Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ Triều Tiên’

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :9:46 AM, 03/03/2011
Đất Việt - Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ Triều Tiên nhưng kêu gọi nước này thay đổi hành vi, coi đây là điều kiện tiên quyết cho việc cải thiện quan hệ song phương, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bosworth hôm qua khẳng định.

>> Mỹ: Triều Tiên sẽ không sụp đổ vì 'hương hoa nhài'

Ông Stephen Bosworth tuyên bố: “Chúng tôi không có chính sách thay đổi chế độ Triều Tiên nhưng việc họ thay đổi hành vi là điều cần thiết để đạt được bất kỳ sự tiến triển nào trong quan hệ”.

Ông Bosworth cũng trấn an Triều Tiên khi khẳng định, Bình Nhưỡng không có gì phải e ngại Washington rằng Mỹ sẽ có hành động gây tổn hại cho Triều Tiên.

Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ Triều Tiên, ông Stephen Bosworth khẳng định.

Về thông tin rằng Mỹ nên đợi Triều Tiên sụp đổ rồi mới có hành động cụ thể, ông Bosworth khẳng định: “Tôi không tin là Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ. Do đó, chúng tôi phải có các hành động cần thiết nếu có thể chứ không phải cứ ngồi yên mà đợi”.

Tương tự, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đánh giá thấp khả năng Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình và bạo động ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi vì Bình Nhưỡng hạn chế các thông tin từ nước ngoài.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry kêu gọi hai nước nên đối thoại và coi việc hai bên hợp tác chặt là sự lựa chọn tốt nhất cho cả hai.

Không đồng ý với ông John Kerry, ông Bosworth khẳng định rằng Nhà Trắng không muốn tiến hành đối thoại về tương tương lai các cuộc đàm phán và muốn Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân trước thì sau đó, hai bên mới nên đàm phán.

Về khả năng Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc, ông Bosworth khẳng định Nhà Trắng chưa tính tới việc này bởi Seoul hiện có đủ sức mạnh để răn đe Bình Nhưỡng.

Mỹ chưa muốn tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.

Có thể thấy, Mỹ đang theo đuổi chính sách hai mặt đối với Triều Tiên. Viện trợ, trên thực tế, chẳng khác gì củ cà-rốt “made in US” để gây sức ép, buộc Bình Nhưỡng xuống thang và ngồi vào bàn đàm phán giải quyết vụ chìm tàu Cheonan và pháo kích lên đảo Yeonpyeong, điều mà Triều Tiên không sẵn sàng.

Không những thế, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell nhấn mạnh, nếu Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ với Seoul, và chấp nhận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chấm dứt “các hành động khiêu khích”, thì Mỹ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ.

Nhưng đi cùng với “củ cà-rốt” không thể thiếu “cây gậy”, đó là các cuộc tập trận liên tiếp giữa Mỹ và đồng minh khu vực. Thông điệp của Washington là nếu bị Triều Tiên tấn công, Mỹ sẽ đánh đòn phủ đầu. Chính ông Kerry cũng thể hiện rõ cách tiếp cận hai mặt khi thẳng thừng cảnh báo: “Triều Tiên không nên có các hành động khiêu khích”.

Vấn đề đặt ra là tại sao vào thời điểm hiện nay, Mỹ “bỗng dưng” thúc đẩy chính sách hai mặt với Triều Tiên? Rõ ràng, làn sóng biểu tình, bạo động ở Trung Đông-Bắc Phi buộc Mỹ phải cân nhắc khả năng tái triển khai lực lượng nhằm đảm bảo lợi ích ở khu vực địa chiến lược này. Trong khi đó, bán đảo Triều Tiên không thể, và chưa bao giờ, là một điểm “nóng” bị lãng quên.

Vì thế, việc duy trì hiện trạng bán đảo Triều Tiên không quá “nóng” và không quá “lạnh” là ưu tiên hàng đầu của Mỹ để rảnh tay can dự vào Libya nếu cần. “Nóng” quá, Mỹ buộc phải dàn trải quá mỏng lực lượng. “Lạnh” quá, Đông Bắc Á dễ bị lãng quên.

Nam Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét