Tờ New York Times hôm qua đưa tin, Mỹ ủng hộ ông Saleh từ khi ông này bắt đầu lãnh đạo Yemen năm 1978. Và ngay cả khi ông bị nhiều nước chỉ trích là đàn áp các cuộc biểu tình hòa bình trong vài tháng qua thì Mỹ vẫn yên lặng.
Mỹ từ lâu cung cấp vũ khí, ngoại tệ…cho Yemen để đổi lấy việc nước này cho phép họ tấn công al Qaeda. Ảnh minh họa. |
Lập trường như trên của Mỹ bị nhiều người lên án gay gắt bởi họ cho rằng, Yemen cũng giống như Libya. Tuy nhiên, thái độ của Mỹ với hai Chính phủ lại hoàn toàn khác nhau.
Một nhà lãnh đạo đối lập tên Tawakul Karman tuyên bố: “Chúng tôi rất tức giận bởi tới giờ, Mỹ chẳng làm gì giống như ở Ai Cập. Ông Obama nói là đánh giá cao lòng dũng cảm và phẩm giá người dân Tunisia. Vậy mà ông ấy chẳng nói gì về người Yemen. Chúng tôi thấy mình bị phản bội”.
Một sinh viên tên Hamza Alkamaly chia sẻ: “Chúng tôi mất lòng tin vào Mỹ vì từng tưởng là họ sẽ giúp đỡ sau khi kêu gọi chúng tôi chiến đấu vì tự do”.
Làn sóng phản đối dâng cao. |
Tới tuần trước, nhiều nhà ngoại giao Mỹ bắt đầu tìm phương án để Tổng thống rút lui. Đồng thời, Mỹ cũng cân nhắc chuyển giao quyền lực của ông Saleh sang Chính phủ lâm thời do Phó tổng thống Abd al-Rab Mansur al-Hadi lãnh đạo cho tới khi Yemen bầu lại Tổng thống.
Ngược lại, hiện chưa rõ là ông Saleh có chịu ra đi hay không. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại ông dùng công quỹ để “mua chuộc” sự ủng hộ, lôi kéo nhiều người vào lực lượng ủng hộ mình, nhất là các lãnh đạo các bộ lạc.
Đơn cử như hồi tháng 2, ông cam kết giảm thuế thu nhập và nâng lương cho công chức và binh lính, sĩ quan…nhằm trấn an các lực lượng này.
Dù ông Saleh có ra đi và Yemen sẽ có tân Tổng thống, mục tiêu của Mỹ vẫn không đổi: duy trì Yemen là “cứ điểm” chống khủng bố, nhất là nhằm vào "chi nhánh" al Qaeda tại Yemen. |
Trong lúc Mỹ tìm "đường rút lui" cho ông Saleh, tình hình Yemen tiếp tục căng thẳng và theo một quan chức Mỹ giấu tên, các cuộc xung đột ngày càng lớn giữa người biểu tình và ông Saleh tác động tiêu cực tới an ninh toàn quốc.
Và tới hôm qua, cảnh sát Yemen lại vừa giết thêm một người biểu tình chống Chính phủ và làm bị thương nhiều người khác. Trong khi đó, Tổng thống Saleh kêu gọi phe biểu tình ngừng xuống đường. Tới nay, các cuộc xung đột từ cuối tháng 1 làm gần 100 người biểu tình thiệt mạng.
Cũng theo nguồn tin trên của Mỹ, hiện Yemen bị giằng xé bởi nhiều thế lực như al Qaeda, Houthis, các bộ lạc và những kẻ đòi ly khai. Tất cả không lo nghĩ gì về tương lai đất nước mà chỉ tranh thủ thời kỳ rối loạn để gia tăng vị thế bản thân.
Cùng lúc, giá lương thực đang tăng mạnh, còn giá trị của đồng rial lại giảm mạnh. Theo Chương trình lương thực thế giới, giá lúa mì tăng 45% và gạo tăng 22% từ giữa tháng 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét