Khắc phục sự cố sụt lún tại Hoàng thành Thăng Long

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 9:41 PM, 08/04/2011

Việc khắc phục sự cố sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới di sản

Ngày 8/4, TS Nguyễn Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho biết, sau sự cố sụt lún tường ngăn khu bảo vệ di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm đã làm việc với Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội, Cục Di sản, Viện khảo cổ, Hội đồng Di sản Quốc gia nhằm khắc phục sự cố này.

Bức tường bị đổ ngày 7/3 được chống đỡ tạm. (Ảnh: VNE)

Theo các bên liên quan, việc khắc phục sự cố là một nhiệm vụ cấp bách, cần làm khẩn trương để bảo vệ di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận; đồng thời đi đến thống nhất lập hàng rào bảo vệ giữa khu di sản và khu thi công dự án nhằm ngăn cách hai bên.

Đơn vị thi công cũng đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan chức năng và việc khắc phục sẽ do đơn vị thi công Dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội đảm nhiệm./.

TTXVN


laodong.com.vn

Hoàng thành Thăng Long: Có nguy cơ không còn nguyên vẹn?

Thứ Sáu, 8.4.2011 | 09:31 (GMT + 7)

Ông Nguyễn Văn Anh - thư ký dự án Hoàng thành Thăng Long - cho biết xuất hiện hiện tượng sụt lún tại một số hố khai quật thuộc khu C và D của di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khoan hệ neo đã làm phá vỡ cấu trúc tầng đất và đẩy nước bùn chứa polymer tràn sang di tích, phủ trùm lên di tích đang xuất lộ và bảo tồn tại khu vực phía bắc thuộc phạm vi hố D4 - D5.

Vì vậy, chiều 7.4, Ban Quản lý di tích Cổ Loa thành cổ - đơn vị chủ quản, trực tiếp quản lý Hoàng thành Thăng Long đã tổ chức một cuộc họp nhằm tìm giải pháp hữu hiệu bảo tồn tính toàn vẹn của khu di sản.

Ông Nguyễn Văn Anh cũng cho biết, sở dĩ có hiện tượng trên là do việc thi công nhà Quốc hội ở ngay bên cạnh. Ban đầu, việc ảnh hưởng này chỉ ở mức độ nhẹ, mức độ sụt lún và lượng bùn chảy sang chưa trầm trọng, nhưng từ cách đây đúng một tháng - ngày 7.3, sự ảnh hưởng này ngày càng nghiêm trọng. Hiện, việc đào đất quanh tường chắn của tầng hầm nhà Quốc hội đã làm sụt lún đất, dẫn đến việc đổ sập đoạn giữa bức tường gạch bảo vệ khu vực phía bắc khu di tích - phần giáp ranh với khu vực hố D4 và D6.

Đặc biệt, từ ngày 23.3, khi đơn vị thi công khoan hệ neo xuyên sang lòng đất của khu di tích tại khu vực phía bắc và đông bắc đã làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và làm nước bùn hợp chất có polymer tràn vào trong lòng hố khai quật đang được bảo tồn. Tại khu vực phía đông bắc - phạm vi hố C3, máy xúc bên đơn vị thi công đã khoét sâu xuống tầng đất thời Đại La, đào vượt qua chỉ giới bảo tồn di tích về phía đông khoảng hơn 4m. Sự việc này không những đã vi phạm vào chỉ giới của di sản đã được xác định bảo tồn mà còn tiếp tục làm sụt lún đất của khu vực tiếp giáp, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích kiến trúc quan trọng của thời Lý đã được phát hiện tại khu vực này.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, đại diện của BQL dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội lại vắng mặt. TS Bùi Minh Trí - GĐ Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, Phó Chủ nhiệm dự án Hoàng thành Thăng Long - cho biết: Ngay sau đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - thành cổ sẽ có văn bản báo cáo và đề nghị UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo xây dựng nhà Quốc hội, Bộ Xây dựng về các vấn đề bảo tồn khu di sản nói trên.

Đồng thời, đề nghị tổ chức gấp các cuộc họp ở cấp cao để tìm giải pháp khắc phục ngay hậu quả và đưa ra những biện pháp xử lý lâu dài, đảm bảo tính hiệu quả cao cho việc bảo tồn tính toàn vẹn của di sản. Được biết, theo kế hoạch, tháng 6 này, Tổ chức UNESCO thế giới sẽ đến VN để đánh giá, kiểm tra lại di sản sau một năm được công nhận là di sản chung của nhân loại.

T.Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét