Logic cho sự trở lại của Putin

vietnamnet.vn
Cập nhật 06/12/2011 09:00:00 AM (GMT+7)
Nhà tiên tri phán rằng Thủ tướng Vladimir Putin sẽ trở lại làm Tổng thống Nga từ năm 2012 đến 2024. Năm 2024, ông sẽ tròn 72 tuổi và có thể sẽ không đóng vai phụ cho tới khi nào ông 78 tuổi và lại có thể trở thành Tổng thống lần nữa.
BÀI LIÊN QUAN:




Sự trở lại của vị lãnh đạo chưa từng ra đi
Trong suốt nhiệm kỳ 6 năm đầu tiên, từ 2012-2018, lúc đó ông Putin trong khoảng từ 60-66 tuổi. Vào thời kỳ đỉnh cao của mình, sung sức và từng trải, ông sẽ hiểu rằng đây là lúc để ông ghi lại dấu ấn.
Tất nhiên, điều này hoàn toàn có thật. Một số lãnh đạo đã để lại những dấu ấn xuất chúng thậm chí ở độ tuổi lớn hơn thế. Khi Chiến tranh Thế giới II bắt đầu,  cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã ngoài 60 tuổi, nhưng thách thức đó lại càng tiếp thêm sinh lực cho ông theo cách mà không bao giờ ông có được trong thời bình.
Năm 1980, khi đắc cử Tổng thống Mỹ, Ronald Reagan đã 70 tuổi, nhưng đó là lần đầu tiên ông làm Tổng thống. Còn khi 70 tuổi, Putin đã có thể làm tổng thống tới 4 lần.
Điều đó không có nghĩa là ông sẽ chùn bước, nhưng các cơ may để Putin có thể đề ra bất kỳ hướng đi mới, táo bạo trong nhiệm kỳ thứ tư (và cũng có thể là cuối cùng) lại không mấy rõ ràng. Nhiệm kỳ 2012-2018 sẽ là nhiệm kỳ quan trọng nhất đối với ông. 
Khi Putin lần đầu làm Tổng thống, ông đã kế thừa một di sản đặc biệt: đó là một đất nước bị suy yếu sau 10 năm hỗn loạn và khủng hoảng không phải do ông tạo ra. Về khía cạnh này, Putin cũng có phần tương tự như Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm 2009.
Nhưng nước Nga mà Putin thừa kế từ Boris Yeltsin vào năm 2000 và nước Nga mà ông để lại cho Dmitry Medvedev vào năm 2008 lại không giống nhau. Đó là sự khác biệt giữa nghèo đói và sung túc, bất ổn và ổn định.
Tầm quan trọng của vai trò của Putin trong quá trình chuyển giao này cũng gây nên nhiều bất đồng. Nhưng điều đáng nói lúc này là sự khác biệt giữa một nước Nga mà Putin kế thừa từ Yeltsin và nước Nga mà ông nhận lại từ Medvedev.
Putin sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình trong một vị thế mạnh mẽ, ổn định và thịnh vượng. Nga không có các xung đột lớn nào. Thậm chí cuộc chiến Nga - Grudia vào năm 2008 không cản trở bước chân của Nga tiến vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Nga lại thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn như ExxonMobil, Coca-Cola và Disney. Trong khi đó, giá dầu vẫn ở mức cao.
Với tất cả các điều kiện đó lại rất thuận lợi cho ông Putin làm điều gì đó thật sự đáng kể trong nhiệm kỳ thứ ba của mình. Ông phải lựa chọn giữa việc trở thành một lãnh đạo nắm quyền rất lâu nhưng mờ nhạt, hoặc trở thành một lãnh đạo nhìn thẳng vào tương lai, thấy được các mối nguy hiểm mà đất nước đang phải đối mặt và hướng theo sự thật và lợi ích.
Nước Nga cần có các cải cách lớn trong chính trị, luật pháp và truyền thông, và nền kinh tế phải được đa dạng hóa. Putin có quyền lực, có quyền hành và cơ hội để tiến hành các cải cách đó, nhưng liệu ông có làm vậy? Hãy hỏi các nhà thông thái để có câu trả lời!
  • Lê Thu (theo The Moscow Times)

vietnamnet.vn
Cập nhật 05/12/2011 03:26:13 PM (GMT+7)

Vì sao đảng của Putin thất thế?

Đảng Nước Nga Thống nhất – đảng cầm quyền của Thủ tướng Vladimir V. Putin đã thắng cử với 50% phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày hôm qua. Riêng với Thủ tướng Vladimir Putin, kết quả này cũng giúp ông “tiên liệu” phần nào mức độ hưởng ứng của công chúng với sự trở lại của ông trong vai trò Tổng thống vào tháng Ba tới. 




Thủ tướng Nga Vladimir Putin
Thắng về chiến lược, thua về chiến thuật 
Ông Medvedve nói rằng kết quả này thật sự dân chủ. “Nó phản ảnh đúng tâm trạng của đất nước ta”. Tuy nhiên, kể cả khi lãnh đạo của đảng cầm quyền tuyên bố thắng lợi, họ đã bị thất thế hơn rất nhiều so với cuộc bầu cử cách đây 4 năm, với kết quả thắng cử là 64%.
Ba đảng thiểu số khác giờ cũng giữ ghế trong Quốc hội – Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ Tự do dân tộc chủ nghĩa và Đảng Nga – một đảng dân chủ xã hội. Tất cả đều có giành được thắng lợi đáng kể, điều này cũng đồng nghĩa với việc Đảng Nước Nga Thống nhất sẽ có rất ít lựa chọn, ngoại trừ việc phải thiết lập quan hệ với ít nhất một trong các đảng đối lập mới nổi.
Tổng thống Dmitri A. Medvedev hiểu rằng, kết quả của cuộc bầu cử sẽ cần tới một “cấu trúc phức hợp hơn” trong Quốc hội và việc thành lập nên “các thỏa thuận khối liên minh” – một sự thay đổi chính yếu từ 2/3 đa số hiện giờ đang giúp cho Đảng Nước Nga Thống nhất khả năng thay đổi Hiến pháp mà không gặp bất kỳ khó khăn gì. Còn nếu không thể duy trì được 2/3 đa số trong quốc hội, đảng này không thể thay đổi hiến pháp một cách suôn sẻ.
Kết quả bầu cử không chỉ định hình cho Đảng Nước Nga Thống nhất, mà còn với riêng ông Putin, và cả kế hoạch trở lại vị trí quyền lực tối cao của Nga. Trong khi con số cuối cùng vẫn chưa thống kê hết thì kết quả hiện nay là một biểu thị của cử tri đối với sự cầm quyền của vị lãnh đạo đã nắm quyền hơn thập kỷ nay tại đất nước này.
Hay nói cách khác, kỳ bầu cử này chính là “phép thử” cho sự mến mộ có tính chất “cốt tử” dành cho ông Putin, đặc biệt là trước khi ông bước trở lại chiếc ghế Tổng thống trong kỳ bầu cử tháng 3 tới đây.

Bộ đôi quyền lực Vladimir Putin và Dmitri Medvedev
Thất thế vì quá nổi tiếng
Giải thích cho việc thất thế của Đảng Nước Nga Thống nhất trong cuộc bầu cử vừa qua, nhà báo Ivan Zasursky giải thích rằng do đảng này có quá nhiều quyền lực và xuất hiện ‘dày đặc’ trên các phương tiện truyền thông, trở thành đảng của Tổng thống và Thủ tướng. Chính vì vậy, họ đã tạo nên một động cơ lớn cho các phe đối lập tập hợp lại với nhau với mục đích “đối trọng” lại đảng cầm quyền.
Có một số giả thiết đặt ra quanh việc đảng cầm quyền không thu hút được sự chú ý của cử tri hơn so với hồi năm 2007. Nhà báo Ivan Zasursky nhận định: “Có vẻ như họ tin rằng chiến thắng hoàn toàn trong tầm tay nên họ không vận động đủ sự ủng hộ. Họ hành động như thể họ đã chắc thắng từ trước rồi”.
“Đó là lý do vì sao rất nhiều người quyết định bầu cho đảng Nga Công bằng, hoặc thậm chí cho Đảng Dân chủ Tự do. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người muốn ‘trừng phạt’ Nước Nga Thống nhất vì đã cầm quyền quá nhiều và quá lâu và, có thể, vì không làm hết những gì mà họ có thể làm”.
Zasursky nói thêm về việc có một “kiểu như điệu nhảy flashmob trên Facebook và các mạng xã hội khác với người dân ủng hộ và đảng đối lập mà bạn có thể tới đó, bỏ phiếu cho bất kỳ ai – trừ Nước Nga Thống nhất”.
Còn với những nguyên nhân mang tính “toàn cầu” hơn, Tiến sĩ Patrick Fullick – người sáng lập lên Capital Science Connections (London) giải thích: không loại trừ cuộc khủng hoảng kinh tế là một trong những nhân tố cho thất bại này.
“Tôi nghĩ là như ông Medvedev đã nói, cuộc khủng hoảng quốc tế cũng có phần trong cuộc bầu cử này, và trong một chừng mực nào đó, người dân Nga đã nhìn thấy sự đi xuống trong các tiêu chuẩn sống, và các vấn đề với chi tiêu trong cuộc sống…”
Patrick Fullick cũng nói về khả năng người dân Nga có thể “cảm nhận thấy sự đình trệ trong nền chính trị Nga và cảm thấy việc thay đổi là một điều cần thiết”.
Konstantin Kosachev – chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Duma Quốc gia và là một thành viên của Đảng Nước Nga Thống nhất cũng nói rằng với một số người, việc đảng nảy cầm quyền trong suốt 10 năm vừa qua dường như là “quá nhiều”, và điều đó khiến cho đảng này giảm dần sức hút.
“Người dân đang cảm thấy chán cảnh một đảng duy nhất ở mãi vị trí cầm quyền” – Kosachev. Ông nói thêm rằng công chúng đã bắt đầu chỉ trích đảng này vì những việc “không liên quan” gì tới chính trị, chẳng hạn như những vấn đề trong cuộc sống của họ. Kosachev  tin rằng: “Các nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm về mọi thứ, và mọi người đang bầu cho các đảng khác bởi vì họ thất vọng với những gì đang xảy ra với họ”.
Ở một góc độ khác, đây là lần đầu tiên trong “kỷ nguyên Putin”, Kremlin không thể kiểm soát được kết quả bầu cử như trước đây. Mặc dù chiến thắng này không rầm rộ, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng với Kremlin để duy trì toàn bộ tính hợp pháp trong cấu trúc quyền lực mà họ đã tạo dựng nên suốt 12 năm qua. Họ cũng cần giữ quyền kiểm soát đối với Duma để thông qua các biện pháp quan trọng trong những tháng tới. Dù con số thắng cử là bao nhiêu chăng nữa, Putin cũng như các thành viên trong đảng của ông không hề nghi ngờ gì về chiến thắng trên hành trình trở lại.
  • Lê Thu (Theo RT/Aljazeera)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét