12 năm và bốn cuộc chiến tranh!

Chuyện thời sự - NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ:
Cập nhật lúc 02:42, Thứ năm, 24/03/2011 (GMT+7)

Những ngày này, khi tên lửa và bom đạn từ tàu chiến, máy bay của các nước Mỹ, Anh, Pháp thi nhau giội xuống đất nước Li-bi, nhân loại lại nhớ tới một sự kiện diễn ra cách đây tròn 12 năm, vào ngày 24-3-1999, lực lượng quân sự NATO do Mỹ cầm đầu đã mở cuộc không kích chưa từng có của Liên minh này vào Nam Tư (cũ). Và cũng từ đó đến nay, đã có bốn cuộc chiến tranh tàn bạo được tiến hành với danh nghĩa "chống khủng bố", "bảo vệ nhân quyền"...

Cách đây hai năm, tức là mười năm sau ngày NATO phát động cuộc tiến công vào Nam Tư - một quốc gia có chủ quyền ở châu Âu, ngày 24-3-2009, mở đầu hoạt động tưởng niệm các nạn nhân của tấn thảm kịch do Mỹ và NATO gây ra, tại phiên họp của Chính phủ Xéc-bi-a, Thủ tướng M.Xvét-cô-vích đã nói rằng: 'Việc tiến công vào đất nước chúng ta là một hành vi trái phép, vi phạm quyền quốc tế và không được sự cho phép của LHQ. Những vụ ném bom trong quá khứ này vẫn đang gây ra những hậu quả sâu xa đối với Xéc-bi-a, đối với khu vực và cả những mối quan hệ tương tác chính trị trên toàn thế giới. Xéc-bi-a sẽ không bao giờ quên cái ngày bi kịch này'. Liên hệ ý kiến của ông M.Xvéc-cô-vích với chiến sự ở Li-bi hôm nay, không khỏi liên tưởng đến câu hỏi: Rồi đây, mỗi khi nhắc tới cuộc tiến công của liên quân Mỹ, Anh, Pháp trên đất nước mình, liệu người Li-bi có thêm một lần công phẫn?

Về những cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh tiến hành trong các năm qua, còn phải nhắc tới hai cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan (2001), I-rắc (2003) và như thế, từ cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999 đến cuộc chiến ở Li-bi năm 2011, chỉ trong 12 năm, nhân loại đã được chứng kiến việc Mỹ và đồng minh huy động một sức mạnh quân sự vượt trội để tiến hành bốn cuộc chiến tranh! Và có một điều mỉa mai là, những cuộc chiến tranh này đều được tiến hành với danh nghĩa 'chống khủng bố', 'bảo vệ dân thường khỏi thảm họa thảm sát', 'bảo vệ nhân quyền'... nhưng kết quả mà chúng đưa tới lại hết sức đen tối. Nhân dân các nước đã phải trả giá bằng chính sinh mạng mình, thậm chí đất nước Áp-ga-ni-xtan và I-rắc còn lâm vào cảnh rối ren, kinh tế kiệt quệ và phụ thuộc vào nước ngoài, nạn khủng bố vẫn hoành hành, nhân quyền tiếp tục bị chà đạp!

Không khó để nhận ra bốn cuộc chiến tranh đều được tổ chức, tiến hành theo cùng một kịch bản. Bởi mỗi khi tự thấy 'quyền lợi' của mình bị đe dọa, hoặc mỗi khi nhận thấy một quốc gia nào đó thể hiện ý thức tự chủ và tinh thần đối đầu, Mỹ cùng đồng minh liền cố gắng tạo ra 'lý do' (thường là rất vô lý!), rồi triệt để khai thác và thổi phồng 'lý do' ấy nhằm gây hoang mang, nghi ngờ, đánh lạc hướng, lung lạc dư luận. Sau đó, bất chấp việc có hay không được sự ủng hộ của LHQ, một chiến dịch quân sự lập tức được triển khai, với tên lửa Tô-ma-hốc bắn đi từ chiến hạm, với những trận mưa bom trút xuống từ hàng trăm máy bay hiện đại, và khi cần thiết, là sự có mặt của một đội quân viễn chinh. Cuộc tiến công Li-bi ngày 19-3 vừa qua cũng vậy, Mỹ cùng đồng minh đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả, chỉ chờ Nghị quyết 1973 của LHQ được thông qua là phát động tiến công. Và nguyên tắc 'thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho dân thường tại Li-bi' của Nghị quyết 1973 được hiểu như là tín hiệu để ấn nút phóng tên lửa và ném bom...!

Thực tế cho thấy, tới khi tính không chính đáng của 'lý do' bị phơi bày, thì chuyện trở nên 'đã rồi'. Như ở I-rắc, đầu tiên là tin tức quốc gia này 'tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD - Weapon of mass destruction)', 'liên hệ và tài trợ cho An Kê-đa' được thêu dệt, phóng đại như một nguy cơ phải nhanh chóng ngăn chặn, Mỹ và đồng minh tự nhận phải có trách nhiệm chấm dứt tình trạng... Ðể rồi, sau khi chiến tranh xảy ra chưa đầy một năm, cái 'lý do' từng được hệ thống truyền thông của Mỹ và đồng minh làm rùm beng đã bị chính người trong cuộc bác bỏ. Như ông H.Blích - cựu Trưởng đoàn Thanh sát vũ khí của LHQ, trả lời phỏng vấn của BBC: 'Chúng tôi đã nói chúng tôi không tìm thấy bất cứ một bằng chứng nào về vũ khí và chúng tôi cũng đã cảnh báo rằng một khi tuyên bố điều gì mà chưa chứng minh được thì cũng giống như khẳng định nó tồn tại. Vậy mà họ đã không nghe'. Trước đó, ông Ð.Răm-xphen - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói trong phiên điều trần tại Ủy ban vũ trang Thượng viện Mỹ: 'Liên quân ra tay với I-rắc không phải vì những bằng chứng về WMD mà bởi những manh mối quan trọng được phát hiện trong ánh sáng chiếu qua lăng kính kinh nghiệm rút ra từ vụ 11-9!'. Sau gần mười năm, 'lý do' mà Mỹ cùng đồng minh trưng ra để tiến công I-rắc hầu như đã được chứng minh là dựa trên các 'thông tin tình báo giả', 'đòn tung hỏa mù của báo chí',... Vậy mà cho đến hôm nay, tuyệt nhiên không thấy một trong số các quốc gia đã sử dụng bom đạn, vũ khí gây nên cuộc chiến tranh đẫm máu này tỏ ra hối hận về việc làm của họ?

Bốn cuộc chiến tranh đều dựa trên lý do mơ hồ và thiếu xác thực, thử hỏi đâu là tính nhân đạo khi bạo lực tàn bạo từ bên ngoài được sử dụng nhằm 'ngăn chặn thảm họa nhân đạo' ở một quốc gia, và dẫn tới cái chết oan uổng của hàng vạn con người? Trong cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999, ước tính gần 2.500 dân thường bị thiệt mạng, gần 12.500 người bị thương. Và theo tài liệu do WikiLeaks công bố tháng 10-2010, tính từ đầu năm 2004 đến cuối năm 2009, số dân thường bị giết hại tại I-rắc là 66.081 người. Theo số liệu hàng năm do Phái đoàn hỗ trợ của LHQ tại Áp-ga-ni-xtan (UNAMA) cung cấp, có thể thấy trong các năm gần đây, số dân thường bị thương vong hàng năm ở Áp-ga-ni-xtan đang có xu hướng tăng lên. Thí dụ: năm 2007 là 1.523 người, năm 2008 là 2.118 người, năm 2009 là 2.412 người, năm 2010 là 2.777 người, trong đó hàng nghìn người chết và bị thương vì bị 'bắn nhầm' trong các hoạt động quân sự do quân đội Mỹ và NATO thực hiện! Còn tại Li-bi, một ngày sau khi Mỹ, Anh, Pháp phát động tiến công, phía Li-bi cho biết 'các cuộc không kích và tiến công bằng tên lửa của 'liên quân vào nước này đã làm ít nhất 64 người chết và 150 người bị thương'... Thiết nghĩ, không có bất cứ lý do nào có thể biện minh cho cái chết của hàng vạn người vô tội. Càng không thể lấy cái chết của họ để biện minh cho 'sứ mệnh bảo vệ nhân quyền' mà chính phủ một số nước đang tự trao cho mình!

12 năm tiến hành bốn cuộc chiến tranh, thời gian và con số đó cùng các sự kiện liên quan đã cho thấy, thế giới đang chứa đựng một số bất thường mà theo lô-gích của lương tri thì không thể xảy ra? Vì không thể coi là bình thường khi một số cường quốc công khai tập trung sức mạnh quân sự hơn hẳn để tiến công một quốc gia có chủ quyền. Vì không thể coi là bình thường khi những vấn đề pháp lý đã không được một số cường quốc coi trọng. 12 năm qua, đã có các cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh tiến hành mà không cần tới sự đồng ý của LHQ, như gần đây, đề cập tới cuộc không kích Li-bi, Thủ tướng Nga V.Pu-tin nhận xét: 'không có chút lô-gích hoặc lý trí nào trong hoạt động can thiệp bằng quân sự từ bên ngoài này'. Thậm chí, khi thế giới hầu như chưa biết gì về 'Hội đồng Dân tộc' đối lập tại Li-bi thì Pháp đã nhanh chóng công nhận sự hợp pháp của nó, và vì thế bà Méc-ken - Thủ tướng Ðức, đã phải 'ngạc nhiên về việc Pháp công nhận Hội đồng Dân tộc khi tổ chức này không được luật pháp quốc tế thừa nhận!'. Trả lời câu hỏi tại sao Mỹ dùng vũ lực để áp đặt vùng cấm bay với Li-bi mà lại làm ngơ với tình hình ở Y-ê-men và Ba-ren, ngày 19-3, A.Nót phân tích trên BBC: 'Ba-ren và Y-ê-men là đồng minh của Mỹ - đặc biệt là Ba-ren, nơi Mỹ có căn cứ hải quân lớn. Li-bi thì không. Phản ứng của Hoa Kỳ đối với Ba-ren càng trở nên phức tạp hơn vì nước láng giềng A-rập Xê-út, đồng minh A-rập số một của Oa-sinh-tơn... Y-ê-men có ý nghĩa rất quan trọng đối với Oa-sinh-tơn trong cuộc chiến chống An Kê-đa. Ðiều này khiến chính quyền Ô-ba-ma phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Y-ê-men'. Tác giả dẫn lời bà M.Ốt-ta-oa - Giám đốc chương trình Trung Ðông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Oa-sinh-tơn nói: 'Mỹ luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo... Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết'... Có lẽ vì thế, theo TTXVN ngày 21-3, sau khi phát động tiến công 'Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma phải đối mặt với ngày càng nhiều lời chỉ trích của các nghị sĩ Quốc hội thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên quan tới việc ông ra lệnh tiến công Li-bi'. Hạ nghị sĩ M.Hon-đa cho rằng: Những mỏ dầu lớn của Li-bi chứ không phải vấn đề nhân quyền là động lực thúc đẩy các cuộc tiến công của liên quân vào Li-bi' và hành động tiến công Li-bi của Mỹ đã 'gửi đi một thông điệp rằng nước Mỹ quan tâm rất ít tới nhân quyền và quyền tự do của con người ở nhiều nước khác như Cộng hòa dân chủ Công-gô, miền Tây Xu-đăng hay Cốt Ði-voa, những nước không có nguồn năng lượng quan trọng!?'.

Trong những năm tháng này, thế giới đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức có tính sống còn mà chỉ có sự thống nhất, hợp sức của toàn nhân loại mới có thể vượt qua. Trong bối cảnh ấy, việc một số quốc gia trong 12 năm đã gây ra bốn cuộc chiến tranh là điều không có gì để tự hào. Phải chăng càng gần đây, trong quan hệ quốc tế đã xuất hiện dấu hiệu của 'tinh thần thực dân' với ý muốn áp đặt giá trị bằng bạo lực? Phải chăng tham vọng giữ vai trò 'sen đầm quốc tế' của một số trung tâm quyền lực đang được biểu hiện một cách công khai? Dù đó là câu hỏi nghi vấn thì một số cường quốc khó có thể trở thành tấm gương để học tập trong khi họ vừa trợ giúp Nhật Bản khắc phục hậu quả của động đất và sóng thần, lại vừa đem bom đạn giội xuống đầu những người dân lành ở Li-bi. Vì vậy chính lúc này, điều Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ T.Ê-đô-gan khẳng định: 'Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ chĩa súng vào người Li-bi' lại trở thành điều cần học hỏi!

TRẦN QUANG HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét