vov.vn
Cập nhật lúc : 8:24 AM, 06/12/2011
(VOV) - Với kết quả cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa VI, chính trường nước Nga thời gian tới gần như đã được định hình.
- Đảng Nước Nga Thống nhất vẫn giữ được đa số trong Duma
- "Cặp bài trùng" Thủ tướng và Tổng thống có thể đổi vai
Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga khóa VI vừa diễn ra hôm Chủ Nhật (4/12) cho thấy, Đảng Nước Nga Thống Nhất cầm quyền đã chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, không như mong đợi, số ghế mà Đảng này giành được đã không đạt 2/3 tổng số 450 ghế theo quy định để có quyền thông qua các thay đổi Hiến pháp. Kết quả này dẫn đến những dự báo sớm về chính trường nước Nga trong một nhiệm kỳ lãnh đạo mới.
So với cuộc bầu cử năm 2007, khi đó Đảng Nước Nga Thống Nhất giành được đa số áp đảo 64,3% số phiếu ủng hộ và giữ 315 trên tổng số 450 ghế trong Duma Quốc gia, lần này, chỉ với khoảng 50% số phiếu, Đảng Nước Nga Thống Nhất đã mất đi một vị thế quan trọng trong “chính quyền lập pháp” tối cao này.
Quyền lực tại nước Nga vẫn nằm trong tay những người "mới mà không mới" (Ảnh: Reuters) |
Quan tâm đến chính trường Nga, dư luận thường chú ý tới cuộc bầu cử Tổng thống nhiều hơn (việc này sẽ diễn ra vào tháng 3/2012). Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện cũng có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc bầu cử Tổng thống. Bởi với một đảng mà vị thế đang lên thì chiến thắng của người đại diện ra tranh chức Tổng thống sẽ được bảo đảm chắc chắn hơn. Còn với một đảng cầm quyền thì người đại diện cho đảng ra tranh cử mà chiến thắng thì uy tín và vị thế của đảng cũng sẽ được củng cố vững chắc hơn.
Chính vì ý nghĩa đó mà trước kỳ bầu cử Hạ viện đã diễn ra nhiều động thái quan trọng cả từ phía Đảng Nước Nga Thống Nhất lẫn người đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng thống. Ngày 27/11, đương kim Thủ tướng Putin, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống Nhất đã chính thức nhận lời đề cử của đảng để trở thành người đại diện cho đảng này ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra.
Cũng ngay trước cuộc bầu cử Hạ viện, “cặp bài trùng” Medvedev (đương kim Tổng thống) - Putin (đương kim Thủ tướng) có cuộc trao đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga và tuyên bố, nếu ông Putin đắc cử Tổng thống thì sẽ chỉ định ông Medvedev làm Thủ tướng.
Theo dư luận, đây sẽ là một sự đổi ngôi khá “ngoạn mục”, bởi cho đến lúc này, uy tín của cả hai đều đang khá cao trong cử tri Nga. Động thái này cũng được coi như để thu thêm phiếu của cử tri cho đảng Nước Nga Thống Nhất.
Kết quả bầu cử Hạ viện tuy đã mang lại thắng lợi cho Đảng Nước Nga Thống nhất nhưng lại không hội đủ 2/3 số ghế ở Hạ viện đã phần nào cho thấy uy tín của đảng đã có phần suy giảm. Cũng như vậy, nhìn vào những thành tựu của nước Nga thời gian gần đây, người ta ghi nhận những việc đã làm được của “cặp đôi” Putin - Medvedev, đặc biệt là ông Putin với 2 nhiệm kỳ Tổng thống trước đó… Tuy nhiên, cử tri Nga vẫn chờ đợi ở họ “nhiều hơn thế nữa”.
Có một thực tế không thể phủ nhận là trong những năm gần đây, các đảng phái chính trị ở Nga cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút cử tri, làm cho đời sống chính trị ở nước này trở nên sôi động. Chính sự cạnh tranh ấy đã tạo động lực thôi thúc các đảng phái chính trị không ngừng hoàn thiện cương lĩnh hoạt động của mình để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Trong số những đảng đang vươn lên giành được ngày càng nhiều sự ủng hộ của cử tri Nga có Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia năm 2007, Đảng này chỉ giành được gần 12% số phiếu bầu (giữ 57 ghế), thì ở lần bầu cử này, họ đã giành được vị trí thứ hai với hơn 19% số phiếu ủng hộ.
Như vậy, với kết quả của cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa VI, chính trường nước Nga thời gian tới với một Quốc hội mới, một Tổng thống mới và Thủ tướng mới đã gần như được định hình. Một phép thử về lòng tin của cử tri đối với giới lãnh đạo cũng đã khá rõ ràng và những bước đi tiếp theo sẽ nằm trong tay những gương mặt “mới mà không mới” ấy của nước Nga./.
tuoitre.vn
TT - Qua lá phiếu, cử tri Nga đã thể hiện rõ sự không hài lòng đối với đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất (UR). Kết quả bầu cử Quốc hội Nga cho thấy một thực tế là uy tín của Thủ tướng Vladimir Putin đang sụt giảm.
Bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới - Ảnh: Reuters |
Theo RIA Novosti, kết quả kiểm phiếu ở 96% điểm bầu cử cho thấy UR chỉ giành được 49,54% số phiếu bầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 64% vào năm 2007. Lãnh đạo Ủy ban bầu cử Vladimir Churov cho biết UR sẽ giành 238/450 ghế Duma quốc gia (Hạ viện), giảm mạnh so với con số 315 ghế trước đây. Dù vẫn chiếm thế đa số, nhưng UR đã đánh mất quyền đơn phương thông qua bất kỳ thay đổi nào trong hiến pháp.
Nhật báo Kommersant nhận định UR sẽ buộc phải tìm kiếm đối tác chính trị. Theo Interfax, Tổng thống Dmitry Medvedev vừa lên tiếng thừa nhận UR sẽ phải chia sẻ quyền lực và thành lập liên minh cầm quyền. Trên báo Izvestia, nhà phân tích chính trị Boris Mejouev cho rằng “cuộc bầu cử đã biến thành một cuộc trưng cầu chống lại UR”.
Lời cảnh tỉnh
Trang Gazeta.ru dẫn lời ông Gennady Zyuganov, lãnh đạo đảng Cộng sản Nga, cho rằng kết quả bầu cử là lời cảnh tỉnh đối với UR, đảng đã cầm quyền hơn 10 năm ở Nga. Theo ông Zyuganov, kể từ giờ UR sẽ không thể duy trì quyền lực tuyệt đối mà phải chia sẻ với các đảng đối lập. Đài truyền thanh Moscow Echo cho biết trước khi đi bỏ phiếu, nhiều cử tri ở Matxcơva đã quyết định bầu cho đảng nào cũng được, miễn là không phải UR.
Phân tích những “lá phiếu phản đối” này, giới quan sát trên tờ Kommersant nhận định người dân Nga đang không hài lòng với hiện trạng kinh tế. Lạm phát nhiều năm liền ở mức cao, khoảng 8,8% năm 2010 và 7,2% năm 2011, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Hậu quả là mức sống của người dân sụt giảm và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng lên. Tỉ lệ thất nghiệp dù đã giảm từ gần 8% năm 2010 nhưng vẫn ở ngưỡng cao (7%).
Tham nhũng và nạn con ông cháu cha cũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Nga hiện nay. Theo Interfax, năm ngoái Tổng thống Medvedev từng thừa nhận ít nhất 1.000 tỉ rúp (32 tỉ USD) tiền thuế của dân đã bị ăn trộm từ các cuộc đấu giá mua hàng hóa công. Số tiền này tương đương 10% ngân sách Nga năm 2010.
Tháng 6-2011, Bộ Kinh tế Nga ước tính người Nga đã phải chi ít nhất 164 tỉ rúp (5,35 tỉ USD) trong năm 2010 để hối lộ giới công chức nhà nước. Người dân Nga cũng bức xúc trước lối sống khoe của ở giới quan chức và gia đình của họ, như đeo những chiếc đồng hồ trị giá hàng chục ngàn USD, đi toàn xe xịn như BMW, Mercedes, Audi… Ví dụ, Thống đốc Matxcơva Boris Gromov nhận lương chỉ 125.000 USD/năm, nhưng lại có biệt thự ở khu ngoại ô thủ đô trị giá tới 20 triệu USD. Công ty địa ốc Penny Lane Realty ở Matxcơva ước tính 40-60% khách hàng mua những căn nhà sang trọng ở thủ đô là quan chức chính quyền.
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) mới công bố, Nga xếp thứ 143/182 quốc gia, với mức độ tham nhũng cao hơn các nước như Pakistan, Cameroon hay Niger.
Thử thách với Thủ tướng Putin
Một số chuyên gia chính trị trên Gazeta.ru nhận định bước lùi của UR trong cuộc bầu cử quốc hội cũng chính là bước lùi của Thủ tướng Vladimir Putin. Bởi nó cho thấy uy tín của ông đã sụt giảm, dù ông vẫn là chính khách được yêu mến nhất nước Nga. Nhiều chính trị gia đối lập cho rằng dù ông Putin không mất hết quyền lực, nhưng ông đã bắt đầu đánh mất sự tín nhiệm của người dân.
Tờ Vedomosti chỉ ra một tình huống cho thấy ông Putin đã không còn là “người hùng lý tưởng” trong mắt người dân Nga. Hai tuần trước cuộc bầu cử quốc hội hôm 4-12, ông Putin đến xem một cuộc đấu võ ở Matxcơva. Khi ông bước lên võ đài để chúc mừng chiến thắng của võ sĩ Nga Fyodor Yemelyanenko trước đối thủ Mỹ Jeff Monson, hàng trăm người đồng loạt huýt sáo la ó, phản đối dữ dội, nhiều người còn hô vang: “Xuống đi”.
Giới quan sát nhận định các đảng đối lập vẫn chưa đưa ra một nhân vật nào đủ tầm ảnh hưởng để đối chọi với ông Putin trong cuộc tranh ghế tổng thống Nga vào ngày 4-3-2012. Do đó, chắc chắn ông sẽ giành chiến thắng. Dù vậy, một số nhà quan sát trên tờ Kommersant nhận định nhiệm kỳ sáu năm tới của ông Putin sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra trong 12 năm qua.
Nhà bình luận chính trị Stanislav Kucher cho rằng ông Putin đang phải đối mặt với thử thách cực lớn. Để duy trì sự tin tưởng và yêu mến của người dân - yếu tố quan trọng nhất giúp ông giữ vững quyền lực, ông Putin cần thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế để mở cửa thị trường, hạn chế quyền lực của các nhóm lợi ích. “Nhưng ông ấy chỉ có thể cải tổ nếu loại bỏ hàng loạt lợi ích của giới cầm quyền. Mà họ chắc chắn sẽ phản đối dữ dội bất kỳ thay đổi nào” - chuyên gia Kucher khẳng định.
SƠN HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét