UNESCO sẽ kiểm tra thực trạng Hoàng thành trong tháng 6

VnExpress:
Thứ sáu, 8/4/2011, 15:30 GMT+7

Theo Viện trưởng Viện Khảo cổ Tống Trung Tín, tất cả ảnh hưởng đối với di sản đều được UNESCO theo dõi sát sao. Theo kế hoạch, UNESCO sẽ có đợt kiểm tra Hoàng thành vào tháng 6 tới.
> 'Thi công nhà Quốc hội khó tránh ảnh hưởng Hoàng thành'

Trao đổi với VnExpress, Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín cho rằng sự cố lún nứt đối với khu di tích Hoàng thành Thăng Long được Viện lường trước từ lúc chưa bắt đầu xây dựng nhà Quốc hội. Ngay từ đầu, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng nhà Quốc hội đã được yêu cầu phối hợp để có phương án cụ thể nhằm đảm bảo an toàn đối với di sản.

*Ảnh: Hiện trạng khu khảo cổ bị sụt lún

Theo ông Tín, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình một mặt tiếp nhận những khuyến cáo của Viện Khảo cổ nhưng mặt khác "cứ thế làm".

Ngày 7/4, trong cuộc họp để tìm giải pháp khắc phục hậu quả, đại diện Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, UBND Hà Nội, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) và Viện Khảo cổ đều có mặt. Nhưng, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội không tới dự.

Viện trưởng Viện Khảo cổ cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ sẽ có văn bản báo cáo, đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng, Bộ Xây dựng về các vấn đề bảo tồn khu di sản này.

Ảnh: Viện Khảo cổ.
Nước bùn tràn lên sau khi khoan làm ảnh hưởng tới di tích. Ảnh: Viện Khảo cổ.

Cũng theo Phó giáo sư Tín, sự cố đối với khu di tích Hoàng thành khiến ông rất lo lắng vì tất cả ảnh hưởng đối với di sản đều được UNESCO theo dõi sát sao. "Tháng 6 tới, UNESCO sẽ kiểm tra đối với di sản Hoàng thành Thăng Long", ông Tín cho biết.

Trong khi đó, theo giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, xây dựng nhà Quốc hội và bảo tồn di sản đều là việc làm cần thiết, phải có phương án đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. "UNESCO đã công nhận danh hiệu, nhưng cũng có thể tước danh hiệu, nếu chúng ta không cẩn trọng", ông Tiêu nói.

Trao đổi với VnExpress, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, dù với lý do gì đi nữa thì đơn vị thi công, Ban quản lý dự án cũng phải tìm mọi biên pháp để bảo vệ di tích bởi điều này đã được quy định bằng các văn bản pháp luật. Để làm được điều này chắc chắn phải cần đến sự góp ý của các nhà kỹ thuật, quản lý.

"Khi đã xảy ra sự cố như vừa rồi, điều cần thiết nhất là các bên liên quan phải ngồi lại với nhau, họp bàn để thống nhất hướng xử lý", ông Thuyết nói.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng bày tỏ quan điểm thay vì lo lắng việc UNESCO tước danh hiệu di sản của Hoàng thành, những người có trách nhiệm liên quan phải tính toán, cân nhắc kỹ trước bất kỳ hoạt động nào có thể tác động tới di sản. "Danh hiệu UNESCO công nhận tuy quý giá nhưng sẽ là nhỏ bé so với việc bảo tồn di tích cho người dân nước mình", ông Thuyết nói.

Theo Viện Khảo cổ học, từ ngày 7/3, việc thi công đào đất xung quanh tường chắn của tầng hầm Nhà Quốc hội đã làm sụt lún dẫn đến việc đổ đoạn giữa bức tường gạch bảo vệ khu phía bắc của di tích. Đồng thời, việc đào máy và khoan hệ neo đã tác động mạnh mẽ làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất của khu di tích ở dọc tuyến tường bao phía bắc.

Từ ngày 23/3, đơn vị thi công tiến hành khoan hệ neo xuyên sang lòng đất của khu di tích tại khu vực phía bắc và đông bắc đã tác động làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và làm nước bùn hợp chất có polymer tràn vào trong lòng hố khai quật đang được bảo tồn. Tại khu vực phía Đông Bắc (phạm vi hố C3), đơn vị thi công đã dùng máy xúc, khoét sâu xuống tầng đất thời Đại La, đào phá vào các tầng đất thuộc chỉ giới bảo tồn và vượt qua chỉ giới bảo tồn di tích về phía Đông khoảng hơn 4m.

Viện Khảo cổ cho rằng, sự việc này không những đã vi phạm vào chỉ giới của di sản đã được xác định bảo tồn mà còn tiếp tục làm sụt lún đất của khu vực tiếp giáp, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích kiến trúc quan trọng của thời Lý đã được phát hiện. Tại khu vực đất đào, các chuyên gia nhận thấy có nhiều di vật khảo cổ chưa được thu gom.

Được khai quật năm 2003 với hàng trăm hiện vật quý giá của các vương triều Lý, Trần..., 7 năm sau (1/8/2010) khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Trong khi đó, từ tháng 10/2009, Nhà Quốc hội mới được khởi công xây dựng.

Tòa nhà cao 39 mét, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, tổng diện tích sàn trên 60.000 m2, khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa 500 ôtô. Công trình có tổng vốn gần 4.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng quý 3 năm 2012.

Phát biểu tại lễ khởi công khi đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cam kết, sẽ kết hợp hài hòa với phương án bảo tồn khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, góp phần tạo dựng một quần thể kiến trúc hiện đại song vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét