> Bí ẩn hơn 1.000 con chim chết rơi xuống
> Bang thứ 2 tại Mỹ phát hiện chim chết hàng loạt
> Nạn chim chết hàng loạt xuất hiện ở Ý
TP - Các nhà khoa học thế giới đang nỗ lực giải mã hiện tượng động vật chết hàng loạt. Nhiều lý do được đưa ra, trong đó có bệnh dịch, ô nhiễm, bắn pháo hoa, sóng điện thoại, và cả những nguyên nhân bí ẩn chưa có lời giải…
Arkansa (Mỹ) vừa hứng trận mưa chim chết.
Ảnh: Internet.
Mưa chim chết
Thế giới vừa chứng kiến một trận mưa chim chết đổ xuống Arkansa (Mỹ) nhân dịp năm mới. Trước đó không lâu, triệu tấn cá chết ở vịnh Chesapeake, 150 tấn cá rô phi đỏ ở Việt Nam, 40.000 con cua ở Anh và nhiều nơi khác trên thế giới cũng chết hàng loạt. Nhiều người cho rằng đó thực sự là dấu hiệu tồi tệ, một “điềm gở” của thảm họa môi trường.
Từ năm 1970, Trung tâm Y tế động vật hoang dã quốc gia của Mỹ đã theo dõi những vụ chết hàng loạt của chim, cá và các sinh vật khác. Nguyên nhân đôi khi do dịch bệnh, đôi khi do ô nhiễm. Có lúc là do một nguyên nhân bí ẩn nào đó.
Cách đây 8 tháng, các nhà khoa học Mỹ ghi nhận 95 trường hợp động vật chết hàng loạt ở Bắc Mỹ. Danh sách gồm 900 con gà trống có vẻ như chết vì đói hoặc chết đuối ở Florida; 4.300 con vịt chết do ký sinh trùng ở Minnesota; 1.500 con kỳ nhông chết do virus ở Idaho; 2.000 con dơi chết vì bệnh dại ở Texas và 2.750 con chim chết bí ẩn ở California. Lâu hơn nữa, năm 1996, hai vụ xảy ra ở Canada với khoảng hơn 100.000 con vịt chết do ngộ độc. Trung bình, có 163 vụ chết hàng loạt như vậy được báo cáo tới chính phủ liên bang mỗi năm.
Theo các nhà nghiên cứu về chim, thời tiết lạnh và ẩm như ở Arkansas dịp năm mới vừa qua có liên quan tới vụ chim chết hàng loạt. Ô nhiễm, ký sinh trùng và các bệnh khác cũng có thể là nguyên nhân. Thậm chí chim chết còn có thể do pháo hoa chào năm mới.
Sự thổi phồng của Internet?
Các nhà khoa học cũng đổ lỗi cho sự phát triển của công nghệ gây ra các vụ động vật chết hàng loạt, trong đó có sự phát triển của internet, điện thoại di động, liên lạc trực tuyến khắp thế giới. Trong khi trên các trang blog bắt đầu ì xèo về một “điềm gở”, các nhà sinh vật học cho rằng, thực tế những vụ chết hàng loạt như vậy vẫn luôn xảy ra, và thường không liên quan với nhau.
Hồ sơ liên bang của Mỹ chỉ ra rằng chúng thường xảy ra mỗi ngày ở một nơi nào đó khu vực Bắc Mỹ. Thông thường, người ta không chú ý tới chúng và cũng không cố gắng xâu chuỗi sự việc với nhau.
Chỉ một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể chụp ảnh, quay phim các vụ động vật chết hàng loạt và tải chúng lên internet. Các nhà khoa học cho rằng, điều này dẫn tới cách hiểu sai lệch về tình hình môi trường hiện nay.
“Không phải lo lắng. Đây không phải điềm báo là thế giới sắp đến ngày tận thế” - Wilson, một nhà sinh vật học nổi tiếng của Mỹ, cho biết. “Các vụ chết hàng loạt thường xảy ra ở những loài động vật có số lượng đông. Tuy nhiên, nó lại thu hút sự chú ý của dư luận hơn những vụ tuyệt chủng hàng loạt của hàng ngàn loài quý hiếm khác nhưng tốc độ chậm hơn” - Wilson nói.
Mỹ Hằng
Theo AP
Dantri.com.vn:
Vào đêm cuối cùng của năm cũ bước sang năm mới 2011, hàng nghìn con chim két cánh đỏ đã “mưa” xuống từ bầu trời tại bang Arkansas của Mỹ. Hiện tượng tương tự đã xảy ra tại Louisiana 2 ngày sau đó, với số lượng chim chết là 500 con. Các nhà khoa học đã loại trừ khả năng chúng bị bệnh hoặc bị nhiễm độc và cho rằng chim chết với số lượng lớn có thể do sợ hãi vì tiếng pháo hoa hoặc hậu quả của một vụ va chạm mạnh trên không.
Hiện tượng ong mật chết hàng loạt bắt đầu tại Mỹ năm 2006. Rất nhiều ong đã chết không rõ nguyên nhân và các nhà khoa học gọi đây là “hiện tượng chết theo đàn”. Theo Sở nông nghiệp, tỷ lệ ong chết theo bầy đàn tại Mỹ năm 2009 là 29% và tăng lên 34% năm 2010. Mặc dù nhiều lý giải đã được đưa ra như ong bị nấm, nhiễm thuốc trừ sâu, thay đổi khí hậu, nhưng không ai biết chính xác tại sao chúng chết. Tuy nhiên, không chỉ ong mật mà một nghiên cứu gần đây của Đại học Illinois đã chỉ ra rằng 4 loài ong nghệ phổ biến cũng giảm hơn 90% số lượng trong 20 năm qua.
Một bệnh nấm bí ẩn đã giết chết nhiều con dơi trên khắp nước Mỹ kể từ khi những trường hợp đầu tiên được thông báo tại New York năm 2006. Hơn 1 triệu con dơi đã chết tại 14 bang của Mỹ và 2 tỉnh ở Canada với triệu chứng mũi trắng. Các ủy ban bảo vệ động vật trên khắp cả nước đã yêu cầu đóng cửa hàng trăm hang động và các mỏ bị bỏ không cho tới khi căn bệnh được xác định và có phương pháp điều trị.
Chỉ trong 2 tháng của năm 2009, hàng triệu con cá mòi, hàng nghìn chim hồng hạc, hàng trăm chim cánh cụt và gần 60 con bồ nông đã chết trong các trường hợp riêng rẽ. Đầu tiên là chim cánh cụt, khi khoảng 1.200 con được phát hiện chết vào cuối tháng 3 ở miền nam Chile. Tiếp đến, vào tháng 4, hàng triệu con cá mòi trôi dạt vào bờ biển miền nam. Sau đó hàng nghìn con chim hồng hạc bỏ tổ ở phía bắc Chile, khiến 2.000 con chim non bị chết. Cuối cùng là gần 60 con chim bồ nông chết ở bờ biển miền trung quốc gia Nam Mỹ. Không ai giải thích được nguyên nhân chính xác các loài động vật chết. Một số người đặt ra các giả thuyết như thay đổi khí hậu, đánh bắt quá nhiều, ô nhiễm hoặc bị bệnh nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng mùa hè năm 2009 cực nóng và khô tại Chile là nguyên nhân.
Vào cuối năm 2008, 60 con cá voi hoa tiêu đã chết dọc bờ biển trên đảo Tasmania, Australia. Khoảng 1 tuần sau đó, 150 con cá voi hoa tiêu vây dài cũng chết tại khu vực. Sau đó vào đầu tháng 1/2009, 45 con cá voi chết do bị mắc kẹt ở bờ biển Tasmanian. Và cuối cùng là 194 con cá voi hoa tiêu và một loạt cá heo đã bị mắc kẹt tại cùng khu vực vào tháng 3/2009. Khi các quan chức tới hiện trường, 140 con đã chết và họ đã cố gắng cứu sống 54 con. Các nhà khoa học không thể lý giải được tại sao nhiều vụ mắc kẹt như vậy xảy ra trên đảo Tasmania.
Năm 2004, khoảng 300 con hà mã tại công viên quốc gia Nữ hoàng Elizabeth ở Uganda đã chết sau khi uống phải nước nhiễm vi khuẩn bệnh than. Các chuyên gia cho rằng đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra một vụ động vật chết hàng loạt khác vào tháng 6/2010 khi 82 con hà mã và 9 con trâu chết sau khi uống nước kênh Kazinga, thông với Hồ Edward và Hồ George trong công viên quốc gia Nữ hoàng Elizabeth.
Hàng trăm con bồ nông được phát hiện đã chết từ Oregon tới Mexico hồi năm 2009 mà không ai biết tại sao. Chúng đâm phải ô tô và thuyền hoặc bị các phương tiện cán phải. Các quan chức cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này có thể do chúng bị mắc một căn bệnh gây ra do vi rút hoặc các chất ô nhiễm trôi xuống biển sau các vụ cháy rừng ở nam California gây ra. Một giả thuyết khác là do thời tiết thay đổi đã làm ảnh hưởng tới thói quen tìm mồi của chúng.
Hàng trăm con rùa biển đã chết thuộc vài loài rùa biển bị nguy hiểm đã trôi dạt vào bờ biển El Salvador tháng 1/12006. Ban đầu các nhà khoa học không giải thích được nguyên nhân cái chết của chúng. Sau đó Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã cho hay chúng chết vì thủy triều đỏ và tảo độc hại nở hoa, vốn từng làm rùa biển chết hàng loạt trước đó.
An BìnhTheo Time
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét