Thứ Hai, ngày 01/08/2011, 10:00
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 được công bố, cú sốc nhất đối với giới đầu tư bất động sản đó là tin: các dự án nằm trong không gian xanh của Hà Nội có nguy cơ bị khai tử?
Nếu câu chuyện này trở thành sự thật, nguy cơ thị trường bất động sản ở Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, chưa kể đến việc, tiền của hàng chục nghìn người dân đã đầu tư tiền vào các dự án này không biết sẽ ra sao?
“Không gian xanh” ám ảnh nhà đầu tư bất động sản
Trong 750 dự án bất động sản ở Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, qua nhiều lần rà soát, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội đã lọc ra danh mục gồm 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép triển khai đợt I.
Tháng 11-2010, trong Công văn 164/BC-UBND của UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng kết quả rà soát đợt 2 và đề xuất hướng xử lý đối với các đồ án, dự án đầu tư trên địa bàn Hà Nội, đoàn công tác của UBND Thành phố đã tiến hành rà soát 398 đồ án, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã (không bao gồm các dự án đã được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai trong đợt I).
Trả lời báo chí về đợt rà soát thứ 2 này, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trong số 398 đồ án, dự án được rà soát, Hà Nội có 220 đồ án quy hoạch và 178 dự án đầu tư với tổng quy mô diện tích gần 42.000 ha.
Hành lang xanh này sẽ được xây dựng như thế nào khi mà mạng lưới dày đặc dự án bất động sản đã chiếm gần hết diện tích?
UBND TP. Hà Nội đề xuất cho tiếp tục triển khai 202 trong tổng số 398 dự án, đồ án. Trong đó, có 176 dự án, đồ án phù hợp quy hoạch chung và 26 đồ án không, hoặc chưa phù hợp, nhưng đáp ứng được những tiêu chí đặc thù khi xét duyệt.
Hầu hết dự án, đồ án đang bị tạm dừng trong 750 dự án chờ quy hoạch nằm ngoài vành đai 3 trở ra, có những dự án lên tới hàng nghìn héc-ta nằm trong khu vực vành đai xanh theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển Hà Nội cho biết: “Hiện nay các dự án đã phủ kín quanh Hà Nội, thậm chí ở khu vực phía Tây, dự án đã phủ kín đến tận Hòa Lạc. Ngay như khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, giáp ranh Hà Nội và Hà Tây trước kia cũng có vành đai xanh nhưng giờ lại toàn dự án kín rồi.
Trong tất cả các quy hoạch Hà Nội xưa đến nay đều khẳng định Hà Nội có vành đai xanh. Việc đưa ra vành đai xanh là nhằm khống chế dân cư nội thành. Nhưng vành đai xanh của Hà Nội cũ và hành lang xanh của Hà Nội mới hiện nay khác hẳn nhau nên sắp tới tất yếu phải có sự rà soát các dự án, rà soát các khu đô thị.
Việc rà soát này thực ra đã được tiến hành trước đó, khi hàng loạt dự án phía Tây đã phải tạm đình chỉ và chỉ có số ít dự án tiếp tục được triển khai.
Việc tạm đình chỉ hàng loạt dự án trước kia đã khiến thị trường BĐS Hà Nội bị ảnh hưởng ghê gớm. Vì thế, việc tất yếu điều chỉnh dự án nằm trong quy hoạch mới mà người ta gọi là hành lang xanh lần này, nó cũng nhất khoát sẽ tác động đến các chủ đầu tư và tác động đến thị trường BĐS”.
Sẽ tìm ra cách xử lý tốt nhất?
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sẽ có nhiều dự án không được tiếp tục triển khai do không phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô, không phù hợp với nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.
Đó là các dự án nằm trong hành lang thoát lũ, phân chậm lũ; khu vực cấm và hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật; không bảo đảm môi trường; không nằm trong định hướng quy hoạch chung đã được duyệt; đồ án quy hoạch chi tiết chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Không gian Xanh Hà Nội: Lấy mặt nước sông Hồng, sông Đáy làm động mạch chủ, rừng cây Ba Vì, Huơng Sơn, Sóc Sơn làm nền... Màu xanh tràn ngập bản vẽ quy hoạch HN.
Quy hoạch các cụm dân cư, đô thị (mầu da cam) là nguy cơ làm phá vỡ hành lang xanh. Cần xoá bỏ các khu đô thị tập trung dân cư mới và hạn chế mở rộng khu dân cư hiện có
Trả lời PV, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: Thật ra việc tạm dừng các dự án bất động sản này để xem xét là việc không ai mong muốn. Tuy nhiên, điều gì có lợi, có ích cho quy hoạch chung của thủ đô thì cần phải làm.
Tuy nhiên, theo ông Nam, Chính phủ cùng Bộ Xây dựng và UBND thành phố cũng sẽ cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất cho các doanh nghiệp và người dân.
Ví như có thể điều chỉnh dự án ra chỗ khác. Hoặc nếu dự án còn ở trong đó thì cũng tìm cách để phù hợp với không gian xanh như giảm mật độ xây dựng, không xây nhà cao tầng. Nếu trước làm cho 300 người thì giờ giãn ra, chỉ còn làm cho 100 người. 200 người còn lại có thể được đền bù bằng số tiền lớn hơn. 100 người được quyền lợi thì cũng phải chịu mức chi phí cao hơn.
Đi một vòng hành lang xanh, vành đai xanh để ngắm cái không gian xanh tương lai của thành phố mới biết: Nếu áp đúng thực tế vào bản quy hoạch, khi mà trong hành lang xanh đang dày đặc các công trình xây dựng, các dự án bất động sản, người ta sẽ băn khoăn, định nghĩa tường minh về hành lang xanh, vành đai xanh là gì?
Như vậy, câu chuyện dự án nào sẽ bị khai tử, dự án nào sẽ phải điều chỉnh còn chưa được rõ ràng thì các doanh nghiệp và người dân vẫn còn phải chờ đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội.
“Định hướng không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh và vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị. Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vực đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị. Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là các vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng. Các nêm xanh là vùng đệm xanh phân cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng. Kiểm soát phát triển các làng xóm hiện hữu, xây dựng một số công trình công cộng ở quy mô nhỏ, thấp gắng gắn với đặc trưng sinh thái cây xanh và mặt nước” – Trích Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050. |
Theo Thu Lý (Vietnamnet)
hn.24h.com.vn
Cứu BĐS là thiếu trách nhiệm với dân!
Thứ Hai, ngày 01/08/2011, 17:00
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp BĐS liên tục kêu khó vì chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng, nhiều doanh nghiệp BĐS tiếp tục kêu khó. Cảm thông trước khó khăn của những đứa “con ruột”, Bộ trưởng xây dựng đã tiết lộ: Bộ đã không chỉ dừng lại ở việc gửi công văn đề xuất “giải cứu” cho BĐS, mà mới đây, Bộ Xây dựng đã có tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Và, thông tin mới nhất Bộ trưởng Xây dựng cho biết là “trong 6 tháng cuối năm vẫn có tăng trưởng tín dụng BĐS”(?).
Chưa biết thực hư tín dụng BĐS trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng ra sao, hay đó chỉ là một biện pháp vỗ về doanh nghiệp của lãnh đạo ngành xây dựng. Bởi, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về những biện pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thì Ngân hàng Nhà nước buộc phải siết tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất. Vì thế, nếu sự thực có chuyện nới lỏng tín dụng với BĐS có nghĩa Ngân hàng Nhà nước, Bộ xây dựng đã đi ngược Nghị quyết 11 của Chính phủ.Trong cuộc trò chuyện với phóng viên về thị trường BĐS, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Đồng chí Bộ trưởng xây dựng hiện nay đang thiếu hiểu biết. Và, việc Bộ Xây dựng bày tỏ trách nhiệm với doanh nghiệp nhưng lại thể hiện sự thiếu trách nhiệm với người dân…
Không nghe doanh nghiệp đẽo cày giữa đường!
Thời gian gần đây có quá nhiều doanh nghiệp BĐS “kêu gào” thảm cảnh, phía ngành quản lý là Bộ xây dựng cũng đã tìm nhiều cách gỡ khó cho doanh nghiệp BĐS, trong đó có việc đề xuất tăng tín dụng BĐS liệu có khả thi không thưa ông?
Đúng là hiện nay nhiều nhà đầu tư BĐS đang kêu gào khó khăn. Thậm chí mới đây Bộ Xây dựng còn tiếp xúc với Thống đốc ngân hàng nói việc thị trường BĐS nên có sự giải cứu. Theo tôi tất cả những chuyện đó là thiếu hiểu biết. Bởi nhiệm vụ trọng tâm ở ta hiện nay là kiềm chế lạm phát.
Việc kiềm chế lạm phát đương nhiên dẫn đến giảm cung tiền ra thị trường và BĐS bị ảnh hưởng. Nhưng đừng vì thế mà anh tính chuyện “đẽo cày giữa đường”, thấy người nọ góp ý thì đẽo cày hình vuông, khi khác có người góp ý lại đẽo cày hình tròn. Đã kiềm chế lạm phát thì anh phải kiên định vì mục tiêu này.
Việc kiềm chế lạm phát rất quan trọng, nhưng thị trường BĐS tiếp tục đi xuống cũng rất nguy hiểm. Thậm chí có chuyên gia tài chính đã cảnh báo sự đổ vỡ trong lĩnh vực BĐS có thể sẽ gây hiệu ứng đôminô. Nếu điều đó xảy ra sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế!
Tôi cho rằng cứ để thị trường BĐS như hiện nay là tốt hơn. Vì giá BĐS hiện nay chưa xuống dưới giá sàn nên nhà đầu tư vẫn còn có lãi. Còn doanh nghiệp khó khăn về vốn, họ có thể “xoay” bằng việc chuyển giao dự án, thậm chí anh có thể “lừa” khách hàng để huy động vốn. Nhưng “lừa” khách hàng ở đây là một thủ thuật. Đó là việc anh đưa ra những ưu đãi, quyền lợi để thu hút khách hàng họ mua hàng và nộp tiền.
Thực tế thời gian qua có nhiều doanh nghiệp họ cũng rất tài huy động vốn theo kiểu này rồi. Nhưng khi thị trường gặp khó một chút, nếu Nhà nước nghe doanh nghiệp kêu mà cứu ngay là chết, là lạm phát sẽ tăng ngay.
Còn việc thị trường BĐS đi xuống có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế hay không thì tôi khẳng định là thị trường BĐS hiện nay không có nguy cơ tác động vào thị trường tài chính. Ngược lại, chỉ có nguy cơ thị trường tài chính mất khả năng thanh toán dẫn đến tác động đến thị trường BĐS.
Thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm với dân?
Nhưng nói thế nào thì vẫn phải khẳng định một điều là thị trường BĐS Việt Nam đang gặp khó. Hiện, giá của nhiều phân khúc BĐS đã giảm rất sâu so với trước kia. Ông có nhận định gì về thị trường BĐS nước ta trong thời gian tiếp theo?
Nhiều lần muốn "giải cứu" thị trường BĐS trong lúc Chính phủ kiên quyết kiềm chế lạm phát, phải chăng lãnh đạo Bộ Xây dựng đang muốn... đẽo cày giữa đường?
Tôi cho rằng phải đến cuối sang năm mới có thể hy vọng thị trường hồi phục. Còn hiện tại, tôi nghĩ giá BĐS sẽ tiếp tục xuống, thậm chí xuống dưới giá sàn. Đó là điều tốt cho thị trường.
Thực tế hiện nay nhiều nhà đầu tư đang vướng nợ và đang đến chu kỳ trả nợ. Nhưng các anh đã ăn đủ trong quá khứ rồi, nên giờ là lúc các anh phải có trách nhiệm và phải chấp nhận. Thực tế ấy cho thấy không phải cứ nhảy vào BĐS là có siêu lợi nhuận, đó là một quan niệm bệnh hoạn.
Trong Hội nghị sơ kết 6 tháng hoạt động đầu năm mới đây, Bộ trưởng xây dựng có “bật mí”: Bộ Xây dựng mới có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước có cho biết vẫn có tăng trưởng tín dụng BĐS. Như vậy, trong thời gian qua, Bộ xây dựng vẫn tích cực tìm cách “giải cứu” thị trường BĐS, một giải pháp vốn gây rất nhiều tranh cãi?
Tôi thấy đấy là điều vô nghĩa. Tôi có thể nói đưa lên báo chuyện này, đấy là đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng hiện nay đang thiếu hiểu biết.
Cơn cớ gì Bộ trưởng xây dựng đi kêu cứu và định làm cuộc đối thoại với Thống đốc ngân hàng? Ai cũng biết giá nhà Việt Nam cao hơn mức sống, mức thu nhập người Việt Nam 25 lần. Làm như thế là anh có trách nhiệm với doanh nghiệp của mình, nhưng lại không có trách nhiệm với người dân. Bởi vấn đề quyền lợi người dân quan tâm là giá nhà họ có thể tiếp cận chứ không phải mức giá ngất ngưởng mà các doanh nghiệp đang giữ. Và như thế, là đứng sau một nhóm lợi ích thôi!
Giả sử tín dụng cho BĐS tiếp tục có tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm giống như Bộ trưởng xây dựng đã nói và những đề xuất “gỡ khó” cho thị trường BĐS vẫn được thông qua thì hệ quả gì sẽ diễn ra thưa ông?
Hiện nay khả năng đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng rất yếu. Thậm chí nhiều ngân hàng thương mại cho vay các dự án với lượng vốn rất lớn nhưng khả năng thanh toán giờ chỉ còn 10%.
Trong khi số vốn nghèo nàn tại các ngân hàng thương mại cần phải phục vụ sao cho các mặt hàng tiêu dùng khác như rau, cá, thịt giảm giá đi; thay vào đó, nếu tiền lại chảy vào BĐS thì giá BĐS lại tăng và lạm phát tăng theo là lẽ đương nhiên.
Hiện có một số ý kiến chủ quan cho rằng lạm phát không tăng hoặc có tăng nhưng tăng chậm. Nhưng những nhận định ấy cần phải xem lại. Bởi giá thực phẩm thời gian qua đã tăng từ 2-3 lần rồi. Nhưng chỉ những người đi chợ thường xuyên họ mới cảm nhận được mức lạm phát cao đến cỡ nào thôi. Và, tôi khẳng định lỗ hổng ấy là do thị trường tài chính tiền tệ chứ không phải là do thị trường BĐS gây áp lực cho thị trường tài chính tiền tệ.
Vì thế, nếu đã có mục tiêu là kiềm chế lạm phát thì anh không thể lung lay ngồi “đẽo cày giữa đường” mà quên đi mục tiêu ấy được!
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyên Minh (Phunutoday.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét