Lợi ích sát sườn của Nhật nằm đâu trên Biển Đông?

Chuyên trang nghiên-cứu-biển-Đông của VTC News


03/12/2011 00:25

(VTC News) - Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, để giúp giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ở đảo Bali, Inđônêxia, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã đưa ra đề xuất về việc thành lập một diễn đàn hợp tác hàng hải mà tại đó, các nước thành viên EAS và các chuyên gia có thể trao đổi quan điểm một cách thoải mái.
Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông giới thiệu.

Mặc dù không có nhà lãnh đạo nào của 10 nước ASEAN hay các nước đối tác đối thoại như Trung Quốc và Mỹ phản đối đề xuất này, nhưng họ không đạt được thỏa thuận nào về việc thành lập một diễn đàn như vậy.

Tại EAS, Nhật Bản đã hưởng ứng quan điểm của Mỹ là giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) năm 1982 về Luật biển.

Lợi ích sát sườn của Nhật nằm đâu trên Biển Đông?
Đảo Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tham dự EAS và các hội nghị liên quan khác của ASEAN, Thủ tướng Noda nói: “Chúng tôi có thể khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đối với các vùng biển này, vốn là một tài sản chung nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Ông cũng cho biết các nước tham dự EAS có chung quan điểm rằng “các vấn đề hàng hải sẽ được giải quyết thông qua hợp tác và đối thoại”.

Giáo sư Akio Takahara của Khoa sau đại học về luật và chính trị thuộc trường Đại học Tôkiô cho rằng biển Hoa Đông chính là nguyên nhân khiến Nhật Bản can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông từ lâu đã là nguồn gốc của sự căng thẳng giữa Tôkiô và Bắc Kinh. Những tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku - hiện do Nhật Bản quản lý nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền - đã bùng lên vào tháng 9/2010, khi một chiếc thuyền đánh cá của Trung Quốc đâm vào hai tàu tuần tra của Nhật Bản ở khu vực gần quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Sự cố này đã đẩy quan hệ giữa hai nước xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Lợi ích sát sườn của Nhật nằm đâu trên Biển Đông?

 G.S Takahara: "Giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật quốc tế là lợi ích của Nhật Bản" 

Kể từ sau đó, quan hệ giữa hai nước đã được cải thiện nhưng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở trên biển tiếp tục gây lo ngại.

Chẳng hạn, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục phát hiện các tàu thăm dò đại dương của Trung Quốc ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku. Thỉnh thoảng, các tàu này đã xâm phạm khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản hoặc vượt ra ngoài những khu vực mà Trung Quốc đã thông báo trước với Nhật Bản trước khi tiến hành thăm dò.

Các quan chức và chuyên gia Nhật Bản cho rằng, do có tranh chấp với Tôkiô về quần đảo Senkaku, Nhật Bản cảm thấy rằng các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông cũng rất đáng lo ngại.

Giáo sư Takahara nói: “Giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông theo các chuẩn mực quốc tế sẽ là lợi ích của Nhật Bản”.
Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông đang trở nên phức tạp hơn do sự thiếu thống nhất trong ASEAN về cách thức giải quyết. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng kêu gọi ASEAN cần phải có “quan điểm chung và rõ ràng” về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ này.

Song ngoại trừ Việt Nam, Philíppin, Brunây và Malaixia, những nước đang tuyên bố chủ quyền đối với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, những nước thành viên khác của ASEAN có vẻ như không muốn dính líu vào các tranh chấp này và gây khó chịu cho Bắc Kinh.

Theo Kyodo (ngày 20/11)
Hương Trà (gt)


vtc.vn - nghien-cuu-bien-dong

Biển Đông: Báo chí TQ 'hết kiên nhẫn' với Philippines

01/12/2011 22:55

(VTC News) - Theo tin từ mạng “Đa Chiều” (Hồng Công) gần đây, nhiều bài viết Đại lục hô hào giới cầm quyền Trung Quốc cần “nhanh chóng áp dụng các hành động quyết đoán” ở Biển Đông, và hành động quyết đoán rõ ràng là chỉ việc sử dụng vũ lực, mục tiêu rõ ràng là nhắm vào Philíppin.

Bài viết do Nghiên cứu Biển Đông thực hiện

Một bình luận viên thời sự có điều kiện tiếp cận với giới quân sự Trung Quốc cho biết, xét tới tình hình thực tế, sự can thiệp của Nhật Bản và Ấn Độ thực chất là muốn phối hợp với Mỹ kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương.

Biển Đông: Báo chí TQ 'hết kiên nhẫn' với Philippines

Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đã thông qua tuyên bố chung Nhật Bản-Philíppin về Biển Đông. Và Nhật Bản đã tích cực bày tỏ giúp đỡ, huấn luyện Hải quân Philíppin và thu thập tin tức tình báo ở Biển Đông. Trong bối cảnh lớn này, nếu vấn đề Biển Đông chủ yếu là ở kinh tế và khai thác tiềm năng thì vẫn có thể thương lượng giải quyết, song hiện đã xuất hiện các biện pháp thông qua hợp tác quân sự, điều này khiến Trung Quốc "ngày càng mất đi sự nhẫn nại".
Nhà bình luận thời sự trên cho rằng sau khi Tổng thống Philíppin Aquino thăm Trung Quốc, Philíppin vẫn không ngừng các hành vi khiêu khích trước kia, thêm vào đó, Philíppin tiếp tục lôi kéo các nước có lợi ích không trực tiếp như Mỹ, Nhật Bản cùng nhau gây khó khăn cho Trung Quốc. 
Những hành vi khiêu khích của Philíppin cũng đã gián tiếp làm thay đổi thái độ của các nước có liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Trước tình huống này, có không ít nhân sĩ Đại lục hô hào giới cầm quyền Trung Quốc cần “nhanh chóng áp dụng các hành động quyết đoán” ở Biển Đông, và hành động quyết đoán rõ ràng là chỉ việc sử dụng vũ lực, mục tiêu rõ ràng là nhắm vào Philíppin.

Trên phương tiện truyền thông chính thức, đã có nhân sĩ và cơ quan công khai cổ súy dùng vũ lực đối với vấn đề Biển Đông, họ cho rằng nguy cơ chiến tranh ở khu vực Biển Đông đang tích tụ, thời gian không còn ủng hộ Trung Quốc, Trung Quốc cần sử dụng tư thế người chủ đạo khai thác và hợp tác tài nguyên, đưa ra nhiều điều kiện ưu đãi hơn để cạnh tranh với các công ty dầu khí phương Tây.


Biển Đông: Báo chí TQ 'hết kiên nhẫn' với Philippines


Luận điệu này cho rằng, Biển Đông là chiến trường tốt nhất của Trung Quốc hiện nay. Không phải lo lắng về một cuộc chiến quy mô nhỏ, đó chính là phương thức tốt nhất để giải phóng năng lượng chiến tranh, đánh vài trận nhỏ thì có thể tránh xảy ra trận lớn, “Trung Quốc nên dùng quyết tâm đánh trận lớn và chuẩn bị thực tế cho đánh trận nhỏ, đẩy quyền lựa chọn chiến tranh và hòa bình cho đối phương”.

Nhà bình luận "hiến kế", nếu Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông thì nên thu nhỏ mặt trận, có thể khóa chặt Philíppin, nước đang "hung hăng" nhất, để thực hiện kế "giết gà dọa khỉ" có hiệu quả. Còn quy mô chiến tranh, nên lấy tiêu chuẩn là trừng phạt, không cần giống mô hình của Mỹ, Pháp tại Irắc, Ápganixtan hay Libi.

Về việc chiến tranh có thể dẫn tới sự phản đối của quốc tế, người bình luận thời sự cho rằng, năm 2008, kinh nghiệm của Nga “ra tay quyết đoán”, nhanh chóng ổn định tình hình Grudia đã cho thấy, hành động của nước lớn tuy có thể gây chấn động quốc tế trong một thời gian, nhưng nói về lâu dài thì về cơ bản, vẫn thực hiện ổn định khu vực và giải quyết chiến lược nước lớn.

Theo mạng Đa chiều (Hong Kong)
Thùy Anh (gt)


vtc.vn

Ra mắt chuyên mục Nghiên cứu Biển Đông trên VTC News

25/07/2011 06:18

(VTC News) – Trước những diễn biến ngày càng khó lường ở Biển Đông, mối quan tâm của độc giả đối với vấn đề này cũng ngày càng dâng cao. Không chỉ là tri thức, mỗi thông tin về biển đảo đã khơi dậy trong chúng ta tinh thần dân tộc, niềm khát khao được cống hiến cho Tổ quốc. Hay nói đúng hơn, trong thời đại của thông tin toàn cầu, người Việt đang ngày càng hiểu rõ rằng: cần yêu nước một cách có tri thức.
Trong thời đại tri thức ngày nay, lòng yêu nước và nhiệt tình chỉ phát huy cao độ và có ý nghĩa thực chất khi gắn với một nền tảng hiểu biết đầy đủ, vững vàng về lịch sử và pháp luât quốc tế. Trong khi đó, Biển Đông lại là một trong những khu vực có lịch sử và hiện trạng tranh chấp vào hàng phức tạp nhất trên thế giới hiện nay.

Đáp ứng nhu cầu vô cùng chính đáng đó của độc giả, ngay đầu tháng 6, VTC News đã tổ chức
buổi tọa đàm trực tuyến “Biển Đông – các khía cạnh pháp lý”, với khách mời là những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian có hạn, các khách mời chỉ có thể trả lời 1 phần nhỏ trong số hàng trăm câu hỏi của độc giả gửi về; chưa kể rất nhiều thắc mắc liên quan đến Biển Đông được gửi về tòa soạn trước và sau đó.

Ra mắt chuyên mục Nghiên cứu Biển Đông trên VTC News
TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (ngoài cùng bên trái), nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng biên tập Báo điện tử VTC News (ngoài cùng bên phải) cùng PGS. TS Nguyễn Hồng Thao và PGS.TS Nguyễn Bá Diến, 2 chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về biển Đông tại buổi tọa đàm 

Gửi câu hỏi tới TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, một trong 3 khách mời giao lưu hôm đó, độc giả Nguyễn Trung chia sẻ: "Lâu nay tôi vẫn nghĩ các nhà nghiên cứu Biển Đông của ta đang làm việc độc lập, giờ mới biết đến Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, thật hết sức vui mừng. Liệu những người bình thường như tôi có thể tham gia đóng góp gì cho hoạt động của Trung tâm không?”
Trong khi đó, độc giả Lê Ngọc Tấn, một sinh viên năm thứ hai lại bày tỏ mong muốn được phổ cập thêm những kiến thức cơ bản về Biển Đông cho những thanh niên trẻ quan tâm đến chủ quyền dân tộc nhưng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin như mình. Đó cũng là chia sẻ chung của nhiều độc giả VTC News, trong đó có cả những độc giả đã luống tuổi.

Đồng cảm với những trăn trở đó, báo điện tử VTC News hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông cho ra mắt trang Nghiên cứu Biển Đông trên VTC News tại địa chỉ http://vtc.vn/602-0/quoc-te/nghien-cuu-bien-dong/index.htm.

Có thể nói, đây là phiên bản mở rộng của website Nghiên cứu Biển Đông (
http://nghiencuubiendong.vn) hướng tới đối tượng là đông đảo cư dân mạng quan tâm đến vấn đề biển đảo của dân tộc.

Bên cạnh những thông tin nóng hổi, đa chiều, độc giả có cơ hội tiếp cận với những bài viết độc quyền mang tính chuyên sâu của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu; nhưng được trình bày dưới dạng ngắn gọn, có điểm nhấn, dễ tiếp thu, không quá hàn lâm, khó hiểu và cần quá nhiều kiến thức chuyên ngành.

Chuyên trang cũng là chia sẻ những thường thức về Biển Đông và luật biển quốc tế, cũng như tiếp nhận và giải đáp thường xuyên những thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề liên quan.

Những người thực hiện tin rằng, phiên bản Nghiên cứu Biển Đông trên VTC News sẽ là một đóng góp không lớn nhưng có ý nghĩa thiết thực; qua đó giúp độc giả từng bước bổ sung vốn tri thức cũng như tư duy Biển Đông, có một cái nhìn toàn diện, sáng suốt, nhận thức được và đặt lợi ích tối thượng của dân tộc lên trên hết.

Trân trọng chia sẻ cùng quý độc giả!

Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông được thể chế hoá từ Chương trình Nghiên cứu Biển Đông, trực thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao.
Các hoạt động chính của Trung tâm bao gồm:
- Nghiên cứu và đề đạt các kiến nghị, chính sách lên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Đảng và Nhà nước;

- Thực hiện hoạt động ngoại giao kênh 2 (kênh học giả) qua tổ chức, tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước nhằm bảo vệ lập trường, lợi ích của Việt Nam và phản bác các lập luận không có lợi cho ta;

- Tổ chức các đoàn trao đổi học thuật, vận động quốc tế ở các nước quan trọng về vấn đề Biển Đông;

- Ngoài ra, một phần nhiệm vụ là phổ biến kiến thức về vấn đề Biển Đông.

Website
http://nghiencuubiendong.vn là “con đẻ” của Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông. Mục tiêu ban đầu của website là phổ biến những nghiên cứu mang tính chất học thuật, chuyên sâu về Biển Đông. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của Trung tâm, những người thực hiện website đang từng bước phong phú hóa nội dung, đưa website đến gần hơn với đông đảo độc giả trong và ngoài nước; hiện thực hóa các mục tiêu hoạt động đã đề ra. Mới đây, ban biên tập website đã cho ra mắt phiên bản tiếng Anh tại địa chỉ http://nghiencuubiendong.vn/en/, tiến tới sẽ sớm ra mắt bản tiếng Trung Quốc.

Phiên bản Nghiên cứu Biển Đông trên VTC News chính là một phần trong chuỗi hoạt động nhằm nối dài hiệu ích tuyên truyền, phổ biến kiến thức của Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông; đưa đường lối, chính sách của Bộ Ngoại giao nói riêng, của Đảng và Nhà nước nói chung đến với đông đảo người dân; góp phần tạo khối đoàn kết dân tộc vững chắc, tiếng nói dân tộc thống nhất trong các vấn đề liên quan đến vận mệnh chung của quốc gia. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét