BGK…
Hoặc tác phẩm Quyết đấu của Ngô Quang Phúc (Tp Hồ Chí Minh) ghi lại được phút “quyết tử” của hai chú trâu trong lễ Chọi trâu đầu xuân của dân tộc ta cũng gây được ấn tượng mạnh.
Tác phẩm Cấy lúa của tác giả Lại Diễn Đàn (Hà Nội) thì mang lại vẻ thanh nhàn, yên bình mà ẩn chứa sức sống, sự sinh sôi của một đất nước đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đặc biệt là tác phẩm Lưới cá trên sông của tác giả Võ Thị Cúc đã được đánh giá cao và giành giải bạc cá nhân.
Cảm nhận một cách lạc quan thì nền nhiếp ảnh nước ta không có sự chênh lệch nhiều so với nền nhiếp ảnh các nước. Vậy để phát triển hơn nữa Hội nhiếp ảnh Việt Nam đã có kế hoạch cụ thể gì trong thời gian tới chưa? thưa ông!
Đương nhiên chúng tôi có rất nhiều kế hoạch. Một trong những kế hoạch để phát triển nhiếp ảnh cho có bề sâu, đó là chúng tôi tập trung xây dựng Trung tâm Nhiếp ảnh. Trong đó sẽ có bảo tàng lưu trữ những thành quả của Nhiếp ảnh qua nhiều thời đại. Tiếp tục phổ cập kiến thức nhiếp ảnh trong toàn quốc. Đẩy mạnh giao thoa quốc tế bằng con đường chính thức và qua sự tiếp xúc của cá nhân mỗi nhà nhiếp ảnh…
Xin cảm ơn ông!
Thục Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét