Nga - Cuba bắt tay chống Mỹ?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :7:27 AM, 05/12/2011
Giữa lúc căng thăng Nga – Mỹ ngày một leo thang bởi kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa châu Âu của Chính quyền Obama, Moscow bắt tay tái thiết quan hệ đối tác quân sự với đồng minh thời chiến tranh Lạnh là Cuba, trong nỗ lực gây sức ép với Washington.

Theo tờ Kommersant của Nga, một thỏa thuận mới sắp sửa được ký kết giữa Nga và Cuba sẽ cho phép Moscow cung cấp thiết bị sản xuất, chế tạo loại đạn đường kính 7,62mm sử dụng cho súng trường tự động Kalashnikov và các loại súng trường do nước này sản xuất cho đồng minh thời chiến tranh Lạnh Cuba.

Theo dự kiến, nhà máy sản xuất trang thiết bị quân sự Comandante Ernesto Che Guevara của Cuba nhận được công nghệ này từ Moscow.

Trong khi đó, một số nhật báo Cuba lại tiết lộ rằng giới chức Havana đưa ra quyết định mua thiết bị của Nga sau chuyến thăm tới một dây chuyền sản xuất đạn dược tương tự ở Venezuela gần đây.

Tuy nhiên, những người trong cuộc từ chối tiết lộ bất cứ thông tin chi tiết nào liên quan đến vấn đề tài chính của thỏa thuận mới này giữa Nga – Cuba với lý do đây gần như là vấn đề tuyệt mật.

Thỏa thuận hợp tác quân sự mới giữa Nga và Cuba diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ngày một "nóng". Ảnh minh họa: trendsupdates.

Ngoài ra, các công ty sản xuất vũ khí Nga cũng đang kỳ vọng giành được các hợp đồng nâng cấp toàn bộ nhà máy sản xuất trang thiết bị quân dụng Comandante Ernesto Che Guevara của Cuba trong tương lai. Nhà máy này được xây dựng vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 với sự đóng góp công sức không nhỏ của các chuyên gia Liên Xô.

Song giới phân tích cho rằng các công ty cung cấp trang thiết bị quân sự cho Hanava của Nga sẽ vấp phải nhiều rủi ro đến từ lệnh trừng phạt về thương mại mà Mỹ áp đặt chống Cuba nhiều thập kỷ qua.

Trước đó, lệnh cấm vận về thương mại của Mỹ đối với Havana được áp dụng từ năm 1961 sau đó đến năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua luật Helms-Burton, áp dụng các lệnh trừng phạt bổ sung chống lại các công ty không phải của Mỹ giao thương với Cuba.

Trong quá khứ, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, chế độ Cộng sản Cuba là đồng minh quan trọng của Liên Xô trong thời chiến tranh Lạnh và tổng giá trị của các thương vụ mua bán vũ khí giữa Moscow - Havana đạt tới 16 tỷ USD.

Liên Xô từng cung cấp xe tăng, máy bay chiến đấu Mig, trực thăng, hệ thống phòng thủ tên lửa, các loại tàu ngầm, các loại vũ khí hạng nhẹ, thiết bị truyền thông và nhiều trang thiết bị quân dự khác cho Cuba.

Hợp tác quân sự chặt chẽ Cuba – Liên Xô được đánh dấu bằng sự kiện Moscow triển khai hệ thống tên lửa trên lãnh thổ Cuba đáp lại động thái tương tự của Mỹ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, đáng tiếc sự sụp đổ của Liên Xô dẫn đến sự suy yếu quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại lẫn quân sự của hai nước. Kết quả là, năm 2001, Nga đóng cửa căn cứ quân sự cuối cùng của họ trên lãnh thổ Cuba.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Moscow - Havana bắt đầu hâm nóng lại quan hệ trên nhiều cấp độ. Tháng 9/ 2008, hai máy bay ném bom chiến lược của Nga chở nhiều lãnh đạo cấp cao của lực lượng không quân Nga đến thăm Venezuela và sau đó, bay thẳng đến Cuba.

Trong chuyến thăm tới Havana, giới chức quân sự Nga và giới chức Cuba thảo luận về kế hoạch cho thuê và nâng cấp căn cứ không quân trên đảo La Orchila, cho phép máy bay quân sự Nga tuần tra vùng Caribbean.

Tiếp tục cũng trong năm 2008, giới chức quân sự Nga lại có dịp đến thăm Cuba để tham gia lễ duyệt binh của lực lượng phòng không nước này. Tại đây, hai bên xem xét, thảo luận khả năng nâng cấp các trang thiết bị quân sự đã lỗi thời và cung cấp phụ tùng thay thế cho Cuba.

Có một điểm trùng hợp là thỏa thuận quân sự sắp ký giữa Cuba và Nga lần này cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow - Washington đang ngày một leo thang liên quan đến việc chính quyền Obama lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa AMD của Mỹ tại châu Âu. Do đó, nhiều người cho rằng thỏa thuận quân sự mới giữa Nga - Cuba là minh chứng cho việc Moscow "bắt tay" với đồng minh thời chiến tranh Lạnh nhằm gây sức ép lên Mỹ.

Tuy nhiên, trước khi tìm đến đồng minh thời chiến tranh lạnh Cuba, Nga triển khai một radar cảnh báo sớm ở phần lãnh thổ phía Tây thuộc khu vực Kaliningrad.

Ngoài ra, Tổng thống Medvedev cũng đe dọa tiếp tục triển khai tên lửa đạn đạo tầm ngắn có khả năng hủy diệt các thành phần thuộc hệ thống lá chắn tên lửa AMD của Mỹ. Không dừng lại ở đó, Nga còn thực hiện sách lược ngoại giao khôn khéo nhằm tìm kiếm các đồng minh chống Mỹ và phương Tây.

Mới đây, Nga gửi ba tàu chiến làm nhiệm vụ tuần tra được Nga triển khai ở bờ biển Syria. Qua đó, Chính phủ Medvedev muốn gửi lời nhắn nhủ đầy hàm ý đến các đối thủ phương Tây rằng bất cứ sự can thiệp nước ngoài nào để “ ngăn chặn sự tàn sát của chế độ Assad” cũng có thể phải hứng chịu đòn trả đũa từ Nga.

Trong khi đó, tại Liên Hiệp Quốc, Đại diện phái đoàn Nga khẳng định sẽ kiên quyết chống lại bất cứ lệnh trừng phạt nào đối với bất chấp bản thông báo mới của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế chỉ ra nguy cơ rằng Tehran sắp sửa hiện thực hóa giấc mơ sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tại Venezuala, một ngân hàng Nga vừa mở một tài khoản tín dụng trị giá hai tỷ USD, đi cùng với thương vụ mua bán vũ khí trị giá bốn tỷ USD giữa Moscow và chính quyền Tổng thống Hugo Chavez.

Trong khi đó, tại Moscow, các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra những lời đe dạo cảnh báo và thậm chí nhạo báng Tổng thống Obama bởi kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa AMD.

Tuy nhiên, phó Chủ tịch Học viện Các vấn đề Địa chính trị Vladimir Anokhin lại tỏ ra nghi ngờ thỏa thuận hợp tác quân sự mới với Cuba là phản ứng của Moscow đối với kế hoạch triển khai AMD của Mỹ.

"Đây chỉ là một thỏa thuận kinh doanh chung giữa tập đoàn Rosoboronexport và Cuba”, ông Anokhin nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với RT.

Tuy nhiên, ông Anokhin cũng lưu ý rằng Havana luôn nằm trong "khu vực đáng được quan tâm" của Moscow và cho biết tại thời điểm này không ai có thể cản trở hợp tác quân sự Nga – Cuba, thậm chí lệnh trừng phạt của Mỹ:

"Là một quốc gia có chủ quyền, chúng tôi không chịu sự chi phối của bất cứ lệnh trừng phạt nào từ Mỹ. Tại thời điểm này, Mỹ không có quyền ngăn cấm hợp tác thương mại Nga - Cuba. Việc cấm đoán sẽ chỉ gây cho Mỹ thêm nhiều rắc rối mà thôi", ông Anokhin nhấn mạnh.

>> Mỹ 'gán nợ' Đài Loan cho Trung Quốc?

Lê Dung (theo RT, Realclearworld)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét