Ngày 29/5/1999, Hun Manet, con trai cả của Thủ tướng Campuchia Hun Sen bước lên bục vinh quang của Học viện quân sự Mỹ tại West Point để nhận tấm bằng cử nhân từ tay Đại tướng Dennis J Reimer, cựu Tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Cậu học viên 21 tuổi khi đó là người Campuchia đầu tiên theo học tại học viện danh giá này của Mỹ.
Trong suốt buổi lễ tốt nghiệp, mọi ống kính đều chạy theo Hun Manet, hy vọng có được thước ảnh đẹp nhất của con trai người đàn ông quyền lực của Campuchia.
Trong khi hầu hết các học viên đều chụp ảnh cùng gia đình thì New York Times lại cho hay, Hun Manet lặng lẽ ngồi bên cha và một số nhân viên của ông trong một góc khán đài, dưới sự theo dõi của những điệp viên Mỹ.
Những năm sau đó, Hun Manet tiếp tục hoàn tất "con đường học tập" với tấm bằng tiến sĩ kinh tế tại ĐH Bristol, Anh. Trong suốt thời gian ở phương Tây,ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, gần đây dư luận đặc biệt quan tâm đến người con trai cả của ông Hun Sen bởi sự thăng tiến nhanh chóng của ông trên con đường binh nghiệp.
Hồi tháng 9,ông Hun Manet được phong là Phó chỉ huy đội cận vệ của Thủ tướng. Bốn tháng sau đó,ông lại được thăng chức trong quân đội hoàng gia Campuchia (RCAF), kiêm Giám đốc Cơ quan chống khủng bố thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia, cơ quan có sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ.
Sự thăng tiến “chóng mặt” của ông Hun Manet khiến dư luận dự đoán rằng, người con trai cả của Thủ tướng Campuchia được chọn lựa để kế nhiệm cha. Tuy nhiên, giới chức Campuchia trong đó có ông Hun Sen một mực phủ nhận thông tin đó. Họ khẳng định, sự thăng tiến của Hun Manet hoàn toàn dựa trên cơ sở học vị của ông.
Có nhiều lời đồn đoán về khả năng kế nhiệm cha của ông Manet (phải). |
"Nếu bạn có quyền lực, bạn sẽ muốn duy trì nó và muốn tìm một ai đó đáng tin cậy tiếp tục sự nghiệp của mình. Xét về góc độ con người, điều đó hoàn toàn hợp lẽ tự nhiên”, Son Soubert, nhà bình luận chính trị và cũng là cựu thành viên của Hội đồng Hiến pháp Campuchia nhận định.
Ou Virak, Giám đốc Trung tâm nhân quyền của Campuchia (CCHR) cho rằng, dù chưa thể kế nhiệm cha trong thời gian tới bởi ông Hun Sen tuyên bố sẽ tại nhiệm trong ít nhất 10 năm tới nhưng ông Hun Manet chắc chắn sẽ còn thăng tiến hơn nữa.
Những đồn đoán đó càng trở nên phổ biến khi xung đột xảy ra tại khu vực tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan. Theo nhiều nguồn tin, Hun Manet trực tiếp chỉ huy quân đội Campuchia trong suốt bốn ngày giao tranh căng thẳng.
Vai trò thực sự của Hun Manet trong cuộc xung đột này đến nay vẫn chưa được làm rõ. Giới truyền thông Thái Lan dẫn nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng, con trai cả của ông Hun Sen trực tiếp chỉ huy trong cuộc xung đột ngày 6/2. Sau đó cũng chính ông Hun Manet là người đóng vai trò to lớn trong quá trình đàm phán ngừng bắn với các đồng sự Thái Lan.
Một số chuyên gia nhận định, sự xuất hiện của Hun Manet trong suốt thời gian căng thẳng có thể là nỗ lực nhằm nâng cao hình ảnh. Carlyle Thayer, một chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Australia ở Sydney cho rằng, dù vai trò thực sự của Hun Manet trong cuộc xung đột là gì thì một thực tế không thể phủ nhận rằng, hình ảnh của ông sau giai đoạn căng thẳng này được nâng cao rõ rệt.
“Tôi cho rằng sự tham gia của Hun Manet trong cuộc xung đột này là bước đi đầu tiên trong tiến trình trổ tài trong lĩnh vực quốc phòng, sau đó là nhảy sang chính trường”, ông Thayer nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét