Mùa cất cánh đã trở lại?

Người mua 125 máy bay trong hai ngày 
 
24/07/2010 22:38 
Chân dung cha đẻ ngành cho thuê máy bay - Ảnh: Airline World
Vừa xuất hiện, ông đã đặt mua ngay 51 máy bay Airbus giá ngót nghét 4,4 tỉ USD. Hôm sau, ông lại tậu thêm 54 con chim sắt Boeing cực lớn, cũng với hơn 4 tỉ USD. Hầu như cùng lúc, ông quyết định chi thêm chừng 800 triệu USD để mua 20 máy bay Embraer. Đó là Steve Udvar-Hazy.
Mua máy bay như... mua rau
Các phi vụ mua bán chóng vánh kể trên diễn ra chỉ trong 2 ngày đầu tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough (FIA) ở Anh. “Ông ấy đặt bút ký sau một cái bắt tay”, John Leahy - Giám đốc bán hàng của Airbus hồ hởi khoe về vị khách sộp vừa mang lại đơn đặt hàng “khủng” cho hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới này.
Udvar-Hazy chính là khách hàng đơn lẻ vung tay mạnh nhất tại FIA, nơi quy tụ những ông sếp bự trong ngành hàng không, những đại gia máu mặt cho thuê máy bay, những quan chức tai to mặt lớn của các cường quốc đang muốn nâng cấp hệ thống phòng không... Nhưng không ai làm cho giới truyền thông phát sốt bằng Udvar-Hazy. Nhất cử nhất động cũng như từng lời nói của tỉ phú 64 tuổi này đều được theo dõi kỹ lưỡng.
Cơn say tậu máy bay của Udvar-Hazy chắc chắn không dừng lại ở con số kể trên. Air Lease Corp. - hãng cho thuê máy bay mới toanh của ông tỉ phú đã lên kế hoạch trong vòng 3 năm, phi đội bay Air Lease sẽ sở hữu không dưới 350 con chim sắt. Phong cách mua hàng của Udvar-Hazy cũng thuộc loại hiếm. Dù món hàng cần thương lượng là máy bay, với số lượng mấy chục chiếc một lần và lên tới bạc tỉ USD, Udvar-Hazy vẫn thường xuyên đi một mình, chẳng cần cố vấn nào bên cạnh, bởi ông rất rành rẽ thị trường hàng không. Hãng tin Reuters dẫn lời Tim Clark, Chủ tịch hãng hàng không Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất kể rằng Udvar-Hazy còn thường tự lái chiếc máy bay Gulstream V của mình để đi mua bán làm ăn.
Phi vụ lãi 8.667 lần

Cho dù có thành công ở thị trường tít tắp trên trời cao hay không thì Udvar-Hazy cũng vẫn là cái tên đã được ít nhất 7 triệu người biết đến khi họ đến thăm Trung tâm Steven F.Udvar-Hazy nằm ở bang Virginia (Mỹ). Trung tâm mang tên cha đẻ ngành cho thuê máy bay ra đời vào năm 2003, khởi nguồn từ món tiền 65 triệu USD của Udvar-Hazy tặng cho Bảo tàng hàng không và không gian quốc gia của Mỹ. Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy hiện là nơi đang trưng bày nhiều báu vật xuyên suốt lịch sử hàng không, trong đó có máy bay Dash 80 }của Boeing, Concorde, Straloliner... Tổng cộng, nơi đây đang triển lãm 163 máy bay, 154 món khảo cổ lớn và hơn 1.500 món khảo cổ nhỏ.
Udvar-Hazy là người Hungary di cư sang Mỹ từ năm 13 tuổi, lúc cậu hầu như chẳng biết chữ tiếng Anh nào. Cha là bác sĩ phẫu thuật, mẹ là nhà thiết kế thời trang, Udvar-Hazy đi theo con đường riêng của mình: học kinh tế tại trường Đại học California, Los Angeles. Không đợi được đến ngày tốt nghiệp, Udvar-Hazy đã thuyết phục 2 người Hungary khác để bắt đầu mở công ty chuyên về lĩnh vực cho thuê máy bay, đẻ ra một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ, mà có lẽ cha đẻ mặt còn non choẹt của nó lúc đó cũng không thể ngờ rằng có ngày nó trị giá đến 129 tỉ USD như hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ mới là lúc máy bay cho thuê đang chiếm khoảng 20% tổng số máy bay thương mại như hiện nay. Giới chuyên môn dự đoán trong tương lai không xa, tỷ lệ này có thể lên đến 50%.
Theo báo điện tử Airline World, vào năm 27 tuổi, với tài sản là tấm bằng đại học và vỏn vẹn 150.000 USD tiền tiết kiệm, Udvar-Hazy thành lập International Lease Finance Corparation (ILFC) cùng với 2 đồng hương Hungary kể trên. Họ đã vay đến 1,7 tỉ USD để cho ra đời ILFC với mục tiêu cho các hãng máy bay ít vốn thuê lại những con chim sắt hiện đại, đắt tiền mà họ không thể mua. Với chỉ một chiếc máy bay duy nhất là Douglas DC-8 vào lúc mới thành lập, ILFC - dưới sự lèo lái của Udvar-Hazy - đã có lúc sở hữu đến hơn 1.000 con chim sắt tung bay khắp thế giới, trở thành đối tác làm ăn của không chỉ những hãng hàng không nhỏ ít vốn mà cả những ông khổng lồ máu mặt trên bầu trời. Bản thân Udvar-Hazy thì sở hữu số tài sản lên đến 2,7 tỉ USD theo đánh giá của tạp chí Forbes.
Năm 1990, Udvar-Hazy bán lại ILFC cho Tập đoàn bảo hiểm AIG, bỏ túi 1,3 tỉ USD. Tính ra, Udvar-Hazy đã lãi gấp 8.667 lần so với vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, dù bán công ty nhưng ông vẫn giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành ILFC. Nhưng bão táp đã xảy ra khi cuộc khủng hoảng tài chính ập tới, làm AIG giãy chết và phải chìa tay xin gói cứu trợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ, lên đến gần 182 tỉ USD để được cứu mạng. AIG vào tay Chính phủ Mỹ và Udvar-Hazy không còn tự do tung hoành như trước nữa. Cách đây 6 tháng, cha đẻ ngành cho thuê máy bay rút hoàn toàn khỏi ILFC và tuyên bố nghỉ hưu ở tuổi 64. Nhưng chỉ được 2 tháng, hay chính xác hơn là 3 giờ đồng hồ. Tờ Los Angeles dẫn lời ông: “3 giờ sau khi nghỉ hưu, tôi chẳng nghỉ được nữa. Và tôi quyết định không nghỉ hưu”. Vậy là, Air Lease Corp ra đời cách đây 4 tháng, với mục đích thể hiện rõ trên cái tên của nó: Tập đoàn cho thuê máy bay. Trước đó, chẳng khó khăn gì, Udvar-Hazy đã huy động được 3,3 tỉ USD trong thời gian ngắn ngủi “mang thai” Air Lease Corp.
Thước đo thị trường
Sự kiện Udvar-Hazy “tái xuất giang hồ” khiến cả làng hàng không hồ hởi, không chỉ các công ty sản xuất máy bay, các hãng hàng không mà cả những đối thủ của Air Lease Corp.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Norm Liu, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của GE Capital Aviation Services, công ty cho thuê máy bay sừng sỏ thuộc Tập đoàn General Electric, nói về những đơn đặt hàng “khủng” của Udvar-Hazy: “Sự chọn lựa thời điểm trên thị trường để đặt hàng là điều bạn không thể mắc sai lầm và tôi hy vọng chắc chắn rằng anh ấy chính xác bởi vì chúng tôi cũng đặt hàng. Anh ấy là chuyên gia số 1 của ngành công nghiệp này”.
Khủng hoảng tài chính làm giảm tối đa nhu cầu đi lại bằng máy bay, làm các hãng hàng không chẳng thể vay được vốn từ ngân hàng, khiến cho ngành công nghiệp trên trời thất điên bát đảo với cú lỗ tròm trèm 19 tỉ USD trong 2 năm qua. Tro bụi từ núi lửa, đình công, khủng hoảng nợ… gần đây càng làm cho những con chim sắt buồn bã nằm dài lâu thêm trên mặt đất. Vậy mà bỗng dưng Udvar-Hazy, nhân vật từ lâu được mệnh danh là thước đo của thị trường hàng không, xuất hiện và nhanh như cắt quơ tay đặt mua một lúc hơn trăm chiếc máy bay. Nhìn vào giỏ hàng sau 2 ngày “shopping” của Udvar-Hazy, chắc chẳng mấy ai nhớ ra rằng chỉ mới hồi năm ngoái thôi, tại Triển lãm hàng không Paris ở Pháp, Udvar-Hazy lặn biệt tăm. Cả thị trường đang ế ẩm bỗng nhảy cẫng lên reo hò sung sướng: mùa cất cánh đã trở lại rồi, ở ngay trước mắt đó thôi!


Một cuộc bay biểu diễn của chiếc Airbus A400 tại FIA - Ảnh: Reuters

Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough (FIA) năm nay diễn ra từ 17-25.7. Đây là hội chợ hàng không hàng đầu thế giới, được tổ chức 2 năm một lần tại Anh. FIA là nơi “khoe sắc khoe tài” của đủ loại máy bay thuộc các nhà sản xuất khắp nơi trên thế giới, cả máy bay dân sự và quân sự. Tại đây, khách khứa tha hồ xuýt xoa trước những cuộc biểu diễn bay ngoạn mục của những máy bay dân sự tối tân nhất, những phi đội quân sự hiện đại nhất. Triển lãm quy tụ khoảng 1.400 công ty từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Ước tính có khoảng 180.000 lượt khách tham quan đã đến triển lãm, dù nó chỉ mở cửa rộng rãi cho công chúng 2 ngày cuối, còn 5 ngày đầu là dành cho các phi vụ mua bán.

Kiều Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét