Cụ Rùa rất hiền lành và thích ăn cá

VTC News:
09/04/2011 13:21

(VTC News) – Chúng tôi đã đưa nhiều loại thức ăn cho cụ nhưng cá mới là món cụ rùa thích nhất, mỗi lần cụ ăn vài con – TS Bùi Quang Tề.

Cụ rùa trong "bệnh viện" thích ăn cá nhất. Ảnh: Hoàng Long (daidoanket.vn)

Trao đổi với VTC News, TS Bùi Quang Tề, tổ trưởng tổ chẩn đoán và chữa trị Rùa hồ Gươm cho biết, các chuyên gia đã trình phác đồ điều trị cho cụ rùa và Thành phố Hà Nội đã phê duyệt.

Theo đó, còn 5 bước nữa sẽ chữa xong cho “linh vật” hồ Gươm:

- Xử lý các vết thương cho rùa và dùng bài thuốc an toàn.

- Phân tích tác nhân gây bệnh.

- Quyết định chủng loại thuốc, tính toán liều lượng thuốc cần dùng.

- Sau khi kết thúc dùng thuốc, đưa rùa ra bể nuôi dưỡng một thời gian (tùy thuộc vào các điều kiện thực tế) để tiếp tục theo dõi.

- Trả rùa về hồ sau khi đã làm sạch môi trường.

Các chuyên gia y tế sẽ chữa trị cụ Rùa đến khi hỏi bệnh, còn việc làm sạch môi trường là trách nhiệm các cơ quan Thành phố Hà Nội.

Quá trình chữa trị đang tiến hành thuận lợi, được giúp đỡ của những phòng thí nghiệm, phân tích hiện đại nhất Việt Nam. Qua đó các nhà khoa học của chúng ta hoàn toàn tự tin vào chuyên môn của mình.

TS Bùi Quang Tề cũng cho biết thông tin thú vị, trong quá trình cho cụ Rùa ăn, tuy các chuyên gia đã đưa nhiều loại thức ăn, nhưng món cá vẫn được cụ rùa thích nhất. “Một tuần cụ Rùa ăn vài ba bữa, có bữa nhiều nhất khoảng 5 con cá, nặng nửa cân” – chuyên gia này cho hay.

Hiện nay chưa phát hiện thấy cụ Rùa bị viêm phổi mà chỉ mắc bệnh ngoài da nên phải bôi thuốc kháng khuẩn.

Các chuyên gia điều trị cho “linh vật” Hồ Gươm đều nhận xét, cụ Rùa rất hiền lành, không tấn công ai và nhanh chóng thích nghi với “bệnh viện”. Bình thường các con vật bị bắt sẽ bỏ ăn nhiều ngày, nhưng cụ Rùa đã ăn trở lại chỉ sau hai ngày vào “bệnh viện” – TS Tề phấn khởi nói.

Dự kiến hôm nay hoặc ngày mai, sẽ có kết quả phân tích AND của “linh vật” Hồ Gươm. Khi đó việc cụ Rùa là “ông” hay “bà” sẽ được sáng tỏ.

Hoàng Lan

Cụ Rùa Hồ Gươm có phải do vua Lê Lợi thả xuống?

08/04/2011 11:53

(VTC News) – Rùa Hồ Gươm hoàn toàn khác các loài rùa khác, được đặt tên là Rafetus leloii, tức là Lê Lợi, vị vua gắn liền với truyền thuyết trả Gươm.

Cụ Rùa Hồ Gươm tên là "Rùa Lê Lợi"


Trao đổi với VTC News, một nhà khoa học về sinh vật cho biết, Rùa Hồ Gươm có kích thước lớn nhất trong các loài rùa nước ngọt ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

So sánh cụ Rùa với các loài rùa khác, nhà khoa học này kết luận, rùa Hồ Gươm hoàn toàn khác với các loài rùa khác, và đặt tên là Rafetus leloii.

Chữ Leloii là tên loài, mang tên Lê Lợi, vị vua liền với truyền thuyết trả Gươm cho thần Rùa. Nhưng theo thông lệ quốc tế, tên loài là một từ, không viết hoa và theo tiếng Latinh, “giống đực” phải thêm “i”, còn “giống cái” phải thêm “a” sau cùng.

Một nhà khoa học đặt giả thuyết, rùa Hồ Gươm có thể do vua Lê Lợi thả xuống Hồ Gươm (hồi đó là hồ Lục Thủy).

Lý do là hồ này được chú ý từ thời Lý (Lý Công Uẩn định đô năm 1010) nhưng đến thời Lê mới thấy người ta nhắc đến chuyện rùa, sau truyền thuyết Lê Lợi trả Gươm. “Mặt khác nếu rùa Hồ Gươm vốn dĩ có ở đất Thăng Long thì Hồ Tây và các hồ khác phải có chứ, vì ngày xưa các hồ thông nhau” – nhà khoa học này phân tích.

Tiêu bản rùa trong đền Ngọc Sơn, theo ông Trần Khánh, cán bộ Ban Quản lý di tích này cho biết, đó là tiêu bản cụ rùa bị chết năm 1968 nhưng không rõ nguyên nhân. Bộ xương được dựng và trưng bày ở Văn Miếu, sau đó được đưa về lưu trữ ở kho Bảo tàng Hà Nội. Tiêu bản dài 0,545 m, rộng 0,545 m
Phương Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét