Quan hệ quân sự Trung-Mỹ, một năm sau thời kỳ “trăng mật”

Thế giới - Dân trí:
Thứ Hai, 10/01/2011 - 18:15

(Dân trí) - Những phỏng đoán lại rộ lên quanh mối quan hệ quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, một năm sau khi kỳ trăng mật của quan hệ Mỹ-Trung dường như đã chấm dứt do loan báo của chính quyền Obama bán gói vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Đài Loan.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở Bắc Kinh trong sứ mệnh hâm nóng mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung
Từ mối quan hệ “tan vỡ”

Hy vọng đạt được "mối quan hệ đối tác chiến lược" với Trung Quốc trước đây của Tổng thống Obama được báo giới kết luận trong ba từ “đã tan vỡ”, sau khi chính quyền Obama thông báo tại Quốc hội ý định bán gói vũ khí trị giá nhiều tỷ USD cho Đài Loan khiến cuối tháng 1/2010, Bắc Kinh tuyên bố cắt đứt liên lạc quân sự với Washington.

Trong cả năm qua, các cuộc trao đổi và tư vấn song phương vẫn được tiếp tục bất chấp những mâu thuẫn và khó khăn mà Lầu Năm Góc và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thừa nhận khó có thể giải quyết được. Bắc Kinh đã bác đề nghị tới thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates. Tướng Mã Tiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng PLA thừa nhận rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, các hoạt động diễn tập quân sự thường xuyên của Mỹ ở gần lãnh hải và không phận Trung Quốc, các đạo luật của Mỹ... là trở ngại chính cho sự phát triển ổn định quan hệ quân sự giữa hai nước.

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên như một "chảo lửa", Mỹ-Hàn đã tiến hành một loạt cuộc tập trận chung. Vào tháng 12/2009, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của khoảng 44.500 quân, 60 tàu chiến và 400 máy bay chiến đấu của hai bên. Quân số tham gia tập trận nhiều gấp 6 lần so với cuộc tập trận chung trước đó giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Cùng thời điểm này, Mỹ đã quyết định điều 3 cụm tàu sân bay đến khu vực Đông Bắc Á trong động thái mà giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Washington muốn tăng cường uy hiếp quân sự. Với sự hiện diện của ba cụm tàu sân bay cộng với lực lượng đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã có hơn 400 máy bay chiến đấu ở Đông Bắc Á. Đây là một phần trong sự điều chỉnh tổng thể bố trí lực lượng của quân đội Mỹ, theo kế hoạch sẽ có tới 6 cụm tàu sân bay tập trung tại châu Á- Thái Bình Dương.

Như vậy, quan hệ Trung-Mỹ bị kéo căng bởi tình hình trên bán đảo Triều Tiên - với Mỹ và Nhật Bản ủng hộ Hàn Quốc trong khi Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên - và trong cả những diễn biến quan trọng khác tại khu vực như về vấn đề tranh chấp trên Hoàng Hải, Biển Đông... Mùa Hè năm ngoái, Bắc Kinh đã công khai phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các nước đồng minh ở Hoàng Hải bởi sự khu vực này kề cận với vùng lãnh hải của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc, những cuộc tập trận này có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc.

Trước chuyến đi của ông chủ Lầu Năm Góc

Mấy ngày gần đây, người ta đã thấy tại một phi trường ở Thành Đô (Tứ Xuyên – Trung Quốc) sự xuất hiện của J-20, loại tiêm kích tàng hình được ví có thể sánh với F-22 của Mỹ. Như vậy, sau nhiều năm nghiên cứu chế tạo bí mật, chiếc J-20 đầu tiên đã sẵn sàng cho việc bay thử, cho dù mới chỉ là những tiết lộ ban đầu song nó lại được loan báo rộng rãi và hết sức công khai. Giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên Trung Quốc công khai loại máy bay chiến đấu thế hệ mới mà theo dự kiến của giới phân tích quân sự phương Tây thì phải đến năm 2020 Trung Quốc mới có thể tự chế tạo.

Ngoài máy bay chiến đấu tàng hình J-20, dư luận báo chí còn loan tin Trung Quốc đang cải tạo chiếc tàu sân bay Varyag từ thời Liên Xô trước đây và dự kiến công việc sẽ hoàn tất trong năm 2012. Hàng loạt bài báo cho thấy có ít nhất một chiếc tàu sân bay do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo đang được sản xuất trên biển. Mặc dù năm 2006, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này song các quan chức cấp cao nước này gần đây lại nói nhiều đến mục tiêu sớm có được một tàu sân bay cỡ lớn. Bên cạnh đó, hệ thống tên lửa đạn đạo được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc dường như cũng sắp được lắp đặt.

Quan chức tình báo hải quân Mỹ David J.Dorsett cho rằng Mỹ không nên quá phóng đại thực lực quân sự của Trung Quốc. “Trung Quốc không có hệ thống sử dụng cùng lúc một cách hiệu quả các loại vũ khí khác nhau. Cho dù Trung Quốc đang phát triển một số vũ khí với tốc độ nhanh hơn Mỹ dự kiến, song vẫn chưa thấy Trung Quốc bố trí hải quân lớn, tiến hành diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn hay tiến hành bất cứ cuộc chiến tranh thực nào hiệu quả”, ông này nói. Nhưng rõ ràng có thể thấy quan điểm quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực và sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang khiến Mỹ đau đầu.

Chuyên viên Vadim Kozyulin thuộc Viện các vấn đề địa chính trị Nga cho rằng đường lối chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là giành ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực quân sự. Kể từ sau sự kiện tàu Cheonan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hình thành một trận tuyến thống nhất, không ngừng tiến hành các cuộc tập trận mang tính uy hiếp tại Đông Hải và Hoàng Hải. Có ý kiến chuyên gia nhận định các cuộc tập trận giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc muốn phát đi một thông điệp rằng ba nước này đã hình thành một mối quan hệ “tam giác thép”, Mỹ sẽ không bao giờ “vắng mặt” trong các sự vụ của châu Á. Theo Tướng Từ Quang Dục, nghiên cứu viên quân sự cao cấp của Bắc Kinh, các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật là sự tiếp nối của chính sách ngoại giao pháo hạm mới của Mỹ trong thế kỷ 21 này. Các cuộc tập trận không ngừng khiến cho tình hình khu vực Đông Bắc Á trở nên hết sức căng thẳng, đồng thời cũng tác động mạnh đến thần kinh của Trung Quốc.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung

Tháng 12 năm ngoái, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Tướng Mã Hiểu Thiên, đã có chuyến công du tới Mỹ, thăm Lầu Năm Góc để nghe giới thiệu về vũ khí nguyên tử, tên lửa đạn đạo và chương trình không gian của Mỹ. Theo bình luận báo giới Mỹ, Washington “đã ngầm thừa nhận rằng Trung Quốc quá mạnh để có thể kiềm tỏa trong một trật tự châu Á-Thái Bình Dương”. Việc đưa Trung Quốc cùng tham gia các vấn đề toàn cầu và chia sẻ quan ngại cả về thương mại, nhất là về tỷ giá đồng Nhân dân tệ, được cho là cách làm việc khôn ngoan hơn trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama đang phải đối mặt với những thách thức nội bộ trong năm nay.

Vào những ngày này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở Bắc Kinh trong sứ mệnh quan trọng là hâm nóng lại mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung, vốn đang trong giai đoạn được coi là tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hai bên sẽ nối lại hội đàm quân sự cấp cao nhằm tạo niềm tin và giảm thiểu những ngờ vực giữa hai bên, nhất là khi cả Mỹ và Trung Quốc cùng muốn kiềm chế căng thẳng ở Đông Bắc Á. Trong cuộc gặp sáng 10/1 tại trụ sở Quân ủy Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cho rằng quan hệ quân sự phát triển mạnh và ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc cần phải có những nỗ lực chung nhằm giải quyết các bất đồng. Phía mình, ông Gates cũng cam kết thực hiện mọi điều có thể trong quyền hạn của mình nhằm đạt được các mục tiêu trong quan hệ giữa hai quân đội, đồng thời cho rằng những bất đồng tốt nhất nên được giải quyết thông qua đối thoại và minh bạch hóa.

Một số học giả Trung Quốc tỏ ra thận trọng, cho rằng không nên hy vọng chuyến thăm này sẽ mang lại sự cải thiện lớn trong quan hệ quân sự Trung – Mỹ khi cho rằng xét về cơ bản, quan hệ quân sự Trung – Mỹ phát triển như thế nào vẫn được quyết định bởi sự phát triển tổng thể quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, không ít dư luận quốc tế đánh giá cao chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, cho rằng cho dù không thể tạo ra sự đột phá về chất nào trong việc giải quyết các khúc mắc giữa hai bên, song hai bên có thể thông qua việc trao đổi ý kiến để hiểu nhau hơn một bước, tránh có những phán đoán sai lệch về nhau trước chuyến thăm Mỹ dự kiến của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào ngày 19/1 tới - đang được xem là chuyến công du cấp nhà nước quan trọng nhất trong 30 năm qua.

Nguyễn Viết
Tổng hợp


Trước cuộc đại mặc cả Trung - Mỹ

Những ai quan tâm đến thời cuộc chắc đều mong WikiLeaks sớm công bố những cuộc thảo luận giữa các đoàn tiền trạm Trung Quốc và Mỹ đã/đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của ông Hồ Cẩm Đào sang Mỹ vào 19/1 tới, đặc biệt là những đổi chác chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.

Ít nhất có ba đoàn lớn đều được đánh giá là để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của chủ tịch Hồ Cẩm Đào sang Mỹ lần đầu tiên kể từ 2006, cho dù các lãnh đạo Trung - Mỹ vẫn thường gặp nhau bên lề các cuộc ngoại giao đa phương.

Đoàn liên ngành do phó ngoại trưởng James Steinberg dẫn đầu sang TQ hồi cuối năm, đoàn của ngoại trưởng Dương Khiết Trì vừa rời Mỹ những ngày này và đoàn của bộ trưởng quốc phòng Robert Gates hiện đang đàm phán tại Bắc Kinh.

Không khí phấn khích của các hoạt động tiền trạm cho chuyến thăm cấp cao bao trùm giới quan sát quốc tế. Đây không chỉ là mối bang giao quan trọng nhất thế kỷ 21, mà còn là cặp quan hệ vừa cộng sinh vừa đối kháng đầy những nghịch lý.

Và điều thiết yếu hơn, sự tương tác Trung-Mỹ lần này này không chỉ quyết định phương hướng quan hệ giữa hai cường quốc có trách nhiệm hàng đầu đối với hòa bình và thịnh vượng trong hàng thập kỷ tới mà còn thiết kế lên diện mạo của thế giới tương lai.

Một chút ôn cố tri tân

Trong chính trị quốc tế, khi các đại cường chuyển dịch một gót chân cũng đủ để các nước nhỏ phải chạy việt dã hàng chục năm trời mà nhiều khi vẫn bở hơi tai trong việc thích nghi với môi trường chiến lược trên toàn cầu, đặc biệt là trong khu vực phát sinh do/hoặc nhờ vào chính sự chuyển dịch ấy!

Chuyến công du sang Mỹ của ông Đặng Tiểu Bình ba mươi năm về trước vẫn là một sự nhắc nhở còn nguyên vẹn tính thời sự và tính bất ngờ đối với các nước "vùng ven" do sự bắt tay hay thuyên giảm hiềm khích Mỹ-Trung gây ra.

Để có được chuyến thăm lịch sử đó, Mỹ và Trung Quốc đã trải qua gần 7 năm đàm phán và xây dựng quan hệ (từ 1972 đến 1979). Từ nền ngoại giao bóng bàn, thông qua các cuộc đàm phán bí mật giữa Kissinger và Chu Ân Lai, ký và triển khai Thông cáo chung Thượng Hải...

Sự nỗ lực của các chiến lược gia và các nhà thương thuyết của cả hai bên được đền đáp. Trung Quốc ly khai hoàn toàn khỏi khối Xô-viết, vượt thoát sự kiềm tỏa của Liên Xô, bắt tay với Mỹ và phương Tây để đảm bảo an toàn cho bước ngoặt lịch sử của sự chuyển hướng chiến lược: kích hoạt sự nghiệp 4 hiện đại hóa.

Sử quan hệ quốc tế không thể bỏ qua một chương cực kỳ có ý nghĩa trong giai đoạn này đối với mỗi người Việt Nam yêu nước và có lòng tự tôn. Đó là liều vắc- xin cuối cùng, tháng 2/1979 khi TQ muốn thử phản ứng của Liên Xô sau Hiệp định hợp tác Việt-Xô để có thể bắt đầu 4 hiện đại hóa, như chính sự thừa nhận của tướng hai sao Lưu Á Châu.


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Những tranh chấp Trung-Mỹ hiện nay

Chính trị quốc tế hiếm có chuyện hai lần tắm trên một dòng sông.

Chiến tranh lạnh đã lùi xa hàng thập kỷ nhưng các mối quan hệ quốc tế hiện nay vẫn phức tạp hơn bao giờ hết. Những gì xẩy ra hai năm gần đây ở ĐNÁ và châu Á-Thái Bình Dương cho thấy các mâu thuẫn địa-chiến lược trên Biển Đông và ở các khu vực Đông Hải, Hoàng Hải sẽ là điểm nóng trong nghị trình cấp cao.

Trung-Mỹ tuy đã xây dựng được các mối bang giao trưởng thành, nhưng mấy năm trở lại đây lại đang lâm vào tình trạng ngày càng bất tín nhiệm nhau. Ngay đến cựu ngoại trưởng Kissinger cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ giới lãnh đạo Mỹ-Trung trong vòng thập niên tới đang gieo nền móng cho sự thù nghịch đáng ngại.

Tờ "The Economist" trong số mới nhất còn cảnh báo thêm rằng, hiện không có nơi nào trên thế giới diễn ra sự kình địch manh nha nhưng gay gắt như giữa quân lực Hoa Kỳ và quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang được nhanh chóng hiện đại hóa.

Cụ thể hơn, một trong những mối quan ngại của thế giới và khu vực hiện nay là Trung Quốc dường như ngày càng ráo riết hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là tăng cường lực lượng hải quân ở Biển Đông và có các hành động mạnh bạo: từ uy hiếp, bắt bớ ngư dân đến các cuộc tập trận với quy mô lớn chưa từng có.

Trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ có lưu ý rằng tư duy quân sự của Bắc Kinh hiện đã thay đổi cơ bản. Trước đây, TQ chú trọng đến chủ quyền trên đất liền và hàm ý rằng PLA chỉ bám theo vùng biên giới. Giờ đây, Trung Nam Hải nhấn mạnh phải bảo vệ điều mà Bắc Kinh cho là quyền lợi của TQ ở khắp hoàn cầu.

Ngoài các hồ sơ về kinh tế, thương mại, đặc biệt là vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ, vấn đề an ninh quốc phòng sẽ chiếm một thời lượng lớn trong các cuộc thương thuyết. Thật ra không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác cũng quan tâm đến chương trình hiện đại hóa quân đội của PLA.

Mỹ muốn TQ minh bạch hơn trong vấn đề này và cần đến sự hợp tác của TQ để giải quyết một số vấn đề lớn trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác Mỹ cũng lo rằng TQ là nước có thể thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ.

Trong tư duy chiến lược, TQ xem Mỹ như một siêu cường đang đi xuống và ra sức ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Mỹ ngược lại lo ngại tinh thần dân tộc quá khích ở TQ, nhất là giờ đây TQ đã đạt được một vị thế đáng nể về kinh tế lẫn quân sự.

Thái độ đối với Biển Đông

Vấn đề đặt ra là trong tất cả những tranh chấp nói trên thì mâu thuẫn xem chừng ngày càng sâu sắc giữa "lợi ích cốt lõi" của TQ và "quyền lợi quốc gia" của Mỹ tại Biển Đông sẽ nằm ở đâu trên giải tần cạnh tranh rộng lớn giữa hai đại cường?

Theo một số quan sát viên thì nước Mỹ lưỡng lự hay suy yếu có thể dẫn tới tình trạng bất ổn định lâu dài ở ĐNÁ. Tình hình có thể đe dọa các hoạt động thương mại lâu nay mà sự phồn vinh cũng như nhiều quyền lợi khác của nước Mỹ trông cậy vào đó. Vì vậy, Mỹ cần duy trì vị thế và chiến lược nhất quán ở Biển Đông.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason (Mỹ) nhìn nhận mâu thuẫn Mỹ-Trung ảnh hưởng đến Biển Đông: Thứ nhất, mâu thuẫn đó làm cho tình hình trong toàn khu vực nóng lên; Thứ hai, do Mỹ can dự tích cực hơn vào khu vực nên các nước nhỏ ở ĐNÁ dám đề ra những chính sách để bảo vệ quyền lợi của mình.

Thứ ba, Trung Quốc tỏ thái độ hòa dịu, dù chỉ là tạm thời; Thứ tư, sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác ở ĐNÁ và cả toàn bộ châu Á chặt chẽ hơn, nhất là với các quốc gia trước đây có thái độ nước đôi như Nhật Bản và Ấn Độ.

Theo báo chí Anh, một số giới tại TQ tin rằng "Obama là một tổng thống yếu" và đây là cơ hội để giành lợi thế. Phía Mỹ đáp lại, nếu TQ tin như vậy thì đó sẽ là một sai lầm lớn. Liệu chủ tịch Hồ Cẩm Đào có dùng chuyến thăm này để "nắn gân" Mỹ hay hai bên sẽ có cách tiếp cận mới để xây dựng bộ khung cho quan hệ, trong đó có thỏa thuận về Biển Đông?

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì. Ảnh: Xinhua.

Đối sách trầm trầm mà cương quyết

Trước đến nay, trong một cục diện quốc tế nhiều khi "mạnh được yếu thua" vẫn có một số ít các quốc gia vừa và nhỏ tồn tại được do họ vốn là "vùng trái độn" hoặc "vùng quyền lợi sinh tử" mà không nước lớn nào dám lộng hành thôn tính.

Tuy nhiên, các nước "nhược tiểu" đó thường theo đuổi một chính sách đối ngoại cực kỳ nhạy bén, ít dính líu vào những tranh chấp quốc tế, ngoại trừ tranh chấp đó liên hệ đến sự tồn vong của đất nước.

Các nước đó, nhất là khi ở cạnh một nước lớn, luôn luôn có thái độ hòa hiếu. Khi bị bắt nạt thì phải cho cả thế giới thấy mình đang bị nước lớn đe dọa, ăn hiếp. Nhưng phải "lạt mềm buộc chặt". Càng mềm dẻo càng tốt. Mềm dẻo không đồng nghĩa với yếu hèn!

Ứng xử ngoại giao của nước nhỏ không thể cứ bị động mãi mỗi khi các nước lớn thay đổi chiến lược. Bởi vì cái giá giờ đây phải trả sẽ lớn hơn trước đây rất nhiều (nếu nước nhỏ lại "trái tim nhầm chỗ để trên đầu" như một số trường hợp). Bời vì vận mệnh của mọi quốc gia, dù lớn hay bé, từ nay đều được quyết định bởi sự phát triển vừa bền vững, vừa gia tốc trên các mặt kinh tế-xã hội-văn hóa.

Trầm mà cương quyết! Thuật ngữ mượn từ âm nhạc cổ điển này có thể nêu bật các đặc trưng cần có của "đa dạng hóa, đa phương hóa" từ các nền ngoại giao của các nước hoàn cảnh giống Việt Nam. Vấn đề giờ đây không chỉ là định hướng đúng mà còn "ăn nhau" ở tốc độ lấy quyết định nhanh. Và các quyết định đó phải đảm bảo "độ cân bằng động" và "sự kết nối" rộng lớn với các loại đối tác!

Với Bắc Kinh trước đây, ASEAN phải mất hơn chục năm trời mới nâng cấp quan hệ hai bên thành đối tác chiến lược. Với Washington, chỉ chưa đầy hai năm, chủ tịch CHXHCN Việt Nam và tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã đồng chủ trì Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ và khẳng định các bên sẽ sớm nâng quan hệ lên tầm chiến lược!

Và nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái, sau 15 năm hội nhập vào khu vực và thế giới, bang giao Việt Nam-Hoa Kỳ cũng đang đứng trước triển vọng sẽ sớm trở thành đối tác chiến lược của nhau, sau khi VN đã nâng cấp quan hệ với hầu hết các thành viên trong P5 lên tầm đối tác chiến lược.

Với tốc độ và chất lượng ngoại giao song phương và đa phương như vậy, thân phận các nước vừa và nhỏ như Việt Nam hy vọng sẽ không phải tắm lại lần thứ hai trên dòng sông định mệnh của nền chính trị cường quyền (power politics) vốn là hệ luận đặc trưng của sự tương tác giữa các nước lớn.

Hy vọng và mong lắm thay!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét