Chống ma túy tại Mexico: Một cuộc chiến đẫm máu

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 14/01/2011, 06:59 (GMT+7)

Chống ma túy tại Mexico: Một cuộc chiến đẫm máu

TT - Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico chưa bao giờ hạ nhiệt, thậm chí đang trở nên đẫm máu với hàng loạt vụ giết người man rợ. Người dân nếu không đủ giàu để trang bị những thứ xa xỉ như áo giáp và xe chống đạn chỉ còn nước dắt nhau bỏ xứ.

Một người đàn ông gục đầu bên thi thể người thân được phát hiện trên tuyến đường tại bang Acapulco, ngày 9-1 - Ảnh: AFP

Cảnh sát bang Guerrero ngày 11-1 cho biết thi thể một người đàn ông với nhiều phát đạn găm vào đầu đã được tìm thấy trên một con đường chính dẫn vào thành phố nghỉ dưỡng Acapulco. Nạn nhân này đã nâng tổng số người thiệt mạng tại thành phố này trong bốn ngày cuối tuần trước lên 31, trong đó có hai cảnh sát. 15 thi thể không đầu bị vứt bên ngoài một trung tâm mua sắm của thành phố, còn đầu của họ được vứt gần đó kèm theo thông điệp: đây là hành động của “thuộc hạ El Chapo”, mà nhiều khả năng chính là Joaquin “El Chapo” Guzman - thủ lĩnh băng Sinaloa.

Đây là vụ nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008 khi 12 người bị chặt đầu tại thành phố Merida, bang Yucatan.

Hôm 11-1, thị trưởng thị trấn miền trung Temoac (bang Morelos) Abraham Ortiz Rosales cũng bị bắn chết cùng vợ và con, chỉ vài tháng sau khi bị đe dọa. Ông là thị trưởng thứ 15 bị sát hại trong vòng một năm qua.

Theo số liệu mới nhất ngày 12-1 của Chính phủ Mexico, hơn 34.600 người thiệt mạng kể từ cuối năm 2006 khi Tổng thống Felipe Calderon phát động cuộc chiến chống các băng đảng ma túy. Năm 2010 đã trở thành năm đẫm máu nhất trong bốn năm qua với hơn 15.270 người chết, tăng cao so với con số 9.600 người của năm 2009. Năm 2010 đã biến Mexico thành một trong những quốc gia bạo lực nhất thế giới.

Sự gia tăng bạo lực đã làm lung lay niềm tin của người dân vào chính phủ. Một khảo sát khác cho thấy hơn 54% người dân cho rằng bạo lực sẽ giảm nếu chính phủ thỏa thuận với các trùm băng đảng. Dù vậy, chính phủ vẫn cố trấn an dân chúng. “Tôi tin rằng nếu chúng ta không hành động, bọn tội phạm đã chiếm được nhiều lãnh địa hơn và xâm nhập vào các vị trí quyền lực cao nhất” - tổng thống Felipe Calderon khẳng định sau khi tổng kết năm 2010 được công bố.

Trong bối cảnh đó, người dân không còn cách nào hơn là phải tự bảo vệ mình. Các loại thiết bị như áo giáp và xe chống đạn là những mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất với doanh số bán tăng mạnh. Hiệp hội Xe chống đạn Mexico cho biết gần 2.000 xe loại này đã được bán ra trong năm 2010, tăng 20%. “Nó đang trở thành một hiện tượng. Khi nhà nước không thể làm tròn chức năng, người dân phải tìm sự lựa chọn khác cho mình” - Adalberto Santana, một chuyên gia về các băng đảng ma túy tại Mỹ Latin, nhận xét. Nếu không đủ tài chính cho xe chống đạn, giá hơn 120.000 USD/chiếc, những người thuộc lớp trung lưu có thể chọn những loại hình bảo vệ rẻ hơn như áo chống đạn có giá từ vài trăm đến vài ngàn USD.

Nhưng cũng không ít người lựa chọn cách rời bỏ nơi mình sinh sống. Năm ngoái khoảng 200.000 người đã di tản khỏi “thành phố ám sát” Juarez, nơi có 1,5 triệu dân song có đến hơn 3.000 người bị ám sát trong các cuộc tranh chấp giữa băng Sinaloa và Juarez. “Rất nhiều người lo sợ. Dù chưa từng gặp chuyện gì xấu, họ không muốn mình trở thành nạn nhân tiếp theo, vì thế họ trốn chạy. Thành phố này đang chết, nó đã ngoài tầm kiểm soát”, một người dân Juarez hiện đã chuyển đến thành phố El Paso cho biết.

Cuộc chiến ma túy cũng đang ảnh hưởng nặng nề lên sự phát triển kinh tế và đầu tư của Mexico, đặc biệt tại Monterrey, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty lớn nhất Mexico. “Làn sóng bạo lực đang làm mục nát niềm tin, các hoạt động thương mại, bán lẻ, và có thể đè nặng lên đầu tư và viễn cảnh kinh tế”, lãnh đạo Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch tại Mỹ Latin Shelly Shetty nhận xét.

TRẦN PHƯƠNG (Theo AFP, Reuters, Daily Mail, Washington Post)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét