‘Mục tiêu’ của sách trắng quốc phòng Trung Quốc

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :4:08 PM, 04/04/2011

(Đất Việt) - Theo nhà nghiên cứu John Lee, Trung Quốc vừa công bố sách trắng chỉ trích Mỹ, cáo buộc Washington tập hợp liên minh chống Bắc Kinh ngay tại châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan…

Đồng thời, sách trắng tái khẳng định quân đội Trung Quốc tăng ngân sách chủ yếu để thực hiện các mục tiêu phòng thủ; cũng như cung cấp thêm thông tin về lập trường quân sự chiến lược của nước này.

Sách trắng của Trung Quốc còn cam kết tăng cường xây dựng niềm tin với các quốc gia láng giềng sau khi có nhiều hành động rất cương quyết trong năm 2010.

Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc là Geng Yansheng xác nhận là Trung Quốc không bao giờ sử dụng sức mạnh quân sự đối “bắt nạt hàng xóm”. Ông Geng tuyên bố: “Các lực lượng vũ trang Trung Quốc tuân thủ cách tiếp cận hòa bình, hợp tác và xây dựng trong các quan hệ quân sự quốc tế”.

Quân đội Trung Quốc lớn mạnh rất nhanh.
Tuy nhiên, John Lee cho rằng, giống như những sách trắng trước đó, tài liệu lần này cũng không giải thích được lý do tại sao Trung Quốc không trao đổi quân sự với bên ngoài; cũng như không tăng cường tính minh bạch…

Theo Lee, Trung Quốc liên tục khẳng định là họ muốn xây dựng sự tôn trọng và lòng tin với thế giới bên ngoài nhưng thực tế không cho thấy điều đó. Và sách trắng lần này cũng như những bản “tiền nhiệm”, có nhiều thông tin mập mờ.

Lập luận thứ nhất mà Lee đưa ra là việc Trung Quốc tăng ngân sách và sức mạnh quân sự không thể coi là nhằm mục tiêu phòng thủ như sách trắng. Bắc Kinh không thể thực sự “phòng thủ” tại các khu vực mà họ đang tranh chấp bởi họ không kiểm soát được các vùng đó, dù liên tục ra các tuyên bố chủ quyền ở nhiều vùng biển xung quanh.

Còn xét suốt cả năm 2010, những hành động của Trung Quốc và việc họ phát triển sức mạnh quân sự cũng cho thấy một điều, Bắc Kinh không đầu tư mạnh cho quân đội chỉ đề phòng khả năng Đài Loan tuyên bố độc lập. Nói cách khác, Mỹ và nhiều quốc gia láng giềng không tin rằng, giải quyết được khúc mắc giữa đôi bờ sẽ xoa dịu những tham vọng của Bắc Kinh.

Hậu quả, theo ChinaPost, 2010 là năm chứng kiến nhiều “va chạm” giữa Trung Quốc và Mỹ, các nước láng giềng về lãnh thổ. Việc này “đẩy” họ xa Trung Quốc và tới gần Mỹ hơn .

Trung Quốc và Nhật tranh chấp biển đảo. Ảnh minh họa.

Về việc tăng cường trao đổi quân sự với thế giới bên ngoài, nhất là với Mỹ, Trung Quốc cũng không có nhiều bước tiến dù hai bên ký Hiệp định tham vấn hàng hải Mỹ-Trung năm 1998. Trong thập niên 1970 và 1980, khi chiến tranh Lạnh chưa kết thúc, Mỹ và Liên Xô còn có nhiều hoạt động trao đổi quân sự, xây dựng lòng tin… nhiều hơn cả giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đã vậy, hiện Trung Quốc hội nhập nhiều hơn vào thế giới bên ngoài so với Liên Xô. Theo đó, Trung Quốc đã và đang chủ động hội nhập vào trật tự thế giới đương đại và nền kinh tế của họ cũng hòa quyện nhiều hơn so với Liên Xô. Một điểm khác nữa (so với Liên Xô) là Trung Quốc cũng luôn khẳng định mình phát triển hòa bình, bác bỏ thông tin rằng Mỹ là đối thủ chiến lược của họ trong khu vực.

Vậy điều gì khiến Bắc Kinh không thực sự muốn tăng tính minh bạch và quan hệ quân sự với Mỹ; liệu đó có phải là việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan như điều mà Trung Quốc khẳng định?

Theo ông Lee, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không đủ áp lực khiến Trung Quốc duy trì chính sách mơ hồ, thiếu minh bạch và không muốn đối thoại quân sự với Mỹ. Do đó, chỉ có thể giải thích cho những hành động của Trung Quốc là họ coi Mỹ là đối thủ khó đối phó.

Theo đó, dù chưa thể đạt được sức mạnh quân sự ngang bằng Mỹ trong thời điểm hiện tại nhưng Trung Quốc vẫn muốn có đủ sức lực để Mỹ phải “trả giá” nếu có hành động chống Trung Quốc trong khu vực.

Đơn cử như trong vấn đề Đài Loan, việc Mỹ không nắm rõ sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ khiến Washington phải đắn đo nhiều hơn nếu muốn dùng vũ lực với Bắc Kinh khi xảy ra “khủng hoảng”.

Nói cách khác, do Washington không biết là Bắc Kinh có vũ khí gì, mạnh tới đâu…nên sẽ phải cẩn trọng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc muốn đảm bảo rằng, họ sẽ chiến thắng một cuộc chiến tranh mà không cần thực sự tham chiến.

Một nguyên nhân khác khiến Trung Quốc mập mờ là những nhà lý luận Trung Quốc nhận biết được rằng, Bắc Kinh đang bị cô lập, không được bất kỳ cường quốc khu vực nào, kể cả Nga, tin tưởng; bất chấp là nền kinh tế của họ ngày một phình to.

Quân đội Trung Quốc nhận được hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Tóm lại, do muốn răn đe Mỹ và không chỉ muốn "phòng thủ", Trung Quốc "mập mờ", khiến không biết rõ sức mạnh của họ tới đâu. Kết quả là Bắc Kinh răn đe thành công nhiều đối thủ...

>> Hệ lụy khi cường điệu quá Trung Quốc nổi lên
Nam Việt (tổng hợp)

Cập nhật lúc :6:49 AM, 03/04/2011
(Đất Việt) - Những người theo chủ nghĩa hiện thực phân tích về việc các quá trình chuyển đổi quyền lực sẽ diễn ra như thế nào dựa trên giả định rằng các quốc gia hiểu đúng và phản ứng chính xác trước các tình huống quốc tế mà họ đối mặt.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực lạc quan trong trường hợp này dựa vào giả định rằng, giới lãnh đạo ở Mỹ đánh giá cao (và sẽ có thể hành động) mức độ an toàn cao bất thường mà Mỹ đang tận hưởng hiện nay.

Nếu giả định này là sai, tức là nếu Mỹ thổi phồng thái quá mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra thì các nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai sẽ càng lớn hơn.

Thật không may, có một số lý do khiến ta phải lo ngại rằng giả định này trên thực tế có thể là sai.

Ví dụ, hiện rất nhiều người tin rằng một Trung Quốc đang nổi lên sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ. Niềm tin này có thể trở thành một lời tiên đoán tự đúng.

Nếu Washington không nghĩ rằng việc Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự không đe dọa đến các lợi ích sống còn của Mỹ, họ có thể có các chính sách ngoại giao và quân sự mang tính cạnh tranh thái quá, những chính sách mà đến lượt nó lại khiến Trung Quốc hiểu rằng Mỹ đang có những động cơ xấu.

Nếu Trung Quốc khi đó cảm thấy bất an, nhiều khả năng họ sẽ có những chính sách cạnh tranh mà Mỹ cũng sẽ xem là mang tính đe dọa cao hơn. Kết quả sẽ là một vòng luẩn quẩn không quyết định bởi tình hình quốc tế mà các nước này thực sự đang đối mặt, mà bởi sự bất an mà chính họ thổi phồng.

Hơn nữa, các nước thường xem nặng sự bất an của mình khi đánh giá không đúng các khả năng quân sự nhằm mục đích quốc phòng có thể với tới đâu. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức cường điệu về khả năng dễ xâm lược nên tin rằng sức mạnh đang gia tăng của Nga đe dọa đến sự tồn vong của mình. Kết quả là Đức phát động một cuộc chiến tranh phòng vệ không cần thiết.

Trong cuộc chiến tranh Lạnh, Mỹ cường điệu hóa mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô, nên nghĩ rằng những cải tiến trong các lực lượng vũ trang của Liên Xô có thể vô hiệu quá mặt mạnh nhất trong khả năng răn đe của Mỹ - một cuộc trả đũa mạnh tay.

Rất may là điều này không dẫn tới chiến tranh, nhưng nó làm gia tăng nguy cơ chiến tranh và gây ra quá nhiều căng thẳng và kéo theo những chi tiêu không cần thiết.

Washington sẽ phải cảnh giác để không mắc phải những sai lầm tương tự khi Trung Quốc gia tăng các sức mạnh hạt nhân và thông thường, và khi các cuộc va chạm trong các vấn đề thứ yếu làm căng thẳng quan hệ.

Đến nay chưa có phản ứng thái quá nào của Mỹ trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng khả năng đó chắc chắn tồn tại. Ví dụ, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ hiện nay kêu gọi Mỹ duy trì thế bá chủ về quân sự thông thường, nhưng lại không giải thích tại sao thế bá chủ này là cần thiết cũng như việc nó đòi hỏi có những lực lượng và khả năng quân sự như thế nào.

Trong tương lai trước mắt, Trung Quốc sẽ yếu hơn Mỹ về khả năng tấn công, nhưng chính việc họ tăng cường sức mạnh quân sự làm giảm khả năng của Mỹ trong việc tấn công vào các khu vực ngoại biên của Trung Quốc.

Điều này sẽ sớm đặt ra những câu hỏi như chính xác tại sao Mỹ cần có sự bá chủ về các khả năng tấn công thông thường trên thế giới, các nhiệm vụ đặc biệt nào Mỹ sẽ không thể thực hiện nếu không có thế bá chủ ấy và việc không thể thực hiện các nhiệm vụ này sẽ gây nguy hại cho an ninh của Mỹ đến mức nào.

Nếu không có những câu trả lời rõ ràng, Mỹ có thể sẽ đánh giá quá cao ý nghĩa của việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự.

Nếu Mỹ thổi phồng thái quá mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra thì các nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai sẽ càng lớn hơn. Ảnh minh họa.

Nguy cơ của một mối đe dọa an ninh bị cường điệu hóa sẽ càng lớn hơn trong lĩnh vực hạt nhân. Báo cáo tình hình hạt nhân (NPR) năm 2010 của chính quyền Obama nhận định: "Mỹ và các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc vẫn quan tâm đến việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, trong đó có việc hiện đại hóa về chất lượng và số lượng kho vũ khí hạt nhân của họ".

Tuy nhiên, NPR không nói rõ việc hiện đại hóa này đặt ra mối nguy hiểm nào. Hoàn toàn không có chuyện hiện đại hóa hạt nhân trong tương lai gần sẽ giúp Trung Quốc có thể phá hủy toàn bộ sức mạnh hạt nhân của Mỹ và hủy hoại khả năng đáp trả mạnh mẽ của Mỹ.

Một cuộc hiện đại hóa lớn nhất cũng chỉ có thể loại trừ một phần ưu thế hạt nhân của Mỹ khi tạo cho Trung Quốc một lực lượng lớn hơn và bền bỉ hơn, từ đó giảm khả năng Mỹ đe dọa Trung Quốc bằng việc chạy đua hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

NPR cho rằng, Mỹ "nên tiếp tục duy trì các quan hệ chiến lược ổn định với Nga và Trung Quốc", nhưng Trung Quốc luôn thiếu dạng sức mạnh có thể tạo sự ổn định theo tiêu chuẩn của Mỹ. Nếu Mỹ quyết định rằng an ninh của họ cần duy trì ưu thế hạt nhân so với Trung Quốc, họ sẽ đầu tư vào các khả năng nhằm phá hủy các sức mạnh hạt nhân mới của Trung Quốc.

Một nỗ lực như thế sẽ giống với chiến lược hạt nhân thời chiến tranh Lạnh của Mỹ, theo đó đặt tầm quan trọng hàng đầu vào việc phá hủy các sức mạnh hạt nhân của Liên Xô. Kiểu chạy đua vũ trang này giờ đây càng không cần thiết hơn trước.

Mỹ có thể duy trì khả năng răn đe mạnh ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa kho vũ khí, và một chính sách cạnh tranh hạt nhân có thể làm giảm an ninh của Mỹ vì nó sẽ khiến Trung Quốc hiểu rằng Mỹ đang thù địch, làm gia tăng sự bất an của Trung Quốc và hủy hoại quan hệ Mỹ - Trung.

Chắc chắn việc Trung Quốc tăng cường hạt nhân và vũ khí thông thường sẽ giảm một số khả năng của Mỹ mà Washington muốn duy trì. Nhưng Mỹ cũng không nên coi việc tăng cường các sức mạnh quân sự này là có động cơ xấu, thay vì thế nên hiểu là việc này cho thấy mong muốn chính đáng của Trung Quốc là đảm bảo an ninh cho mình.

Khi ông Donald Rumsfeld là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông nói về Trung Quốc tăng chi tiêu cho quốc phòng rằng "vì không có nước nào đe dọa Trung Quốc, nên nước này phải tự hỏi: Tại sao phải gia tăng đầu tư cho quốc phòng? Tại sao phải tiếp tục tăng mua vũ khí?"

Câu trả lời là quá rõ. Nếu Trung Quốc có thể đưa các tàu sân bay tới gần bờ biển Mỹ và tấn công vào nước Mỹ bằng máy bay ném bom tầm xa, Washington đương nhiên sẽ muốn "mài cùn" các khả năng này, và nếu Mỹ có một sức mạnh hạt nhân chiến lược cũng dễ bị tổn thương và kém cạnh tranh như của Trung Quốc (hiện chỉ bằng 1/10 hoặc 1/100 của Mỹ), họ cũng sẽ cố gắng đuổi kịp nhanh nhất có thể.

Các hành động này sẽ không nhằm khuất phục thế giới, vì vậy không có lý do nào đủ thuyết phục để nghĩ rằng Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là vì như thế.

Tóm lại, sự nổi lên của Trung Quốc là hòa bình, nhưng không có gì để đảm bảo điều đó. Ngược lại với lập luận của người theo chủ nghĩa hiện thực thông thường, các sức ép cơ bản của hệ thống quốc tế sẽ không đẩy Mỹ và Trung Quốc vào xung đột.

Vũ khí hạt nhân, ngăn cách về địa lý bởi Thái Bình Dương, và các quan hệ chính trị hiện tương đối tốt sẽ khiến hai nước này đảm bảo an ninh ở mức cao và tránh các chính sách quân sự gây căng thẳng nghiêm trọng quan hệ giữa họ.

Nhu cầu của Mỹ bảo vệ các đồng minh của mình ở Đông Bắc Á làm phức tạp vấn đề trong một chừng mực nào đó, nhưng hoàn toàn có thể tin rằng Washington có thể gia tăng khả năng răn đe cho Nhật Bản và Hàn Quốc, các đối tác khu vực quan trọng nhất của mình.

Thách thức đối với Mỹ sẽ là khả năng điều chỉnh chính sách trong các tình huống mà các lợi ích chưa phải là sống còn (như Đài Loan) có thể gây ra vấn đề, và ở chỗ đảm bảo rằng không cường điệu hóa nguy cơ đặt ra bởi việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự.

Theo TVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét