Keangnam “xuống nước” trước sức ép cư dân

 Cập nhật lúc : 3:33 PM, 04/12/2011
(VOV) - Chủ tịch Tập đoàn Keangnam Vina đã phải ký vào văn bản cam kết với chính quyền, ban đại diện cư dân và mở toàn bộ thang máy.
Sau 4 tiếng đàm phán căng thẳng, khoảng 21h30 ngày 3/12, ông Ha Jong Suk - Chủ tịch Tập đoàn Keangnam Vina đã phải nhượng bộ, ký vào văn bản cam kết với chính quyền, ban đại diện cư dân như: Mở toàn bộ thang máy cho cư dân đi lại, cam kết không được cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào của dân… Ông Ha cũng hứa sẽ đàm phán với ban đại diện cư dân, dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương vào tuần sau.
Trước đó, trưa 3/12, thang máy của tòa nhà Keangnam đã bị cắt khiến hàng trăm hộ dân không thể lên được nhà mình. Muốn về nhà, người dân chỉ có cách đi bộ 46 tầng cầu thang. Không những thang máy bị cắt, đường Internet, truyền hình cũng liên tục trục trặc, hệ thống thông tin nội bộ hoàn toàn bị vô hiệu hóa khiến người dân ở Keangnam khó có thể liên lạc với nhau.
"Nằm võng" chờ sự xuất hiện của lãnh đạo Keangnam (Ảnh: DT)
Việc cắt thang máy của chủ đầu tư khiến cư dân Keangnam bức xúc. Người dân trong các căn hộ bị cô lập, trong đó phần lớn là người già và các cháu nhỏ, đặc biệt có gần chục phụ nữ mang thai đã phải vật vã chờ đợi, chầu chực ở hai sảnh A, B. Chiều muộn, các hộ dân về nhà càng đông dẫn đến cảnh náo loạn tại toàn bộ khu nhà.
Quá bức xúc với hành động trên của chủ đầu tư, người dân đã đến văn phòng Chestnut Vina, chủ đầu tư tòa nhà “ở trọ” với mục đích nhằm gây sức ép đòi Keangnam mở lại thang máy.
Tuy nhiên, mọi cố gắng của cư dân tòa nhà đều trở nên vô vọng khi người chịu trách nhiệm chính là ông Ha Jong Suk - Chủ tịch Tập đoàn Keangnam Vina vẫn “lẩn trốn”, không chịu gặp dân.
Lều bạt được dựng phía trước tòa nhà
Người dân sau đó đã gọi công an xã, huyện, cảnh sát 113 can thiệp. Đến 20h ngày 3/12, ông Lê Văn Phương, Phó trưởng Công an huyện Từ Liêm đã yêu cầu Keangnam phải cung cấp dịch vụ lại đầy đủ cho cư dân. “Nếu không cung cấp phí dịch vụ, Keangnam sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Phương thẳng thắn.
Đây không phải là lần đầu tiên tòa nhà cao nhất Việt Nam gặp rắc rối. Trước đó, cư dân đã biểu tình phản đối chủ đầu tư vì tranh chấp diện tích chung riêng. Với chiều cao thiết kế 70 tầng và tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ USD, khi hoàn thiện, Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt Nam, vượt qua cả tháp Bitexco Financial Towers trong TP HCM. Keangnam cũng từng thu hút sự chú ý của dư luận khi bị thách cược 100 tỷ đồng về tiến độ thi công vào năm 2008./.
LT (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét