9.12.2011, 14:11 |
Photo: RIA Novosti | |
Đạo diễn và diễn viên nổi tiếng Stanislav Govorukhin sẽ đứng đầu ban tham mưu tranh cử của ông Vladimir Putin, ứng viên vào chức vụ cao nhất trong nước. Ban tham mưu tranh cử sẽ được thành lập không phải trên cơ sở đảng Nước Nga thống nhất, tổ chức đề cử ông Putin vào chức vụ này, mà trên cơ sở “Mặt trận dân tộc toàn Nga”. Thông tin này đã được giới thiệu tại phiên họp Hội đồng điều phối của Mặt trận Dân tộc vừa tiến hành ở Matxcơva.
Bất chấp quyết định này, ông Vladimir Putin vẫn là ứng viên chính thức của đảng Nước Nga thống nhất. Tên họ ông Putin sẽ được ghi trong phiếu bầu. Tức là các trợ lý của ông không nên thu thập hai triệu chữ ký để tham gia vận động tranh cử. Ông Putin giải thích thêm vì sao đã lựa chọn Mặt trận dân tộc toàn Nga để tổ chức ban tham mưu tranh cử. Ông nói, Mặt trận không phải là đảng chính trị, tham gia tổ chức này có những người khác nhau nhất.
Tại phiên họp Hội đồng điều phối Mặt trận thảo luận không chỉ vấn đề tổ chức cuộc vận động tranh cử Tổng thống. Các đại biểu đã trao đổi ý kiến về tình trạng công việc sau cuộc bầu cử Quốc hội, cụ thể về các cuộc biểu tình của phe đối lập ở Matxcơva và Saint-Peterburg. Ông Putin nhấn mạnh, tổ chức míttinh là quyền hợp pháp, đồng thời những người biểu tình không được vi phạm trật tự pháp lý: “Về các hoạt động biểu hiện của nền dân chủ trên đường phố thì tôi có ý kiến như sau: nếu những người biểu tình hành động trong khuôn khổ pháp luật thì họ có quyền bày tỏ ý kiến của mình, và chúng tôi không được hạn chế quyền công dân. Nếu có ai đó vi phạm pháp luật thì các cơ quan chính quyền và cơ quan bảo vệ trật tự pháp lý cần phải dùng mọi phương tiện hợp pháp để bảo đảm thực hiện pháp luật. Chúng ta là những người trưởng thành và hiểu rằng, trong số những người tổ chức các hành động phản đối có các nhân vật hoạt động theo kịch bản quen thuộc, chạy theo mục đích chính trị ích kỷ. Chúng ta nên dựa vào đại đa số công dân Nga, nên tiến hành cuộc đối thoại với những người có tâm trạng đối lập để họ có khả năng nói lên ý kiến của mình. Còn các cơ quan bảo vệ trật tự pháp lý thì nên tổ chức các hoạt động đó trong khuôn khổ pháp luật theo Hiến pháp Nga”.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng tuyên bố rằng, các cuộc míttinh là biểu hiện của nền dân chủ. Nhưng, các hoạt động đó phải tiến hành đúng theo pháp luật. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Praha trong thời gian ở thăm chính thức nước Czeck, ông Medvedev tuyên bố, mỗi người phải có khả năng nói lên ý kiến của mình, đó là chuyện bình thường. Ông nói thêm rằng, nhưng tất cả phải “có hình thức thích hợp”.
Tuy nhiên, đôi khi lối văn của những người biểu tình trên đường phố không chỉ do chính khách đối lập Nga độc đoán mà cả do các nhân vật chính trị cao cấp ở phương Tây. Đề tài này đã được đề cập tới tại cuộc gặp gần đây của Tổng thống Dmitry Medvedev với Chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương Vladimir Churov. Ông Putin cũng nói về điều đó tại phiên họp Hội đồng điều phối Mặt trận Dân tộc toàn Nga: “Tôi đã theo dõi phản ứng đầu tiên của các đối tác Hoa Kỳ. Trước hết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đánh giá kết quả bầu cử. Bà Clinton nhận xét rằng, cuộc bầu cư ở Nga thiếu tính trung thực và không công bằng. Dù bà chưa nhận được tài liệu của các quan sát viên Ban OSCE về cơ chế dân chủ và nhân quyền. Bà Clinton phát tín hiệu cho một số nhà hoạt động nội bộ nước Nga. Họ đã nghe thấy tín hiệu này và bắt đầu hành động tích cực với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ”.
Ông Putin nhấn mạnh rằng, “khi tiền bạc nước ngoài đổ vào hoạt động chính trị nội bộ của đất nước Nga thì chúng ta cần phải suy tính. Đặc biệt không được đổ tiền nước ngoài vào qúa trình bầu cử”.
Thứ Sáu, 09/12/2011, 10:39 (GMT+7)
* 300 người bị bắt giữ vì gây rối
TTO - Thủ tướng Nga Vladimir Putin ngày 8-12 đã cáo buộc Mỹ kích động các cuộc biểu tình sau bầu cử ở nước này.
Ông nói nước ngoài đã chi ra hàng trăm triệu USD để gây ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử cũng như can thiệp vào tình hình Nga sau bầu cử.
Những người biểu tình ở Matxcơva - Ảnh: RIA Novosti |
Ông Putin chỉ đích danh Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tìm cách khích lệ cho những địch thủ của ông bằng cách chỉ trích cuộc bầu cử.
“Bà ấy là người nói thay cho những nhà hoạt động đối lập, ra dấu hiệu cho họ, họ lắng nghe dấu hiệu đó và bắt đầu hành động một cách tích cực”, Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời ông Putin nói với những người ủng hộ không lâu sau khi ông chính thức đăng ký tranh cử tổng thống.
Ông dẫn chứng là trước đó các nước phương Tây đã kích động cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004 cũng như các sự kiện bạo lực dẫn đến lật đổ chính quyền ở Kyrgyzstan.
“Đổ tiền từ nước ngoài vào các tiến trình bầu cử là đặc biệt không thể chấp nhận” - ông Putin nói - “Hàng trăm triệu đã được đầu tư vào việc này. Chúng ta cần phải có những hình thức để bảo vệ chủ quyền, tự phòng vệ trước sự can thiệp bên ngoài”.
Sau cuộc bầu cử, bà Clinton đã công khai nói việc bỏ phiếu diễn ra không tự do và không công bằng. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại về cuộc bầu cử và “sự đối xử của chính quyền với những người biểu tình hòa bình”.
Khoảng 5.000 người đã xuống đường phản đối kết quả bầu cử vào tối 5-12 ở Matxcơva và St Petersburg, hai thành phố lớn nhất nước. Các hãng tin phương Tây dẫn những nguồn không chính thức nói 1.000 người bị bắt giữ, nhưng RIA Novosti cho biết cảnh sát đã thông báo bắt giữ 300 người, chủ yếu vì gây rối và cản trở giao thông công cộng.
HẢI MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét