Na Uy rút khỏi vũng lầy Libya, đẩy NATO vào thế bí

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :3:27 PM, 01/08/2011
Bắt đầu từ hôm nay, Na Uy chính thức rút khỏi vũng lầy Libya bằng việc kết thúc hoàn toàn các hoạt động quân sự tại đây. Quyết định này của Na Uy đang đẩy NATO lâm vào tình cảnh khó khăn.

Bốn máy bay chiến đấu F-16 của không quân Na Uy vừa thực hiện sứ mệnh trên bầu trời Libya lần cuối trước khi nước này kết thúc hoàn toàn mọi hoạt động quân sự tại đất nước Hồi giáo này vào ngày 1/8.

“Không lực Na Uy thực hiện nhiệm vụ cuối cùng vào ngày 31/7. Chúng tôi đánh giá cao và tôn trọng quyết định của tất cả các quốc gia về những gì mà họ có thể đóng góp cho chiến dịch quân sự tại Libya. Na Uy đóng góp rất nhiều”, một quan chức NATO cho biết.

Những chiến đấu cơ F16 của Na Uy thực thi nhiệm vụ ngày cuối cùng trên bầu trời Libya hôm 31/7.

Thực chất động thái muốn rút chân khỏi Libya của Na Uy từng được Chính phủ nước này chính thức cam kết vào hồi giữa tháng 6 khi cho biết sẽ kết thúc các hoạt động quân sự tại Libya không muộn hơn vào ngày 1/8.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vụ khủng bố hôm 23/7 làm 76 người Na Uy thiệt mạng và làm rung chuyển Thủ đô Oslo chính là một động lực lớn để Chính phủ nước này nhanh chóng quyết định rút lui khỏi vũng lầy Libya.

Lý giải cho quyết định này, Chính phủ Na Uy giải thích rằng lực lượng không quân của họ không thể duy trì sự đóng góp lâu hơn nữa vào một chiến dịch oanh tạc lớn trong một thời gian dài.

Việc Na Uy rút chân khỏi Libya rõ ràng đang gây ra nhiều khó khăn cho quân đội liên quân vốn đang phải gồng mình để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến ở Libya.

Trong số 28 nước thành viên NATO, chỉ có 8 nước trực tiếp tham gia các chiến dịch ném bom oanh tạc Libya, nhưng hiện nay sau quyết định rút lui của Na Uy con số này còn 7. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo số lượng quân đội liên quân triển khai ở Libya sẽ duy trì sự ổn định bởi vì đồng thời với việc mất Na Uy, NATO cũng mất thêm tàu sân bay Garibaldi của Italy khi Thượng viện nước này thông qua kế hoạch giảm đáng kể ngân sách và số lượng quân đội triển khai tại Libya hôm thứ 4 tuần trước.

Trước tình hình này, Anh quyết đinh đóng góp thêm bốn chiến đấu cơ Tornado nhằm bù đắp khoảng trống mà Na Uy để lại. Tuy nhiên, các sĩ quan nước này cũng cảnh báo quân đội của họ đang phải chịu một sức ép rất lớn và căng thẳng bởi các cam kết toàn cầu cho các sứ mệnh ở Afghanistan cũng như ở Libya.

Bên cạnh đó, đồng minh của NATO cũng bắt đầu thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với chiến dịch ở Libya. Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen cũng thừa nhận rằng họ đang bị dồn vào thế bí.

Thêm vào đó, một nhà ngoại giao phương Tây cũng bày tỏ lo ngại rằng việc theo đuổi một nhiệm vụ mờ mịt ở Libya sẽ rất khó khăn đối với một số quốc gia bởi họ bị phụ thuộc vào quyết định của Nghị viện mỗi nước. “Sẽ có một cuộc tranh luận nóng. Sự tín nhiệm đối với liên quân đang bị đe dọa”, vị quan chức này nói.

>> Thế bế tắc của tất cả các bên tham chiến tại Libya

Lê Dung (theo Free Republic, Emirates247)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét