>> Chỉ huy lực lượng nổi dậy tại Libya bị sát hại
Những thông tin này được chia làm hai nhóm: luồng thông tin thứ thất cho rằng Younes bị lực lượng bí mật trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sát hại; luồng thông tin thứ hai cho rằng Younes bị ám sát bởi phần tử vũ trang ở phía đông hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC).
Tuy nhiên, theo mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor của Mỹ ngày 3/8, cho dù sự thật là thế nào thì tác động của việc Younes bị giết đối với uy tín, độ tin cậy của NTC là như nhau. NTC dường như không thể kiểm soát được khu vực căn cứ của mình ở miền đông Libya, chứ chưa nói đến việc quản lý toàn bộ đất nước.
Ngày 28/7, lãnh đạo NTC Mustafa Abdel-Jalil chính thức tuyên bố Younes bị giết, nhưng kể từ đó đến nay ông đã nhiều lần thay đổi thông tin về vụ việc này. Trước tiên, Abdel-Jalil khẳng định Younes bị giết bởi một "nhóm vũ trang" khi trên đường đến Benghazi. Nhưng đến ngày 30/7, ông lại nói Younes bị phục kích sau khi đã gặp các quan chức NTC tại Benghazi.
Ba ngày sau khi tuyên bố Younes bị giết, một quan chức của NTC tuyên bố lực lượng nổi dậy ở Benghazi đã có cuộc giao tranh kéo dài 5 giờ với các thành viên của một nhóm bí mật trước đây giả vờ trung thành với NTC.
Mặc dù Mahmoud Shammam, một quan chức của NTC, nói rằng cuộc giao tranh này không liên quan gì đến cái chết của Younes, nhưng điều này củng cố thêm giả thuyết lực lượng bí mật trung thành với Gaddafi đã giết Younes. Tuy nhiên, những suy luận của nhiều quan chức NTC lại tạo ra một khả năng khác.
Nếu Younes thực sự bị giết bởi một hoặc hai phần tử vũ trang làm việc cho NTC, khi đó ý kiến cho rằng NTC là đại diện hợp pháp duy nhất cho người dân Libya, hoặc người dân miền đông Libya, cũng lập tức bị nghi vấn.
Tình hình còn tệ hơn khi bằng chứng cho thấy lực lượng nổi dậy bao gồm cả các thành viên cũ của Nhóm đấu tranh Hồi giáo Libya, những kẻ có lý do để tìm cách trả thù Younes vì những hành động của ông này khi còn là bộ trưởng nội vụ. Điều này đã tạo ra mối lo ngại mới cho những người đặt niềm tin vào lực lượng nổi dậy.
Trước đây, cũng đã có những nghi ngại về bản chất của lực lượng nổi dây, đặc biệt là tuyên bố của Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, Đô đốc James Stavridis, đưa ra hồi tháng 3/2011 rằng các phần tử al-Qaeda và Hezbollah có thể trà trộn vào lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, dường như các nước thúc đẩy cuộc không kích cảm thấy rằng bất cứ ai cũng tốt hơn Gaddafi.
Với việc London ngày 27/7 công nhận NTC là đại diện hợp pháp duy nhất cho nhân dân Libya, còn rất ít quốc gia phương Tây chưa công nhận lực lượng nổi dậy ở Libya.
Tuy nhiên, Cộng hòa Séc lại thể hiện mội thái đội hoài nghi công khai hiếm có. Mặc dù Praha đã bổ nhiệm một "đại sứ chớp nhoáng" đến Benghazi, nhưng Ngoại trưởng Karel Schwarenzberg ngày 29/7 vẫn nói rằng: "Tôi có thể thấy họ (lực lượng nổi dậy) tốt, nhưng tôi sẽ không chính thức công nhận cho đến khi họ giành được quyền kiểm soát toàn bộ đất nước."
Như vậy, quyết định coi NTC là sự thay thế tối ưu cho chế độ Gaddafi có thể đã được đưa ra vội vàng khi chưa có nhiều thông tin về các lực lượng nổi dậy. Sau hơn 4 tháng không kích Libya, Gaddafi vẫn nắm quyền và lòng tin của những người phát động cuộc không kích đang phai nhạt.
Theo Vietnam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét