Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh tại Tọa đàm “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh" được tổ chức sáng nay (5/12. Sự kiện do Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì buổi tọa đàm.
Do ảnh hưởng của chiến tranh, đất nước và con người Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề của bom, mìn, đạn dược. Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm nhưng hậu quả của nó để lại rất nặng nề, trong đó có hàng trăm nghìn tấn bom đạn còn sót lại, hàng ngày vẫn gây ra thương vong thương tâm cho con người.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có trên 42.130 người bị chết, hơn 62.160 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Bình quân mỗi năm có khoảng 1.530 người chết và khoảng 2.270 người bị thương. Vẫn còn tới 20% diện tích đất tại Việt Nam bị ô nhiễm bom mìn, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân cũng như sự phát triển đất nước.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn với nhiều cơ chế chính sách được ban hành và cùng với đó là hàng nghìn tỷ đồng (tương đương hàng trăm triệu USD) được chi cho công tác khắc phục hậu quả.
Trong quá trình hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam, một số quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ bày tỏ mong muốn Việt Nam tham gia Công ước Cấm mìn sát thương (Công ước Ottawa 1997) và Công ước Cấm bom - đạn chùm (Công ước Oslo 2008). Vấn đề này đã được đưa ra tại Tọa đàm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì buổi tọa đàm sáng nay. (Ảnh: website Chính phủ)
Về vấn đề này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh khẳng định: Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực vì giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, với ưu tiên nhất là chống phổ biến và giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hiện Việt Nam đã đăng ký và thực hiện nghiêm túc hơn 40 điều ước quốc tế và song phương có liên quan tới giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí.
“Việt Nam là một trong số ít quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của bom đạn còn sót lại. Chiến tranh đã đi qua 30 năm nhưng vẫn còn hàng chục nghìn km2 diện tích đất đai vẫn chưa được giải phóng, tính mạng của hàng chục nghìn dân thường bị đe dọa. Do đó, Việt Nam còn cần rất nhiều nguồn lực, thời gian và sự hợp tác của nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân… mới có thể loại trừ được hiểm họa này.
Mặc dù chưa thể tham gia Công ước Cấm mìn sát thương do nhu cầu phòng thủ chính đáng, Việt Nam đã khẳng định sẽ không xuất khẩu mìn sát thương để ủng hộ việc hạn chế sử dụng loại vũ khí này một cách bừa bãi” - ông Lương Minh khẳng định. Ông Minh cũng cho rằng, đối với công ước Cấm bom - đạn chùm, việc đặt trách nhiệm chính trong việc giải quyết hậu quả của việc sử dụng bom – đạn chùm trong quá khứ chủ yếu lên các quốc gia bị ảnh hưởng, trong khi chưa có cơ chế hợp tác và hỗ trợ quốc tế cụ thể.
“Việt Nam cho rằng, các quốc gia đã sản xuất, sử dụng và xuất khẩu bom – đạn chùm phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này. Cùng đó, việc Công ước đặt ra thời hạn phải rà phá hết các khu vực bị nhiễm bom – đạn chùm trong vòng 10 năm và gia hạn thêm không quá 5 năm cũng là một khó khăn lớn cho Việt Nam”- ông Minh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Hoa Kỳ David Bruce Shear khẳng định, Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh. Tại buổi tọa đàm, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 504 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban. Quyết định Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn (2010 - 2025) cũng được công bố.
P. Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét