Cập nhật lúc : 5:34 PM, 06/12/2011
(VOV) - Việc cư dân ở chung cư Keangnam bị hành vừa qua nguyên nhân bắt nguồn từ sự không phù hợp thực tế của chính sách.
Phải là người có nhiều tỉ đồng mới được sở hữu một căn hộ ở Keangnam, vậy mà, mức thu phí của Ban quản lý tòa nhà khiến những người được coi là giàu ở đây không chịu nổi.
Giằng co nhau, bên nào cũng đưa ra lý lẽ của mình. Thế là sinh chuyện! Bên chủ đầu tư cắt dịch vụ gây xáo trộn cuộc sống, bên cư dân tụ tập phản đối, gây áp lực. Một cảnh tượng không đáng có đã xảy ra đúng ở nơi được coi là có cuộc sống văn minh nhất thủ đô.
Năm 2008, khi giải quyết sự việc tương tự ở khu chung cư The Manor, một cán bộ UBND huyện Từ Liêm, Hà Nội đã trả lời phóng viên Đài TNVN rằng: “Các văn bản hiện hành của thành phố không theo kịp sự phát triển về nhà ở. Quy định về thu phí dịch vụ chung cư chưa rõ ràng, chưa phù hợp với từng loại nhà, dẫn đến tranh chấp giữa các bên”.
Rồi đến cuối 9 vừa qua, UBND thành phố có thêm Quyết định số 4520 ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn.
Nhiều người phải mua ngô về ăn để cầm hơi (Ảnh Thanh niên) |
Theo đó, có ba loại nhà chung cư, tương đương ba mức giá dịch vụ tối đa: 2.400 đồng/m2/tháng; 3100 đồng/m2/tháng và 4000 đồng/m2/tháng.
Nếu người mua và chủ đầu tư có hợp đồng thỏa thuận riêng về phí dịch vụ thì không áp dụng các quy định vừa nêu của thành phố.
Những người sống ở chung cư thì cho rằng, mức phí như trên là chấp nhận được. Nhưng nhiều chủ đầu tư lại ngần ngại: “Chung cư cao cấp với nhiều dịch vụ tiện ích, đòi hỏi mức độ quản lý và vận hành tốn kém, nếu thu đúng mức phí của thành phố sẽ không đủ chi”.
Song ngặt một nỗi, thế nào là chung cư cao cấp, trung cấp hay thấp cấp … thì đến nay chưa có tiêu chí rõ ràng, mà do doanh nghiệp tự gán mác!
Đại diện cư dân ở Keang Nam cho rằng: “Do không có cơ sở pháp lý về việc tính toán và quy định mức phí quản lý đối với nhà chung cư nên chủ đầu tư tự cho mình quyền quy định các loại phí, buộc các hộ dân sống trong nhà chung cư phải đóng góp”.
Nói như vậy chưa hẳn đúng, bởi ban quản lý tòa nhà biết rất rõ quy định của thành phố, nhưng thấy không phù hợp nên họ tự ý tăng giá mà không thỏa thuận với người dân.
Cũng theo quy định hiện hành, các khu chung cư phải có “Ban Đại diện” hoặc “Ban quản trị” do dân bầu để làm cầu nối với chủ đầu tư. Nhưng đến nay không phải khu chung cư nào ở Hà Nội cũng có đại diện cư dân.
Nguyên nhân là do, các cấp chính quyền (nhất là ở cơ sở xã, phường, thị trấn) không đứng ra tổ chức hội nghị thành lập, không đôn đốc kiểm tra mà phó mặc cho lực lượng công an với lý do, mọi nhà phải tự đăng ký hộ khẩu với cơ quan này.
Như vậy, các quy định hiện hành đã lạc hậu so với thực tế cuộc sống, thiếu khả thi và chưa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân - doanh nghiệp. Những tranh chấp về phí dịch vụ ở các chung cư 93 Lò Đúc, Keangnam, The Manor, Golden Westlake, Sky City… và nhiều nơi khác nữa, đều xuất phát từ những bất cập về chính sách.
Đành rằng, các quy định bao giờ cũng đi sau sự phát triển chung của xã hội. Nhưng chẳng lẽ, chỉ vì quy định thiếu cụ thể; quy định không phù hợp; hoặc có quy định mà không triển khai, lại phải bắt người dân nươm nớp lo tăng giá dịch vụ; bắt chủ đầu tư phải tự tính toán chi phí một cách tùy tiện… dẫn đến tranh chấp không đáng có?
“Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: “Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và TP HCM đạt trên 80%”.
Theo chiến lược này, tỉ lệ dân số sống ở chung cư của hai thành phố sẽ chiếm khá đông. Nhưng thời gian qua, chung cư đã xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đó là việc thi công chậm tiến độ; thiếu cơ sở hạ tầng; chất lượng xây dựng kém vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp; là tình trạng tự ý tăng phí dịch vụ; là cháy, nổ mất an toàn….
Từ thực tiễn sinh động như vậy, mỗi thành phố cần có một tập hợp các quy định thống nhất về chung cư (từ lúc chuẩn bị thi công đến khi vận hành).
Nếu người dân sống ở chung cư tiếp tục bị “hành” do thiếu quy định “sát sườn” với họ, thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét