Đặt tên gì cho hầm Thủ Thiêm?

Cập nhật lúc : 5:46 PM, 07/12/2011
(VOV) - Nhiều ý kiến cho rằng việc đặt tên là hầm Thủ Thiêm là hợp lý vì nó gắn bó với người dân. Ý kiến ngược lại thì cho rằng, cần có một cái tên khác xứng tầm.
Trong hai ngày họp (6-7/12) của HĐND TP HCM khóa VIII, một vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc đặt lại tên cho đường hầm sông Sài Gòn để thay thế cho tên gọi hiện nay là hầm Thủ Thiêm.
Theo tờ trình của UBND TP HCM, sở dĩ đường hầm vượt sông Sài Gòn, đoạn từ nút giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Trạm thu phí quận 2 dài gần 1,5 km từ trước đến nay người dân vẫn thường gọi là hầm Thủ Thiêm mà chưa có một tên đường cụ thể. Vì thế, thành phố đã thống nhất đặt tên công trình này là đường hầm sông Sài Gòn.
Hầm Thủ Thiêm sẽ có tên mới? (Ảnh: KT)
Ý kiến đổi tên hầm Thủ Thiêm như tên gọi hiện nay được nhiều đại biểu đưa ra ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng việc đặt tên là hầm Thủ Thiêm là hợp lý vì nó gắn bó với người dân. Còn ý kiến ngược lại thì cho rằng, cần có một cái tên khác xứng tầm với một công trình hiện đại mang tầm vóc khu vực.
Còn Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định rằng, đặt tên hầm mang tên con sông Sài gòn sẽ có  tác động mạnh mẽ hơn. “Tên đường hầm sông Sài Gòn là hợp lý và cũng là phương án lựa chọn hợp lý nhất”, Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh.
Hầm Thủ Thiêm chính thức được khởi công từ tháng 2/2005, sau gần 7 năm thi công, công trình hầm và toàn bộ dự án Đại lộ Đông - Tây đã được thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến vào ngày 20/11/2011.
Đây là công trình được thi công bằng công nghệ hầm dìm đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và là công trình hầm dìm lớn nhất Đông Nam Á./.
A.K (Tổng hợp)


Thứ Năm, 08/12/2011 - 08:33
TPHCM:
(Dân trí) - Ngay khi hoàn thành sứ mệnh thông tuyến, nối liền đôi bờ quận 1 và quận 2 - TPHCM, hầm Thủ Thiêm, tên gọi quen thuộc và giản dị ngày nào, đã được khoác lên mình “chiếc áo mới” với tên gọi “Đường hầm sông Sài Gòn”.
 >>  Trăm năm bến cũ con đò Thủ Thiêm
 >>  Chính thức thông hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông lớn nhất ĐNÁ
Không còn bến phà Thủ Thiêm, và cái tên quen thuộc, xuất phát từ ý niệm, tiềm thức của người dân trong quá trình thi công: “hầm Thủ Thiêm” - được chấp nhận như một sự mặc định - nay cũng không còn. Nhiều người muốn níu giữ cái tên thân thương để con cháu đời sau còn biết về gốc tích của một bến phà, hầm vượt sông… nhưng không thể. Hầm Thủ Thiêm đã được nhất trí đổi sang tên mới “đường hầm vượt sông Sài Gòn” trong sự miễn cưỡng của không ít cử tri.
 
Hầm Thủ Thiêm, niềm tự hào nghiêng về quá khứ của nhiều người dân TPHCM
 
Theo tờ trình của UBND thành phố, đại lộ Đông Tây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó đoạn từ nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đến điểm giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) dài hơn 13 km đã được đặt tên là Võ Văn Kiệt. Đoạn từ bờ sông Sài Gòn đến nút giao Cát Lái (quận 2) dài 7,4 km, UBND thành phố sẽ đề xuất mang tên người lãnh đạo có nhiều đóng góp cho đất nước.
 
Riêng đường hầm vượt sông Sài Gòn, đoạn từ nút giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Trạm thu phí quận 2 dài gần 1.5 km từ trước đến nay người dân vẫn thường gọi là hầm Thủ Thiêm; thành phố đã có tờ trình đề nghị HĐND chấp thuận đặt tên công trình này là đường hầm sông Sài Gòn.
 
Cái tên quen thuộc "Hầm Thủ Thiêm" nay không còn nữa....
Giải thích về việc vì sao đặt tên mới này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng, khi triển khai dự án Đại lộ Đông Tây, hạng mục hầm tạm gọi là hầm Thủ Thiêm vì gắn với địa danh Thủ Thiêm để gọi tên cho dễ. Vì vậy, hầm Thủ Thiêm cần phải được đặt tên gọi một cách chính thức ngay khi hoàn thành.
Ông Phượng cho rằng: “Có một công trình gắn liền với sông Sài Gòn thì cũng phải có một cái tên như thế nào để người dân nhớ lại sự phát triển của thành phố. Cái tên Đường hầm sông Sài Gòn là phù hợp nhất. Nó thể hiện quá khứ và tương lai phát triển của thành phố". Ông Phượng nói thêm, TP đã có quy hoạch rõ ràng nên từ đây về sau sẽ không có thêm hầm nào khác trên sông Sài Gòn, vì vậy không sợ trùng lặp tên.
Hầm nối liền đôi bờ vui giữa quận 1, quận 2
Giải thích của người đứng đầu ngành giao thông vận tải của thành phố vấp phải sự “phản pháo” của nhiều đại biểu.
Đại biểu Ngô Minh Châu - Phó Giám đốc Công an thành phố - cho rằng, việc đặt tên đường Thủ Thiêm cần nghiên cứu kỹ. Cần có cái tên đúng, khoa học và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố. “Chúng ta cũng vừa khai tử bến phà Thủ Thiêm. Lấy tên hầm Thủ Thiêm thay cho bến phà tôi thấy rất phù hợp. Cũng không có gì trở ngại khi chúng ta vừa có hầm Thủ Thiêm, vừa có cầu Thủ Thiêm. Trước khi có đề xuất này, người dân vẫn gọi là hầm Thủ Thiêm, tên gọi này đã đi vào trong lòng người dân”, Đại tá Châu nói.
Cho rằng, công trình hầm Thủ Thiêm có công lao rất lớn từ đối tác Nhật Bản, đại biểu Nguyễn Đình Hưng đề xuất: “Theo tôi, nên chọn một cái tên khác vừa xứng tầm là một công trình hiện đại mang tầm vóc khu vực, vừa thể hiện được tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Việc này còn có ý nghĩa mở rộng quan hệ quốc tế”.
Không đồng tình trước quan điểm của Giám đốc Sở giao thông Vận tải, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú “vặn”: “Giám đốc Sở giao thông nói từ nay về sau sẽ không có đường hầm bộ nào xuyên sông Sài Gòn nữa, tức là công nhận đến thời điểm này trình độ khoa học đã đến đỉnh điểm, không thể phát triển nữa sao? Bản thân tôi mong muốn giữ tên hầm Thủ Thiêm vì về mặt địa danh tên này rất có ý nghĩa với người dân TP. Mặt khác với sự  tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sau này TP rất có khả năng làm thêm công trình đường hầm khác thì lúc đó sẽ khó chọn đặt tên một đường hầm mới”.
Đại biểu Trần Minh Thiện chất vấn: “Xin hỏi, cơ sở nào để giám đốc Phượng nói chỉ có một đường hầm duy nhất vượt sông Sài Gòn? Bây giờ thì không sao nhưng 50 năm, 70 sẽ có thêm một đường hầm vượt sông Sài Gòn nữa thì sao? Chả lẽ lúc đó lại đặt là đường hầm sông Sài Gòn A, B, C...”.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đại diện bà con cử tri quận 2 (nơi đường hầm đi qua) bày tỏ tiếc nuối nếu bỏ tên hầm Thủ Thiêm. Đại biểu Sơn nhấn mạnh: “Hầm Thủ Thiêm là một trong những công trình quan trọng nhất kết nối nội thành hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Để có được mặt bằng cho một khu đô thị mới trong tương lai, khoảng 15.000 hộ dân thuộc phường Thủ Thiêm, quận 2 đã phải di dời. Nếu bỏ tên hầm Thủ Thiêm thì “có tội” với bà con Thủ Thiêm quá”.
 
Công trình hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á này có đóng góp to lớn của những người bạn đến từ xứ sở mặt trời mọc
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ tọa kỳ họp cho rằng, dù là tên gì đi nữa thì các cấp chính quyền và nhân dân thành phố cũng trân trọng những đóng góp của tất cả các bên liên quan, từ người dân đến những người trực tiếp xây dựng công trình này. “Mỗi người có một quan điểm đặt tên công trình khác nhau nhưng theo tôi đặt tên hầm mang tên con sông Sài gòn sẽ có tác động mạnh mẽ hơn. Tên đường hầm sông Sài Gòn là hợp lý vì vậy chúng ta cần chọn phương án hợp lý nhất, tối ưu nhất để tạo sự đồng thuận cao”.
Sau các phiên thảo luận căng thẳng, cả thảo luận tại tổ và thảo luận trực tiếp tại hội trường, với nhiều ý kiến ủng hộ và cũng không kém ý kiến bác bỏ, chiều 7/12, Nghị quyết đổi tên hầm Thủ Thiêm thành Đường hầm sông Sài Gòn đã chính thức được HĐND TPHCM thông qua. 
Như vậy, tiếp nối bến phà Thủ Thiêm, nay cái tên hầm Thủ Thiêm cũng trôi vào tiềm thức.
 
 Thông qua 9 tờ trình của UBND TPHCM
Chiều 7/12, các đại biểu HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua 13 nghị quyết, trong đó có 9 tờ trình của UBND TP gồm: tờ trình về việc đặt tên hầm Thủ Thiêm mang tên đường hầm sông Sài Gòn, tờ trình về thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất trên địa bàn TP; ban hành chính sách và kế hoạch hóa gia đình (giai đoạn 2011-2015); kế hoạch biên chế, hành chính sự nghiệp năm 2012; chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định; kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2012 bằng nguồn vốn ngân sách TP; thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe); nâng mức phụ cấp hằng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố và công an viên; điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn TP.
 
Đại biểu Võ Văn Sen không đồng tình với tên mới của cầu vượt sông lớn nhất Đông Nam Á
Đối với tờ trình về việc đặt tên hầm Thủ Thiêm mang tên đường hầm sông Sài Gòn, nhiều đại biểu chấp nhận giơ tay biểu quyết trong tình trạng miễn cưỡng, bởi có nhiều ý kiến không hài lòng với cách đặt tên mới này.
Tờ trình về điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn thành phố cũng đã được thông qua. Theo đó, từ ngày 1/1/2012, bảng giá đất về cơ bản vẫn giữ nguyên như bảng giá các loại đất năm nay, chỉ bổ sung hoặc điều chỉnh cục bộ một số tuyến đường, đoạn đường được nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và các tuyến đường mới hoàn thành hoặc mới được đặt tên trong năm nay.
Để vừa hạn chế xe cá nhân, giảm tình trạng kẹt xe lại vừa tăng nguồn thu cho ngân sách, UBND đã có tờ trình đề nghị tăng thuế trước bạ của ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi trên địa bàn lên 15%. Tờ trình này cũng được HĐND thành phố chấp nhận. Cụ thể, từ ngày 1/1/2012, những ôtô đăng ký biển số lần đầu ở thành phố (gồm cả xe mua mới và xe từ địa phương khác chuyển về) đều phải chịu thuế trước bạ 15%. Còn những xe đăng ký lần 2 sẽ phải chịu mức 10%.
 
Các đại biểu biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TP
 
Ngày 8/12, kỳ họp HĐND thành phố sẽ tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Mọi năm phiên chất vấn sẽ chọn các sở ngành đăng đàn nhưng năm nay HĐND sẽ chọn vấn đề để chất vấn. Trong một vấn đề, nhiều đơn vị cùng UBND các quận, huyện liên quan sẽ bị "truy" trên nghị trường.
Có 4 nhóm vấn đề cử tri quan tâm sẽ được 3 sở, ngành trả lời chất vấn là Sở Tài nguyên - Môi trường (vấn đề ô nhiễm xung quanh các KCX-KCN và các cơ sở xen cài trong khu dân cư), Sở Kế hoạch - Đầu tư (tình hình thực hiện các dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực y tế và giáo dục bằng nguồn vốn ngân sách) và Công an TP (trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông, đua xe trái phép, xử lý đinh tặc, giải pháp kéo giảm ùn tắc, giải pháp kéo giảm 10% tai nạn giao thông so với năm 2011).
Công Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét