Thứ Tư, 27/07/2011, 05:31 (GMT+7)
TT - Lúc 9g sáng 26-7, tàu Giao Long do Trung Quốc chế tạo với thủy thủ đoàn ba người đã kết thúc chuyến lặn thử ở độ sâu 5.057m, và ở lại độ sâu này nửa giờ trong một chuyến lặn dài tổng cộng sáu giờ... Dự kiến tàu sẽ lặn thử ở độ sâu 7.000m vào năm 2012
Tàu Giao Long của Trung Quốc - Ảnh: THX |
Theo Tân Hoa xã, chuyến lặn thử này diễn ra ở phía đông bắc Thái Bình Dương và với độ sâu này, tàu lặn Trung Quốc có khả năng thám sát 70% các đáy đại dương trên thế giới. Chuyên gia thiết kế tàu lặn Giao Long Từ Khởi Nam cho biết lần thử thành công này đã đưa Giao Long vào “hàng bậc nhất thế giới” trong lĩnh vực tàu lặn.
Giao Long được thiết kế để đạt độ lặn sâu 7.000m nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, khảo sát các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển và các đại dương.
AFP ngày 26-7 cho biết trong những năm qua, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực thăm dò để tìm kiếm dầu và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng của mình. Cơn khát nguyên liệu ngày càng tăng và việc Bắc Kinh tăng cường khả năng quân sự của mình đang trở thành mối lo ngại cho thế giới, nhất là các nước láng giềng châu Á.
Năm 2010, việc tàu Giao Long cắm cờ dưới đáy biển Đông, nơi đang diễn ra những tranh chấp về chủ quyền giữa nhiều nước, được mô tả như một sự khiêu khích.
ĐÔNG PHƯƠNG
Nhật Bản lo ngại Trung Quốc tăng cường hải quân
TTO - Trong sách trắng quốc phòng công bố ngày 2-8, Nhật Bản đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc gia tăng hoạt động tại biển Đông và những mâu thuẫn với các quốc gia ASEAN.
Trung Quốc tân trang lại một chiếc tàu sân bay mua từ Ukraine năm 1998 để làm tàu sân bay đầu tiên của mình - Ảnh: Reuters |
Những sách trắng các năm trước đó đã đề cập việc Hải quân Trung Quốc và nhiều đối tượng khác hoạt động tại vùng biển xung quanh Nhật Bản, nhưng sách trắng quốc phòng Nhật Bản (gọi tắt là sách trắng) năm nay lần đầu tiên dành ra mục nói về các hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông. Trong đó viết rõ những hành động của Trung Quốc có thể "ảnh hưởng hòa bình, ổn định trong khu vực và cộng đồng quốc tế".
Lo ngại Trung Quốc tăng cường hoạt động hải quân
Phản ứng trước việc Bắc Kinh tuyên bố tân trang lại một tàu sân bay cũ từ Ukraine vào tuần trước và những nguồn tin của Reuters cho thấy nước này đang tự đóng hai tàu sân bay, sách trắng đã nói Trung Quốc phản ứng "độc đoán" để giải quyết những mâu thuẫn trong khu vực.
"Với việc hiện đại hóa hải quân và không quân Trung Quốc những năm gần đây, tầm ảnh hưởng của nước này có thể đã lan ra các vùng biển láng giềng - Reuters trích sách trắng -Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh những hoạt động này, hoạt động hải quân sẽ tăng cường ở các vùng biển quanh Nhật Bản như biển Hoa Đông, Thái Bình Dương và biển Đông".
Sách trắng hoan nghênh việc Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản tăng cường quan hệ với Mỹ để kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Bộ trưởng quốc phòng Toshimi Kitazawa đã đề cập cuộc đối thoại an ninh 2+2 giữa Nhật Bản và Mỹ do chính phủ tổ chức lần đầu tiên vào tháng 6 "là một dấu ấn cực kỳ quan trọng, hơn 80% lực lượng chính trị Nhật Bản đã cam kết ủng hộ liên minh Mỹ - Nhật". Năm ngoái, Nhật Bản đã đồng ý với Mỹ về việc di chuyển căn cứ Futenma của thủy quân lục chiến Mỹ khỏi phía nam đảo Okinawa đến một hòn đảo ít dân hơn, nhưng chưa được dân chúng đồng thuận. |
Hiện Nhật Bản đã có kế hoạch tăng số lượng tàu ngầm quân sự của nước này từ 16 lên 22 chiếc nhằm phản ứng tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc. Nước này đã có máy bay chiến đấu tiên tiến như những máy bay chiến đấu đại bàng F-15 của Boeing, các tàu hải quân bao gồm những tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo phòng vệ Aegis của Lockheed Martin. Lực lượng tự vệ Nhật Bản hiện có 230.000 người, bằng 1/10 lực lượng lính chiến đấu Trung Quốc.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng tới 70% trong vòng 5 năm qua, trong khi Nhật Bản đã giảm 3% cùng kỳ. Sách trắng cũng nói chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc không minh bạch, rằng khoản ngân sách chi cho hoạt động quốc phòng mà Trung Quốc công khai "chỉ là một phần mà Bắc Kinh đã thật sự chi cho các mục đích quân sự".
Sách trắng cũng có phần nói về việc Trung Quốc tăng cường mở rộng ảnh hưởng đến những vùng địa lý xa xôi như Trung Đông, châu Phi, các đảo quốc ở Thái Bình Dương, Trung và Nam Mỹ. Theo sách trắng, vấn đề an ninh mạng là một vấn đề nóng trên thế giới, và một quan chức Bộ Quốc phòng thừa nhận họ đã để mắt đến Trung Quốc khi có những tin đồn rằng các vụ tấn công website chính phủ trên thế giới có thể xuất phát từ Trung Quốc.
Phản đối chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
Trong sách trắng quốc phòng, Nhật Bản đã lên án chương trình phát triển tên lửa và đạn đạo hạt nhân, cũng như những hành động gây khiêu khích trên bán đảo Triều Tiên. Theo Reuters, sách trắng nhận định những hành động thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên "là một mối đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của quốc gia, tổn hại đến hòa bình và bình ổn tại khu vực Đông Bắc Á và cộng đồng quốc tế"
Hãng tin AP trích dẫn sách trắng quốc phòng Nhật Bản rằng CHDCND Triều Tiên đang phát triển một hệ thống tên lửa có thể nhắm bắn tới Guam. Theo đó, hệ thống tên lửa này là Musudan, được chế tạo theo công nghệ của Nga từ những năm 1990. Tên lửa có phạm vi 2.500-4.000 km từ CHDCND Triều Tiên, khiến 50.000 lính Mỹ đang đóng tại Nhật Bản và đảo Guam nằm trong tầm bắn.
TẤN KHOA (Theo Mainichi Daily, Reuters, AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét