Tìm hiểu thực lực Hải quân Trung Quốc

Thứ Tư, 07/12/2011 - 13:00

(Dân trí) - “Trung Quốc chỉ có một hàng không mẫu hạm, nhưng có lực lượng tàu chiến nổi quy mô lớn nhất châu Á, bao gồm 75 chiến hạm chủ lực, 55 tàu lưỡng cư loại lớn và vừa, khoảng 85 tàu tuần tra trang bị tên lửa…”.
 >>  Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu hải quân sẵn sàng cho xung đột vũ trang
 

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
 
Đó là những con số được báo chí Hồng Kông đưa ra hồi tháng 8.
Còn sau khi Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hối thúc hải quân nước này “sẵn sàng cho xung đột vũ trang và đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân như một phần trong nỗ lực bảo về nền hòa bình thế giới”, ngày 6/12, hãng tin AFP đã cho đăng những con số “chính” để minh họa thực lực của Hải quân Trung Quốc.
Theo AFP, khi 2/3 thế giới là đại dương, hải quân trở thành sức mạnh thực sự của một nước. Lực lượng Hải quân - đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu của Trung Quốc trở thành một cường quốc quân sự trên thế giới, gồm có:
- 300.000 lính trong tổng số 2,3 triệu binh sĩ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), trong đó bộ binh là 1,7 triệu.
- Ba hạm đội: Bắc Hải (đóng ở Thanh Đảo), Đông Hải (ở Ninh Ba) và Nam Hải (ở Trạm Giang).
- Tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc, được đặt tên là Shi Lang, mới được thử chạy thử trên biển lần đầu tiên vào ngày 10/8.
- Khoảng 30 tàu nổi cỡ lớn (gồm cả các tàu khu trục trang bị tên lửa).
- Khoảng 50 tàu chiến hiện đại.
- Khoảng 60 tàu ngầm thông thường và 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.
- Một số ít tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo.
“Điểm nhấn” của Hải quân Trung Quốc…

Do ảnh hưởng của nhiều nhân tố như chiến lược hải quân, thực lực kinh tế và trình độ kỹ thuật, binh chủng Hải quân Trung Quốc thời kỳ đầu lấy việc phát triển tàu ngầm, không quân-hải quân và tàu cao tốc làm chủ đạo.
Nhưng sau đó, việc Trung Quốc - trước là úp mở, sau đó công khai tàu sân bay đầu tiên - cho thấy những thay đổi trong chiến lược hải dương của nước này.
Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc (mua lại của Ukraine và được nâng cấp lại) là một trong ba hệ thống vũ trang có thể xem như tiêu biểu cho việc mở rộng tầm chiến lược của Trung Quốc, ngoài loại máy bay tàng hình đầu tiên mà Trung Quốc đang chế tạo và một loại tên lửa tầm xa có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động trên biển mà Trung Quốc mà giới phân tích gần đây nhiều lần nhắc đến.
Tàu sân bay có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Hải quân Trung Quốc: có thể tổng hợp lực lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc và có thể cung cấp năng lực phòng không tầm xa cho Hải quân.
 
Tàu sân bay cũng có thể giúp hải quân nước này nâng cao trình độ thông tin hóa cũng như có thể nâng cao năng lực tấn công tầm xa trên biển.
… những điểm “bổ sung”
Chỉ trong vòng 2 thập niên trở lại đây, Trung Quốc đã kiến tạo được một lực lượng tàu ngầm và tàu đổ bộ lớn nhất châu Á.
Theo một bản báo cáo mới ra tháng này của ông Dean Cheng, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại tổ chức có tên Heritage Foundation, trong vòng mấy mươi năm trở lại đây, Trung Quốc tập trung phát triển không quân và hải quân thay vì chỉ tập trung vào bộ binh như trước đó.
Năm 2010, Trong Quốc trở thành nước đóng tàu lớn nhất thế giới với hai công ty đóng tàu nhà nước CSSC và CSIC với tổng số hơn 200.000 công nhân sản xuất ra các tàu dân dụng và quân đội.
Theo website của CSSC, về mặt cấu trúc, đây là xương sườn hỗ trợ cho hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc cũng không ngừng tăng cường các lực lượng quân sự nhằm đảo bảo lợi ích trên biển của nước này và mỗi lực lượng được trang bị hàng chục tàu nặng từ 1-5.000 tấn, thậm chí có tàu nặng từ 130-1.500 tấn, với nhiều chiếc có trang bị vũ khí.
Đứng thứ nhất trên thế giới về số quân thường trực, đứng thứ 2 về kinh tế, thứ 3 về sức mạnh quân sự và đang không ngừng gia tăng sức mạnh này trong 2 thập niên trở lại đây.
Theo giáo sư tiến sĩ Marvin C. Ott, thuộc đại học John Hopkins, bắt đầu từ 20 năm trở lại đây, Trung Quốc đã gia tăng quân sự từ 13-15% mỗi năm.
“Trung Quốc từ lâu đã đầu tư, phát triển khả năng quân sự cũng như tăng cường chi tiêu quốc phòng 30 năm nay, đặc biệt là 20 năm trở lại đây. Cách mà Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự cũng rất cao và đáng chú ý”, tiến sĩ Marvin C. Ott nói với hãng tin AP hồi tháng 8.
Còn theo báo cáo hàng năm vào năm 2010 của Bộ Quốc phòng Mỹ, từ năm 1989, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng gần 13%/năm.
Tháng 3 năm nay, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh cho biết, ngân sách quốc phòng năm nay của nước này là 91,5 tỷ đôla. Tuy nhiên, tờ USA Today số ra ngày 28/7 trích nguồn viện nghiên cứu American Enterprise cho biết con số thực sự có thể là 300 tỷ USD.
“Với số tiền ấy và với lượng nhân công rẻ trong nước, Trung Quốc có thể làm được một khối lượng vũ khí khổng lồ”, USA Today bình luận.
Với việc du nhập, nâng cấp và sản xuất nhiều vũ khí, những năm gần đây, sức mạnh quân sự Bắc Kinh đã vươn lên những vị trí cao trên thế giới. Theo Global Fire Power, Trung Quốc đang đứng thứ 3 sau Mỹ và Nga so về sức mạnh quân sự. Năm 2010, vị trí này của Trung Quốc là thứ nhì.
… và thực hư
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng song song với những điểm mạnh, quân sự Trung Quốc cũng có những giới hạn.
Mặt khác, theo ông Nathan Hughes, Giám đốc phân tích quân sự tổ chức STRATFOR, mặc dù có số quân chính thức đông đảo, nhưng quân đội Trung Quốc hiện nay có trình độ kỹ thuật khá thấp, đặt ra dấu hỏi về khả năng ứng dụng thiết bị.
Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng rất nhiều vũ khí chế tạo tại Trung Quốc lấy từ phiên bản của Nga mà Trung Quốc mua từ những năm 1980 nên mắc những lỗi lạc hậu hoặc dễ dàng bị vũ khí “đàn anh” khống chế.
Giới phân tích nhận định tổng số tàu chiến trên thế giới sẽ giảm trong những năm tới vì kỹ thuật phức tạp và liên tục thay đổi khiến giá thành tàu chiến trở nên đắt đỏ hơn, buộc các nước phải sử dụng ít tàu chiến nhưng có tính năng đa dụng hơn.
Ví như về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, hãng tin Reuters ngày 14/7 từng dẫn lời các nhà phân tích khẳng định hải quân Trung Quốc còn phải mất nhiều năm mới có thể có sự hiện diện đáng kể về hàng không mẫu hạm tại các vùng biển ở châu Á, vốn là vùng hoạt động của hải quân Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Sang thế kỷ mới, tấn công trên biển trở thành một trong những mô hình quan trọng của tác chiến hải quân hiện đại. Tàu sân bay có khả năng khống chế trên biển cực lớn, hỏa lực mạnh, là vũ khí lý tưởng để đối phó với hải tặc và thế lực khủng bố trên biển.
Thế nhưng, giới chuyên gia nói rằng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc chủ yếu được sử dụng trong huấn luyện mà thôi vì việc điều hành hàng không mẫu hạm đòi hỏi kinh nghiệm mà phải cần thời gian mới có thể tích lũy được.
Hải quân Mỹ cho đến nay vẫn được coi là lực lượng chủ đạo nhất trên thế giới, đối mặt với một loạt yêu cầu như cuộc khủng hoảng ở Libya, nạn hải tặc cũng như đòi hỏi sự hiện diện của lực lượng này ở trên biển để đáp ứng nhu cầu triển khai nhanh lực lượng trên bộ.
Nguyễn Viết
Tổng hợp

dantri.com.vn
Thứ Tư, 07/12/2011 - 07:42
(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm qua đã yêu cầu hải quân nước này đẩy mạnh hiện đại hoá và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu để đóng góp nhiều hơn nữa nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và hòa bình thế giới.
 
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp với các quan chức quân đội ngày 6/12.
 
Tuyên bố trên được đưa ra khi ông Hồ Cẩm Đào tham dự một hội nghị của Quân uỷ Trung ương tại Bắc Kinh bàn về tăng cường vũ trang và phát triển hải quân.
Hải quân cần “đẩy mạnh chuyển biến và hiện đại hoá một cách vững chắc và tăng cường chuẩn bị cho chiến đấu để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia”, Chủ tịch Trung Quốc nói.
“Công việc của chúng ta phải xoay quanh trọng tâm chính là phòng thủ quốc gia và xây dựng quân sự”, ông Hồ Cẩm Đào nói thêm.
Những bình luận của ông Hồ Cẩm Đào, được đăng tải trong một tuyên bố trên trang web chính phủ, diễn ra giữa lúc Mỹ và các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh bày tỏ lo ngại về tham vọng hải quân của Trung Quốc.
Vài quốc gia châu Á đã tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này, vốn chiếm 1/3 giao thông đường thuỷ của thế giới.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã giảm nhẹ bài phát biểu của ông Hồ Cẩm Đào, nói rằng Bắc Kinh có quyền phát triển quân đội, mặc dù nước này cần phải minh bạch.
“Họ có quyền phát triển quân đội và để lên kế hoạch, giống như chúng ta vẫn làm”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little cho biết, nhưng nói thêm rằng, “Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc minh bạch và đó là một phần của mối quan hệ mà chúng tôi đang tiếp tục xây dựng với quân đội Trung Quốc”.
Bình luận của Hồ Cẩm Đào cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ khởi động một chiến dịch nhằm khẳng định mình với tư cách là cường quốc Thái Bình Dương.
Vài quan chức hàng đầu của Mỹ đã tới châu Á trong thời gian gần đây, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Vào hôm nay, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Michelle Flournoy dự kiến sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp Trung Quốc tại Bắc Kinh để thảo luận về hợp tác quân sự.
An BìnhTheo AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét