Việt Nam kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược'

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :7:49 AM, 05/08/2011
Nhân kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu (5/8/1964 - 5/8/2011) của Hải quân nhân dân VN, Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ảnh), đã trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên.

Thăm tàu phóng lôi

Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm sẵn sàng chiến đấu cũng như năng lực tác chiến thực tế của Hải quân VN trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay? Việc mua sắm trang bị vũ khí cho Hải quân vừa qua đã góp phần như thế nào vào nâng cao tiềm lực quốc phòng đất nước?

VN là đất nước có bờ biển dài, kinh tế biển chiếm tỷ lệ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, phát triển Hải quân để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển và đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân VN.

Hiện nay, kinh tế VN phát triển và có nguồn dự trữ, do vậy cùng một số quân, binh chủng khác như Phòng không - Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử... Hải quân cũng đã và đang được đầu tư trang bị để đảm bảo đủ mạnh đánh bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biển đảo VN. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng chính sách quốc phòng của VN là hòa bình và tự vệ. Dù có trang bị, mua sắm thêm vũ khí cũng là nhằm mục tiêu đó.

Hiện Hải quân VN đã và đang mua sắm, trang bị một số tàu ngầm, máy bay và các loại tàu tuần tiễu, tàu chiến và tên lửa bờ biển. Hải quân VN không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu để có đủ khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên biển của VN. Đồng thời sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác trong lực lượng vũ trang nhân dân nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên biển.

Tàu tên lửa Vùng 4 Hải quân huấn luyện trên biển.

Nhà nước ta khẳng định công cuộc hiện đại hóa quân đội VN chỉ mang tính tự vệ và được tiến hành phù hợp khả năng kinh tế của đất nước. Đây có phải là thách thức đối với quân đội, Hải quân VN trong nhiệm vụ nắm bắt kịp trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự tiên tiến trên thế giới?

VN chủ trương từng bước hiện đại hóa quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng chỉ nhằm duy trì sức mạnh quân sự ở mức cần thiết để tự vệ; không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược.

Tiềm lực đất nước còn hạn chế, nên không thể một lúc trang bị đủ ngay cho quân đội và Hải quân. Song quân đội và Hải quân nhân dân VN đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình để sử dụng hiệu quả nhất những gì mà Đảng, Nhà nước, nhân dân trang bị.

Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ACNM) lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 7.2011 đã đánh giá sự hợp tác của Hải quân ASEAN trong những năm qua ngày càng được củng cố cả về chiều rộng, chiều sâu và mang tính thực chất cao hơn. Xin ông cho biết những yếu tố nào đã thúc đẩy xu hướng hợp tác này?

Tại Hội nghị ACNM-5 vừa qua, Hải quân các nước ASEAN đều đồng thuận đánh giá rằng sự hợp tác của Hải quân ASEAN trong những năm gần đây đã được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và mang tính thực chất cao hơn. Theo tôi, có nhiều yếu tố thúc đẩy xu hướng hợp tác này:

Thứ nhất, hòa bình, hợp tác là xu thế chung trên toàn cầu hiện nay. Quốc gia nào cũng cần có hòa bình, ổn định để hợp tác phát triển đất nước mình.

Thứ hai, những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống hiện có chiều hướng gia tăng ở các khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế mỗi nước, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của các khu vực. Mỗi quốc gia đơn độc không thể tự giải quyết được những vấn đề an ninh mang tính khu vực và toàn cầu. Vì vậy, hợp tác là yêu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia.

Thứ ba, mục tiêu của Hải quân VN cũng như Hải quân tất cả các nước ASEAN là mong muốn đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực, góp phần vào xây dựng thành công Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN vào 2015.

Thứ tư, đây cũng là kết quả của sự nỗ lực thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương giữa Hải quân các nước ASEAN trong những năm vừa qua và nó được tăng cường qua 4 lần gặp gỡ, tương tác Hải quân ASEAN trước đây từ 2001 đến 2010.

Hoàng Sa - Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà nhiều thế hệ ngư dân, lính biển thuộc các triều đại, chính thể liên tiếp đã kiên cường bảo vệ qua hàng trăm năm. Ông nghĩ gì về ý kiến cần có sự ghi nhận và tôn vinh xứng đáng với tất cả những người VN đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia?

Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc VN XHCN. Dân tộc ta trải qua các thời kỳ, các chế độ chính trị khác nhau đã chấp nhận hy sinh, kiên cường giữ gìn, bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Theo tôi, đây thuộc về vấn đề lịch sử, chúng ta cần trân trọng và ghi nhận những thành quả mà các thế hệ đi trước đã gìn giữ phần lãnh thổ thiêng liêng đó.

Xin chân thành cảm ơn ông!

>> Kaiten - 'kẻ hủy diệt' tàu sân bay Trung Quốc?

Theo Thanh Niên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét