Cập nhật lúc :10:36 AM, 02/08/2011
>> Xa vời viễn cảnh thống nhất hai miền Triều Tiên
Theo phía Hàn Quốc, quan chức phải rút lui khỏi chính quyền Bình Nhưỡng chính là Giám đốc Cục Tình báo Kim Yong-chol, nhân vật mà phía Hàn Quốc cho là “tác giả” của vụ nã pháo về phía đảo Yeaonpyeong cũng như vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc.
Ngoài ra, Seoul còn khẳng định, ông Kim Yong-chol đứng sau vụ tấn công hệ thống mạng của Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc quả quyết, một khi nhân vật này còn cận kề bên Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il và lãnh đạo tương lai của Bình Nhưỡng Kim Jong-un thì quan hệ giữa hai miền sẽ khó có thể được cải thiện.
“Nếu ông Kim Yong-chol còn gây ảnh hưởng lên cả Chủ tịch Kim cùng con trai Kim Jong-un thì những cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên sẽ khó có thể đạt kết quả như mong đợi”, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc khẳng định.
Thậm chí một số học giả của Seoul còn nhận định, ông Yong-chol có thể tạo ra nhiều vụ khiêu khích trong tương lai nếu hai miền không sớm nối lại đàm phán.
“Cục Tình báo Triều Tiên có thể tìm cách phá hủy cơ sở hạ tầng của Hàn Quốc thông qua các điệp viên của mình ở Seoul, hoặc tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào những nhân vật Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Và cũng rất có thể, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thực hiện một vụ tấn công mạng”, một điệp viên Hàn Quốc nhấn mạnh.
Phía Hàn Quốc ra điều kiện cho Triều Tiên phải sa thải ông Yong-chol (giữa). |
Ông Kim Yong-chol là quan chức duy nhất mới đây được bầu vào Ủy ban quân sự Trung ương của đảng Lao động Triều Tiên.
Theo Chosun Ilbo, ông Kim Yong-chol là nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với ông Kim Jong-un bởi ông là người trực tiếp giảng dạy cho người con trai út của Chủ tịch Kim kiến thức quân sự trong khi ông Jong-un học tập tại ĐH Quân sự Kim Il Sung. Thậm chí nhiều nguồn tin cho rằng, ông Yong-chol là người "tạo nên" nhân cách Kim Jong-un.
Trước đó, Triều Tiên hôm qua tuyên bố sẵn sàng quay lại bàn đàm phán 6 bên về hạt nhân “trong thời gian sớm nhất” và “vô điều kiện”. Một thông cáo của Bộ Ngoại giao, được hãng thông tấn trung ương KCNA trích dẫn, Triều Tiên khẳng định nước này không thay đổi quan điểm về việc tái khởi động cuộc đàm phán.
Thông cáo của Triều Tiên cũng cho hay, Chính phủ nước này sẵn sàng thực thi cam kết đưa ra từ năm 2005 nhằm tiến tới chấm dứt chương trình hạt nhân “để đổi lấy trợ giúp về năng lượng và kinh tế”.
Vòng đàm phán 6 bên giữa Triều Tiên, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản diễn ra lần cuối vào cuối năm 2008. Bình Nhưỡng rút khỏi bàn đàm phán hồi tháng 4/2009, ngay trước khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 2.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét