Thứ Sáu, 14/01/2011, 07:08 (GMT+7)
TT - Ngày 12-1, Quốc hội Tajikistan đã bỏ phiếu thông qua nghị định thư nhượng cho Trung Quốc 1.000km2 đất thuộc khu vực vùng núi Pamirs hẻo lánh của nước này, kết thúc 130 năm tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Một phần cao nguyên Pamirs sẽ trở thành lãnh thổ của Trung Quốc từ ngày 12-1- Ảnh: nytimes |
Hãng thông tấn Asiaplus của Tajikistan dẫn lời Ngoại trưởng Zarifi cho biết việc phê chuẩn nghị định thư về đường biên giới giữa nước này với Trung Quốc là “một sự kiện chính trị quan trọng” của Tajikistan. “Phần lãnh thổ tranh chấp từ trước đến nay chiếm gần 20% lãnh thổ của Tajikistan, trong khi theo nghị định thư vừa được ký thì chúng ta chỉ nhượng lại 1.000km2, tức chỉ chiếm 3% phần đất tranh chấp. Tôi xem việc ký kết trên là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Tajikistan” - Ngoại trưởng Zarifi giải thích.
Về việc nhượng đất này, dư luận tại Tajikistan và khu vực đang có nhiều nhận định khác nhau.
Ông Mukhiddin Kabiri, lãnh đạo Đảng Phục hưng Hồi giáo (IRP), nói việc nhượng lại phần lãnh thổ này là trái với hiến pháp của Tajikistan và cho thấy sự thất bại trong chính sách đối ngoại của quốc gia.
“Chính phủ Tajikistan nhận được từ Trung Quốc các khoản vay ưu đãi lớn...” - lãnh đạo phong trào đối lập Tajikistan Dodozon Atovulloev nói với phóng viên báo Kommersant. Những năm gần đây, Trung Quốc tích cực đầu tư vào Tajikistan, Dushanbe nhận được gần 1 tỉ USD tín dụng, chỉ riêng việc nâng cấp và xây mới đường sá đã tốn 250 triệu USD.
Vùng núi Pamirs của Tajikistan tiếp giáp với Trung Quốc - Ảnh: The Institute of Ismaili Studies |
BBC cho biết qua nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học, vùng lãnh thổ tranh cãi này (phía đông Pamirs) chứa một trữ lượng lớn gồm 17 loại khoáng sản thiết yếu.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Tajikistan Sodi Sabdolov nói việc thông qua nghị quyết “đặt dấu chấm hết cho tranh cãi gần 130 năm với Trung Quốc”. “Chúng ta không thể để tranh chấp này cho con cháu giải quyết” - ông kết luận.
Một số chuyên gia của Nga nhận định thỏa thuận biên giới với Trung Quốc phần nào cũng có lợi cho Tajikistan. “Nhận được đất đai, Trung Quốc đền bù cho Dushanbe bằng các dự án đầu tư lớn, điều tương tự cũng xảy ra với Kyrgyzstan” - chuyên gia trung tâm Karnegi Aleksey Malasenko nói. Ngoài ra, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng tranh chấp biên giới với Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều rắc rối cho các nước láng giềng trong tương lai, nhất là một quốc gia nhỏ như Tajikistan. Suy cho cùng, báo Kommersant kết luận, trong hiệp ước biên giới với Trung Quốc năm 2005, Nga cũng nhường một phần đất của mình vì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.
MỸ LOAN - MINH TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét