Lá chắn tên lửa đe dọa quan hệ Mỹ - Nga

tuoitre.vn
Chủ Nhật, 04/12/2011, 07:31 (GMT+7)

TT - Liệu chính sách “tái lập” quan hệ Mỹ - Nga sẽ đổ vỡ và hai nước quay trở lại thế đối đầu như thời chiến tranh lạnh? Đó là câu hỏi nhiều người đặt ra sau những tuyên bố từ cả hai phía về kế hoạch lá chắn tên lửa châu Âu.
Các hệ thống phóng tên lửa Iskander của Nga trong một cuộc diễu binh ở Matxcơva - Ảnh: Reuters 
Theo Hãng tin Reuters, hôm 3-12 đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thiết lập hệ thống lá chắn ở châu Âu để ngăn chặn tên lửa Iran, bất chấp phản ứng của Nga. “Dù Nga có thích hay không thì chúng tôi vẫn muốn bảo vệ NATO - châu Âu trước nguy cơ tên lửa đạn đạo” - đại sứ Daalder khẳng định. Theo ông, mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Iran “đang trở nên nghiêm trọng hơn so với hai năm trước đây”.
Ông Daalder cũng cho biết sẽ gặp gỡ các quan chức Nga tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) vào tuần tới để một lần nữa trấn an Matxcơva. “Mỹ hiểu rằng có một số thế lực ở Nga cho rằng lá chắn tên lửa châu Âu sẽ đe dọa năng lực hạt nhân Nga - đại sứ Daalder cho biết - Nhưng nếu Mỹ muốn đối phó với tên lửa hạt nhân Nga, chúng tôi sẽ không triển khai lá chắn ở châu Âu mà là ở Mỹ”.
Giọng điệu chiến tranh lạnh
Tuyên bố của đại sứ Daalder càng khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga. Theo RIA Novosti, tuần trước Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đe dọa nếu Mỹ và NATO thực hiện kế hoạch lá chắn tên lửa, Matxcơva sẽ triển khai tên lửa Iskander ở vùng Kaliningrad và Krasnodar cũng như Belarus để nhắm vào Ba Lan và Romania, nơi tiếp nhận các hệ thống tên lửa đánh chặn của Mỹ. Matxcơva cũng đã triển khai hệ thống rađa cảnh báo tên lửa ở Kaliningrad.
Ông Medvedev đe dọa Matxcơva sẽ rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) Mỹ và Nga đã ký hồi tháng 4-2010, một cột mốc trong việc thực hiện chính sách “tái lập” quan hệ giữa hai nước mà Tổng thống Obama theo đuổi. Báo New York Times cho biết Nga đã rất thất vọng khi phía Mỹ từ chối đưa ra đảm bảo rằng hệ thống của Mỹ và NATO sẽ không đe dọa tên lửa đạn đạo Nga tại hội nghị ở Honolulu (Hawaii) hồi tháng 11.
Giới quan sát nhận định bế tắc này và phản ứng của Nga xuất phát từ nguyên nhân chính trị trong nước. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ không mấy thiện cảm với Nga. Một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng ông Obama đã quá “nhường nhịn” Nga. Do đó, Nhà Trắng rất khó thuyết phục quốc hội thông qua một đảm bảo như trên trước khi Washington và Matxcơva thật sự hợp tác. “Nhà Trắng đàm phán với Đảng Cộng hòa còn khó hơn là đàm phán với Nga” - New York Times dẫn lời chuyên gia Dmitri Trenin thuộc Trung tâm Carnegie tại Matxcơva nhận định.
Về phía Nga, giới chuyên môn cho rằng giọng điệu cứng rắn của Tổng thống Medvedev là nhằm hướng tới chính trường nội địa, khi cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga chuẩn bị bắt đầu. Nhưng theo chuyên gia Trenin, tại Matxcơva cũng có không ít quan chức thật sự tin rằng “mối đe dọa Iran” chỉ là vỏ bọc để Mỹ và NATO tìm cách kiềm chế năng lực hạt nhân Nga, nhất là khi các tàu chiến Nga được trang bị hệ thống tên lửa Aegis và Patriot đang hoạt động trên biển Đen gần Nga.
Còn cơ hội đối thoại
Chính sách “tái lập” quan hệ Mỹ - Nga đang bị ngưng trệ. Một số chính trị gia cánh hữu Mỹ cho rằng chính sách này đã đổ vỡ. Dù vậy nhiều nhà quan sát khẳng định sẽ không có chuyện Mỹ và Nga quay trở lại thời chiến tranh lạnh. Báo Moskovskie Novosti dẫn lời chuyên gia Alexei Arbatov thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga cho biết trên thực tế những đe dọa của ông Medvedev không mới. Hệ thống rađa Voronezh-DM của Nga hiện đã được xây ở Kaliningrad.
Ý tưởng triển khai tên lửa Iskander tại đây từng được đưa ra từ trước. Các chuyên gia cho rằng khó có khả năng Nga rút ra khỏi New START. Chuyên gia Arbatov cho biết lực lượng chiến lược của Nga trở nên cũ kỹ và đang được loại bỏ dần. Báo Daily Mail dẫn lời tướng Vladimir Dvorkin thuộc Viện Quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới (Imemo) nhận định tuyên bố mạnh mẽ của ông Medvedev là dấu hiệu của sự giận dữ, nhưng cũng đồng thời là một lời mời Mỹ tiếp tục đối thoại.
Nhiều nhà quan sát dự báo bất chấp phản ứng cứng rắn từ cả phía Nga và Mỹ, nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận sau khi bầu cử Quốc hội Nga và bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc trong năm 2012. Chuyên gia Trenin cho rằng lãnh đạo hai nước cần tiếp tục đối thoại hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác để xây dựng lòng tin, từ không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố cho đến các vấn đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương...
SƠN HÀ
Mỹ sẽ can thiệp vào Syria?
Đối đầu Mỹ - Nga còn thể hiện ngay tại điểm nóng khu vực Trung Đông là Syria. Hiện Mỹ vẫn chưa tỏ quan điểm sẽ can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, RIA Novosti đưa tin tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ USS George HW Bush đang hoạt động ngoài khơi Syria. Tàu sân bay USS George Washington cũng đang trên đường đến vùng biển Syria. Do đó người Nga tin rằng Mỹ sẽ can thiệp vào Syria.
Theo Interfax, đầu năm 2012 Nga sẽ điều một hạm đội tàu chiến, dẫn đầu là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến cảng Tartus ở Syria. Thời gian qua, Matxcơva cũng kịch liệt phản đối các biện pháp trừng phạt nhắm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Giới quan sát nhận định ngoài việc muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế - chính trị ở Syria, Matxcơva còn muốn chứng tỏ với Mỹ và phương Tây rằng Nga vẫn là một siêu cường có ảnh hưởng lớn.

vietnamnet.vn

Thực hư tầm cỡ của rađa Nga với châu Âu

Trong một hành động đáp trả lại các kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu, Nga đã kích hoạt trạm rađa cảnh báo sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa hạng Voronezh.

Hình ảnh hệ thống rađa tại Kaliningrad vừa được kích hoạt mới đây
Mặc dù thông tin công bố chính thức là trạm rađa này không nhằm vào việc chống lại phương Tây, nhưng nó lại bao gồm hệ thống các phương tiện có thể đáp trả với việc triển khai đơn phương của các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ tại châu Âu.
Khi tham dự buổi kích hoạt hệ thống rađa tại Kaliningrad, Tổng thống Dmitry Medvedev nói rằng "Tôi hy vọng rằng hệ thống sẽ hoạt động hiệu quả và thực hiện đúng mục đích của nó".
Hệ thống rađa này đã chạy thử nghiệm kể từ hồi đầu năm 2011 và được lên kế hoạch hoạt động toàn diện vào đầu tháng 12. Nó hướng về hướng tây và dõi theo "toàn châu Âu", bao gồm cả Anh.
Hệ thống rađa được kích hoạt gần thành phố Kaliningrad được mô tả là một hệ thống Voronezh-DM "có sẵn". Hệ thống rađa có sẵn được xuất xưởng từ nhà máy với 23 mô-đun và có thể được lắp ráp chỉ trong vòng 12-16 tháng tại một khu vực có mặt bằng vững chắc.
Các trạm rađa từ thời Xô Viết đều là các khối đúc liền và cao với hơn 4000 yếu tố kỹ thuật lắp đặt, và đôi khi phải mất hơn 5 năm để hoàn thiện.
Trạm rađa có sẵn có thể được hiện đại hóa dễ dàng và thay đổi tầm ngắm bằng cách thay môđun, hoặc tháo dỡ để triển khai tại các nơi khác. Việc hiện đại hóa các trạm rađa thời kỳ Xô-Viết tốn khá nhiều thời gian, tiền bạc và chỉ có thể khả thi chừng nào khối cấu trúc vẫn còn tương thích.
Việc lắp đặt trao tay và triển khai các hệ thống rađa hạng Voronezh chỉ tốn khoảng 1,5 tỉ rúp (giá của năm 2005, tương đương 48 triệu USD tỉ giá hiện thời). Các đơn vị rađa gần Pechora ở Nga và tại Gabala ở Azerbaijan lại tốn khoảng 19,8 tỉ rúp (tương đương 632 triệu USD).

Tương quan các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga và Mỹ
Lấp khoảng trống
Ngoài trạm rađa ở Kaliningrad, Nga còn có hai trạm hạng Voronezh khác đã được triển khai: một trạm ở làng Lehtusi ở Karelia để bao quát nam Đại Tây Dương, trạm còn lại đặt ở Armavir thuộc miền nam lãnh thổ Nga để bao quát hướng bắc và tây bắc. Một trạm khác đang được chuẩn bị ở gần Irkutsk ở miền đông Siberia và theo dõi hướng đông.
Hệ thống cảnh báo sớm của Nga cũng bao gồm một tập hợp các đơn vị rađa được kế thừa từ thời Xô Viết. Các đơn vị này được xây dựng dọc vành đai của Liên bang Xô Viết do các đặc thù kỹ thuật và các hiệp ước quốc tế của đất nước. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, hầu hết các đơn vị này trở thành tài sản của các quốc gia khác.
Trên thực tế, Nga kế thừa du nhất trạm rađa Daryal ở gần Pechora, quan sát hướng Bắc Cực, và trạm Dnepr/Daugava đã được hiện đại hóa đặt ở gần Olenegorsk, bao quát hướng quần đảo Greenland.
Thiết bị rađa tầm cỡ đặt tại khu vực Balkhash-9 ở Kazakhstan chưa bao giờ được hoàn tất và sau đó bị cướp và đốt cháy. Tại Kazakhstan hiện giờ chỉ có các trạm rađa cũ.
Trong khoảng từ những năm 1990 và 2000, Nga đã rất chịu khó "vá lỗ hổng" trong các mạng lưới cảnh báo sớm của mình, nhưng kết quả thì giờ mới được hiện thực hóa.
Việc kích hoạt các trạm rađa cảnh báo sớm tân tiến của Nga cũng "tình cờ" đúng lúc Nga - Mỹ bất đồng về hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo của Mỹ đặt tại châu Âu.
Đáp trả nhưng không nhằm vào châu Âu
Các nhà cầm quyền của Nga từng lên kế hoạch mở trạm ra đa tại Kaliningrad nhằm "nhắc nhở" Mỹ về quan điểm của Nga và các hậu quả có thể xảy ra nếu như họ không để tâm tới ý kiến của Moscow.

Sơ đồ các hệ thống có thể triển khai tại 3 nước Đông Âu cũ là Ba Lan, Romania, Bulgaria
"Tôi hy vọng rằng các đối tác của chúng ta sẽ nhìn vào động thái này như là một dấu hiệu đầu tiên cho thấy đất nước ta có thể sẵn sàng đáp trả lại các mối đe dọa mà các lá chắn tên lửa có thể gây nên đối với các lực lượng hạt nhân chiến lược của ta" - các hãng thông tấn Nga trích lời Tổng thống Medvedev.
Cùng lúc, ông nhấn mạnh rằng đơn vị rađa này không nhằm vào các đối tác phương Tây của Nga, và chỉ có thể được sử dụng để cùng đáp trả một mối đe dọa chung.
Bầu không khí chung tại các cuộc hội đàm song phương về ổn định chiến lược vẫn rất căng thẳng. Nga phản ứng một cách mạnh mẽ đối với tất cả các sáng kiến của Mỹ liên quan tới các phần hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo toàn cầu (BMD), nhấn mạnh rằng họ có thể phối hợp cùng với Kremlin và bóng gió về các nguy hiểm mà dự án này có thể gây nên cho Nga.
"Như tôi đã nói hôm 23/11, nếu như các ý kiến của chúng ta bị lờ đi, chúng ta sẽ sử dụng các phương tiện phòng thủ khác bao gồm cả việc thông qua các biện pháp đáp trả cứng rắn và triển khai một nhóm tấn công" - Tổng thống Medvedev nói trong một cuộc họp với các lãnh đạo quân đội sau khi kích hoạt đơn vị rađa ở Kaliningrad.
Biện pháp trả đũa này có thể bao gồm việc tăng cường bảo vệ các cơ sở hạt nhân chiến lược, hiện đại hóa các tên lửa đạn đạo cùng với các đầu đạn được nâng cấp, và có thể triển khai các nhóm tấn công tại các khu vực nguy hiểm ở miền nam và tây nước Nga. Các khu vực này có thể sẽ trở thành mục tiêu của các đơn vị BMD tại châu Âu.
Ngoài ra, các biện pháp ngoại giao mà Nga có thể áp dụng là tiếp tục đàm phán về phòng thủ tên lửa và hợp tác thực tế với các thành viên của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO); Nga có thể từ chối giải trừ quân bị trong trường hợp diễn biến đàm phán theo chiều hướng tiêu cực; Nga cũng có thể rút khỏi Hiệp ước giảm các vũ khí chiến lược (START).

Mỹ từng lên kế hoạch lắp đặt hệ thống chống tên lửa tại Ba Lan và Cộng hòa Séc. Sau đó Washington đã thay đổi kế hoạch này. Chương trình mới có thêm lựa chọn linh hoạt và kinh tế hơn cho châu Âu.
Khả năng triển khai các thành phần của hệ thống chống tên lửa tại các nước Đông Âu cũ:
- Ba Lan: Có một thỏa thuận triển khai tên lửa SM-3 vào năm 2018.
- Romania: Tháng 2/2010, Tổng thống Romania Traian Basescu đã thông báo về việc chấp thuận để cho Mỹ lắp đặt hệ thống chống tên lửa tại đây.
- Bulagaria: Tháng 2/2010, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nói rằng sẽ có các thỏa thuận về việc triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại đất nước này.

  • Lê Thu (tổng hợp từ Rian/RT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét