“Phải cho tôi toàn quyền như tướng ra trận”

▪  MINH THÚY
03/08/2011 13:26 (GMT+7)
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: Nguyên Hà.
Là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận, toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 3/8.

Phải “nhảy” vào rồi mới biết

Ông có nghĩ chiếc ghế Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ này là ghế “nóng”?

Tôi chưa nghĩ được vì chưa ngồi bao giờ mà cũng chưa sờ đến ghế ấy bao giờ.

Khi chuyển từ quản lý một tập đoàn sang một bộ lớn, ông có những khó khăn và thuận lợi nào?

Vì chưa làm bộ bao giờ nên chưa biết khó khăn thuận lợi ra sao. Phải làm đã. Như Acsimet để nói được chữ Ơ – rê – ka thì phải nhảy vào bồn nước. Nước tràn ra ngoài rồi mới nghĩ ra bài toán để tính thể tích của chiếc vương miện. Phải nhảy vào đấy đã thì mới biết được.

Điểm tựa cho công việc mới của ông là gì?

Trước hết đó phải là lòng tin của Đảng và người dân đối với tôi và ngành giao thông.

Thứ 2, có  một cơ chế đột phá để cho tôi làm việc đó.

Thứ 3, là tư lệnh của ngành, phải cho tôi toàn quyền như vị tướng ra trận là phải được toàn quyền quyết chiến đấu hay không, tiến hay lùi thì mới làm được chứ lại cứ ra vào để xin phép thủ trưởng ở nhà có cho em bắn không, sau bảo không được thì chậm mất, lỡ cơ hội.

Phê chuẩn ông làm Bộ trưởng, Quốc hội và nhân dân đều đặt nhiều kỳ vọng vào ông, ông có cảm thấy áp lực không?

Làm việc thì áp lực lớn phải trở thành động lực. Với cấp dưới của tôi, tôi luôn tạo áp lực cho họ làm việc để họ biến áp lực đó thành động lực phấn đấu làm việc.

Làm việc mà không có động lực phấn đấu, chỉ có hoàn thành thôi thì chả có gì là sung sướng cả. Công việc đầy khó khăn, đầy thử thách thì khi hoàn thành mới vẻ vang.

Kinh nghiệm nào của người tiền nhiệm khiến ông tâm đắc?

Nói chung sẽ kế thừa tất cả kinh nghiệm của ngành giao thông cũng như các bộ trưởng các thời kỳ trước.

Lĩnh vực giao thông đang có không ít vấn đề bức xúc, cá nhân ông sẽ ưu tiên cho vấn đề nào trước hết?

Ưu tiên chính vẫn là giải quyết hạn chế tai nạn giao thông, nâng cao tính hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước. Ưu tiên thứ hai là tăng tính hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước mà theo đó người thực thi công vụ phải nghiêm.

Thứ 3, ý thức của người dân tham gia giao thông phải thay đổi vì họ là chủ thể tham gia giao thông mà cứ nghĩ là trách nhiệm của người khác thì không thay đổi được. Người dân là quyết định.

Chưa đủ điều kiện làm đường sắt cao tốc

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam vốn là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi trên nghị trường. Quan điểm của ông thế nào?

Đường sắt cao tốc là một phương thức vận tải hiện đại, tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều. Chúng ta đang phấn đấu để đến năm 2020 trở thành 1 nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mà một nước hiện đại cần phải có các loại phương tiện giao thông hiện đại. Đến lúc có đủ điều kiện chúng ta sẽ đầu tư.

Vậy trong nhiệm kỳ của mình ông có đề nghị Quốc hội thông qua dự án xây dựng đường sắt cao tốc không?

Khi đất nước ta phát triển nhanh đến độ mà trong 5 năm tới trở thanh 1 nước phát triển thì cần thiết lắm chứ. Còn nếu chưa được như vậy thì ta cần tính vào một thời điểm khác thích hợp hơn.

Trên cương vị người đứng đầu ngành giao thông vận tải, ông sẽ ưu tiên phát triển loại hình giao thông nào?

Thủ tướng nói rồi, trước hết tập trung ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc bắc – nam.

 Thứ 2 nâng cao đường sắt hiện có, sau đó cân đối phát triển đồng bộ các loại quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn với điều kiện vốn đầu tư của mình.

Thứ 3, phát triển một cách hài hòa các phương tiện vận tải giữa đường sắt, đường bộ, đường hàng không.

Còn đường sắt cao tốc thì đúng là chúng ta chưa đủ điều kiện cần thiết để làm.

Hiện nay trong các khối doanh nghiệp của Bộ quản lý có một số đơn vị đang rất khó khăn. Ông sẽ chỉ đạo giải quyết các khó khăn đó theo hướng nào?

Thực ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế như vậy thì có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đều rất khó khăn, không chỉ doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên doanh nghiệp của giao thông có thể khó khăn hơn nhất là trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 11 đang phải cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ. Nhưng tôi nghĩ các doanh nghiệp của ngành cũng có thế mạnh là kinh nghiệm, khả năng chịu thương chịu khó rất lớn.

Giờ chúng ta cần tập trung cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp này, nhất là thực hiện việc cổ phần hóa. Làm sao nâng cao vốn chủ sở hữu, vốn doanh nghiệp để đủ khả năng cạnh tranh, khả năng tham gia đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng giao thông.

Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề được Chính phủ nhấn mạnh trong nhiệm kỳ này, với cương vị mới ông sẽ xây dựng chương trình hành động về vấn đề này?

Tái cấu trúc nền kinh tế là một đòi hỏi khách quan không phải của riêng việt nam mà của cả thế giới. Sau một chu kỳ khủng hoảng, một chu kỳ suy thoái thì từng nước một phải có cơ cấu lại, tái cấu trúc lại để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong tái cấu trúc nền kinh tế thì tái cấu trúc doanh nghiệp là một yếu tố hết sức quan trọng. Ngành giao thông cũng giống như các ngành khác, phải tái cấu trúc lại các doanh nghiệp của mình để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực trong sản xuất để đảm bảo sức cạnh tranh thì mới trụ được.

Vì vậy, ưu tiên số một vẫn là cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước của ngành giao thông để huy động các nguồn lực vào tham gia cùng đầu tư vào các doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét