Điều gì kéo Mỹ ra khỏi Libya?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :5:14 PM, 05/04/2011
Đất Việt - Thiếu kinh phí, chuẩn bị bầu cử Tổng thống Mỹ, quân đội Gaddafi vẫn áp đảo phe nổi dậy…tạo ra vô vàn khó khăn cho liên minh, buộc Mỹ phải cân nhắc rút lui.

Dù liên minh phương Tây ném bom Libya liên tục trong thời gian qua nhưng hiện họ vẫn chưa thể đè bẹp được quân đội Gaddafi.

Đô đốc Mike Mullen ước tính chiến dịch không kích của liên quân mới tiêu diệt 20% tới 25% lực lượng của ông Gaddafi.

Ông Mullen tuyên bố: “Chúng ta thu nhỏ đáng kể năng lực chiến đấu của quân đội Gaddafi. Tuy thế điều đó không có nghĩa là bẻ gãy được lực lượng của họ”.

Không kích không thu được kết quả như phương Tây mong muốn.

Trong khi đó, dù có sự ủng hộ, bảo vệ từ trên không của liên quân, lực lượng nổi dậy ở miền Đông vẫn yếu, nhất là về tổ chức.

Đã vậy, quân ủng hộ ông Gaddafi tiếp tục chiếm ưu thế về vũ trang, đặc biệt là xe tăng và pháo. Vì thế trừ phi đánh nhau trên sa mạc, quân nổi dậy có vẻ không thể tiến công các căn cứ của Chính phủ.

Ngoài ra, quân nổi dậy phần lớn không có kinh nghiệm tác chiến. Họ chủ yếu là những người tình nguyện, ít kinh nghiệm chiến đấu, chỉ có vũ khí hạng nhẹ và hầu như không được huấn luyện. Kết quả của sự chênh lệch là quân nổi dậy chưa thể địch lại quân Chính phủ.

Lực lượng này cần thời gian từ vài tháng, thậm chí vài năm huấn luyện mới có thể đánh bại lực lượng vũ trang trung thành với Gaddafi.

Tuy nhiên, thời gian hiện là thứ quá xa xỉ với phương Tây, những người chỉ muốn tốc chiến tốc thắng chứ không muốn lún “bãi lầy” mới trong bối cảnh Mỹ năm sau bầu Tổng thống.

Đô đốc Mike Mullen cho rằng, hỏa lực của quân Chính phủ Libya vẫn mạnh gấp 10 lần quân nổi dậy.

Đã không dư dả về thời gian, phương Tây còn thiếu kinh phí cho hoạt động quân sự với những nhiệm vụ vẫn bị coi là mơ hồ, mục tiêu chưa thật rõ ràng ở Libya; đặc biệt là với Mỹ, “nòng cốt” của liên minh.

Nhà nghiên cứu Evgeny Minchenko nhận định, Tổng thống Obama phải chứng tỏ là không đẩy Mỹ vào cuộc phiêu lưu quân sự tại một quốc gia Arab thứ ba, nhất là khi ông bắt đầu tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ II. Đó là còn chưa tính tới việc ông lo sợ Libya sẽ là “mồ chôn” thêm lính Mỹ. Do đó, rút lui kịp thời là một điều hợp lý.

Từ cuối tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo ngừng phóng tên lửa Tomahawk từ ngày 3/4, cũng như chấm dứt không kích các căn cứ và kho vũ khí của Gaddafi. Tuy nhiên, cuối cùng Mỹ lại hoãn quyết định này lại một ngày theo đề nghị của các nước đồng minh.

Tuy nhiên, "may mắn" cho liên minh là dù Mỹ từ chối ném bom, họ không rút hoàn toàn khỏi Libya. Ít nhất thì họ vẫn duy trì các điệp viên của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) duy trì liên lạc với phe đối lập.

Bên cạnh đó là một nhóm đặc nhiệm Mỹ tham gia huấn luyện cho quân nổi dậy tại các cơ sở bí mật ở sa mạc Libya...
Công tác huấn luyện rất mất thời gian.

Tình hình cũng tương tự với các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, chỉ có khác biệt lớn nhất ở vấn đề người tị nạn.

Hiện có rất nhiều người tị nạn đổ vào châu Âu sau những sự kiện gần đây ở Trung Đông và Bắc Phi (riêng từ Libya là khoảng 400.000 người).

Vì vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu có nhiều "lý do" hơn Mỹ để suy ngẫm mà điển hình là Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề với chính quyền Tunisia, nơi ông phải tức tốc bay đến vào hôm qua.

Nói cách khác, châu Âu đang không đủ sức “cáng đáng” lượng người tị nạn khổng lồ. Bế tắc ở Libya kéo dài nằm ngoài kịch bản của phương Tây nên hiện buộc các lãnh đạo châu Âu chạy tới chạy lui tìm kiếm thỏa hiệp.


Tóm lại, phương Tây sau khi tham gia vào cuộc phiêu lưu quân sự tại Libya, đang cố gắng tìm cách thoát khỏi tình trạng hiện nay trước khi quá muộn bởi thời gian qua đi là họ lại mất bớt "thiên thời, địa lợi và nhân hòa".

Chuyên gia phân tích về quốc phòng của National Journal là Chris Strolm đưa ra 5 lý do nên trang bị cho quân khởi nghĩa và 5 lý do không nên.

Năm lý do nên trang bị cho quân khởi nghĩa gồm:

1. Việc này sẽ làm cuộc chiến ở Libya cân bằng lại. Hiện phe đối lập vẫn đang yếu thế hơn so với lực lượng trung thành với Gaddafi.

2. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường ở Libya. Vì thế nếu việc này là cần thiết để bảo vệ dân thường thì nên làm.

3. Nó có thể giúp ngăn chặn ảnh hưởng của al Qaeda

4. Giúp bảo toàn sự ổn định của khu vực, tránh cho Libya (và khu vực) một cuộc nội chiến kéo dài.

5. Nếu Mỹ không làm thì các nước khác cũng có thể làm.

Năm lý do không nên trang bị cho quân khởi nghĩa bao gồm:

1. Phương Tây không biết rõ phe đối lập là ai và khuynh hướng chính trị của họ là gì.

2. Có lẽ không cần thiết phải trang bị cho họ mà phe đối lập vẫn thắng.

3. Có thể việc trang bị vũ khí là bất hợp pháp vì lệnh cấm vận vũ khí phải được áp dụng cho tất cả các phe phái ở Libya.

4. Nó có thể chọc vào "tổ ong vò vẽ", gây ra tình trạng phân cực và chia rẽ lực lượng đối lập, dẫn tới cuộc nội chiến toàn diện và sự lên ngôi của các nhóm nhỏ chủ trương thánh chiến.

5. Việc này có thể quá tốn kém cho nước Mỹ.

Theo ông Strolm, các lý do thuận và chống này ít nhiều đều có cơ sở. Nhưng lý do thứ 5 trong nhóm thuận, tưởng như không mấy quan trọng, lại là lý do chi phối nhất và gần như chắc chắn sẽ dẫn tới việc lực lượng đối lập ở Libya được trang bị vũ khí bởi:

Thứ nhất là gần như có sự đồng thuận quốc tế về việc Chính phủ Gaddafi gần như chắc chắn phải ra đi, vấn đề chỉ là thời gian và cách thức. Tấn công từ trên không có vẻ như chưa đủ.

Thứ hai là lợi ích của nước ngoài ở Libya gắn chặt với việc nước nào thân với phe nổi dậy hơn. Việc thân hay không thân liên quan đến việc các nước này có đóng góp bao nhiêu vào việc lật đổ Gaddafi. Trang bị vũ khí và huấn luyện quân nổi dậy là cách thiết thực nhất để tăng cường ảnh hưởng và chi phối khuynh hướng chính trị của lực lượng này.

Thứ ba là vì thực lực của nhóm thân Gaddafi không mạnh và bị tổn thất từ các đợt không kích. Vì thế, chi phí thực tế để bỏ ra cho việc trang bị vũ khí, khí tài, và huấn luyện phe khởi nghĩa cũng không quá lớn.

Như nhà phân tích Fareed Zakaria của CNN lập luận, Mỹ có nhiều bài học từ việc trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập ở Afghanistan, Trung Mỹ, và châu Phi. Các bài học quá khứ này cho thấy việc trang bị vũ khí trên thực tế là một chính sách tương đối rẻ tiền và có tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với can thiệp quân sự trực tiếp.

Hơn nữa, chỉ riêng động thái trang bị cũng có thể đủ để Gaddafi nhận thấy không cách gì chống lại được kho súng đạn vô tận của phương Tây và vì thế sẽ phải tìm đường rút lui.

Thứ tư là với chi phí không lớn, tỷ lệ thành công cao và phần thưởng về sau này từ việc có quan hệ tốt với chính quyền Libya hậu Gaddafi, sẽ có nhiều nước muốn thực hiện việc này. Điều đó tạo ra một cuộc chạy đua mà nước nào tiến hành trước và đàm phán thành công trước với phe đối lập sẽ dành phần thắng.

Cuộc đua này tất yếu dẫn tới việc sẽ có nước cung cấp vũ khí và đào tạo cho phe đối lập. Và việc này sẽ diễn ra nhanh, nếu không phải là bắt đầu.


>> Toàn cảnh Libya
Trần Lâm (theo Ruvr, BBC, NationInterest, CSM, Atimes, Foreign Policy, Aljazeera)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét