Bí ẩn đau đớn trong ngôi mộ cổ
Người thì xin đinh về đuổi tà ma, người thì xin chiếc hộp và chiếc xương quạt về để yểm bùa. Ngôi mộ bị xới tung lên đau đớn.
Chiếc tiểu sành mà ông Ngô Bẩm mua về để chứa xương cốt, không thể nhét vừa một ông quan có dáng vóc cao lớn, còn nguyên thịt da. Vì thế, họ đào ngay một cái hố ở cạnh chỗ vừa khai quật mộ, rồi dùng bồ cào kéo xác xuống, lấp đất kín lại.
Sau khi phá tan ngôi mộ, tìm kiếm khắp nơi, không thu được vật gì giá trị, mà xác chết lại phân hủy, bốc mùi, nên những người trong tổ đào bới, san lấp gò đống quyết định “xử lý” xác chết. Tuy nhiên, chiếc tiểu sành mà ông Ngô Bẩm mua về để chứa xương cốt, không thể nhét vừa một ông quan có dáng vóc cao lớn, còn nguyên thịt da.
Người dân thôn Ngọc Quỳnh vẫn thường xuyên hương khói ở ngôi mộ mà họ tin là của Thái úy Lý Thường Kiệt.
Vì thế, họ đào ngay một cái hố ở cạnh chỗ vừa khai quật mộ, rồi dùng bồ cào kéo xác xuống, lấp đất kín lại. Ông Mai Văn Tòng, người trực tiếp đào phá mộ ngậm ngùi kể rằng, trong lúc chôn cụ, mọi người đẩy những miếng hợp chất cứng như “bê tông” xuống hố khiến vỡ cả sọ, gẫy cả chân của cụ.
Không thu hoạch được tài sản gì từ ngôi mộ, lại còn mất nhiều công sức hoàn táng, nên đội san lấp gò đống thôn Ngọc Quỳnh đã bàn bạc và thống nhất tận thu những tấm ván thiên để bán. Tấm ván dày làm bằng gỗ tốt đó đã được bán cho một thợ mộc trong xóm với giá 400 đồng, đủ một bữa liên hoan.
Ông Phan Văn Sợi, người trực tiếp "tắm rửa" hài cốt của vị quan.
Ông Phan Văn Sợi, là người trực tiếp theo dõi vụ phá mộ và sau này “tắm rửa” cho vị quan kể: Sau khi đào phá ngôi mộ, dân làng cứ đồn đại ầm ầm rằng, đó là mộ của Lý Thường Kiệt. Bà Ỷ Lan sinh ra, chết đi, lại có đền thờ ở thôn Ngọc Quỳnh, mà Lý Thường Kiệt từng phục vụ bà Ỷ Lan, thì chắc chắn ngôi mộ đó là của Lý Thường Kiệt (?!).
Có lẽ do đền thờ bà Ỷ Lan ở thôn Ngọc Quỳnh, nên người dân tin rằng, ngôi mộ cổ ở gần đó là của Lý Thường Kiệt!
Cứ đồn đoán, cứ suy diễn như thế, rồi dần dần, cái ngôi mộ với xác ướp đó, đã biến thành ông Lý Thường Kiệt thực sự. Thậm chí, trong một số giá đồng trong đền thờ bà Ỷ Lan, người ta còn đồn, ông Lý Thường Kiệt… hiện về quở trách những người phá mộ!
Chính vì niềm tin vị quan trong mộ kia là Lý Thường Kiệt, nên dân làng rất kính trọng. Cứ đến ngày hội, ngày lễ, thậm chí ngày rằm, hoặc gia đình có việc đại sự, người dân lại ra mộ thắp hương, khấn vái cầu phúc, cầu lộc.
Ông Ngô Vui, Trưởng Ban liên lạc họ Ngô Việt Nam có niềm tin vững chắc rằng người nằm dưới mộ là Thái úy Lý Thường Kiệt.
Niềm tin đó lớn đến nỗi, khiến những người trong tổ đào phá mộ năm xưa rất ăn năn. Thế rồi, năm 1998, dân làng quyết định cải táng cho cụ. Một tổ gồm hơn chục người được phân công đào mộ, còn ông Phan Văn Sợi và ông Cảnh – người trông nom đền thờ Ỷ Lan nhận nhiệm vụ “tắm rửa” xương cốt cho cụ để “đưa” cụ vào tiểu sành.
Ông Sợi kể: “Đời tôi bốc cả trăm ngôi mộ, nhưng chưa từng thấy xương ai to và dài như xương ông quan này. Nhìn cái tiết diện xương sống to đúng bằng cái đèn pin, tôi đoán chắc chắn ông quan này phải cao tầm 1,9m. Người xưa mà cao to như thế thì đúng là nhân vật đặc biệt. Xương cốt lớn, lại rắn chắc, râu dài ngang ngực, thì quả là một vị quan võ đầy uy phong”.
Cũng theo ông Sợi, mặc dù xương lẫn trong đất, màu đen xỉn, song ông vẫn nhận ra dấu vết mà những người chôn cụ ứng xử không phải. Hộp sọ cụ bị thủng một lỗ, ống chân bị gãy làm đôi do những miếng “bê tông” ném trúng.
Đại diện của họ Ngô Việt Nam thảo luận tại đền thờ bà Ỷ Lan ở thôn Ngọc Quỳnh.
Sau khi cải táng cho ông quan, đích thân ông Bảng và một số ông trông coi ngôi đền thờ Ỷ Lan ở Ngọc Quỳnh đã tiến hành xây một ngôi mộ nhỏ. Họ làm hình thù ngôi mộ như một ông quan đang ngồi, đầu đội mũ tai chuồn.
Lại nói về di vật trong ngôi mộ. Chỉ có duy nhất chiếc hộp sáp bằng gỗ, bé bằng miệng cái chén và chiếc quạt còn nguyên vẹn. Cụ Thực đã xin cái quạt đó, rồi đứng ngay bên mộ, vừa phe phẩy vừa bông đùa: “Ta là quan hoạn đây, hi hi”.
Ông đội trưởng thì xin 10 chiếc đinh, mỗi chiếc dài chừng 10cm, lượm được trong mộ đem về yểm trong nhà… đuổi tà ma. Theo ông này, ma quỷ thường sợ quan, nên lấy đinh của quan cắm ở nhà, nhất định ma quỷ không dám vào!
Những di vật thu được trong mộ được ông Bảng cất giữ cẩn thận.
Ông Bảng thì xin đội đào bới cái hộp đựng sáp nhỏ xíu và một mẩu xương quạt về làm kỷ niệm. Hiện tại ông Bảng vẫn giữ hai di vật này. Ông cho vào bao thuốc lá, gói lớp nữa bằng túi nilon và cất giữ cẩn thận. Mỗi khi có nhà khoa học về tìm hiểu ngôi mộ, ông Bảng lại cẩn thận lôi ra, cho các nhà khoa học nghiên cứu, quay phim, chụp ảnh.
Ông Bảng đã mang cho tôi xem hai di vật này. Tôi thấy, trên chiếc xương quạt có khắc một số hoa văn và một loại ký hiệu giống như chữ triện. Tuy nhiên, những nhà khoa học, những nhà nho từng xem đều chưa đọc được. Nhiều người đã chụp ảnh, mang chữ đi, song vẫn chưa có hồi âm.
Liệu đây có phải chữ triện?
Ông Lê Ngọc Cam, trưởng thôn Ngọc Quỳnh, người cũng chứng kiến đầy đủ cuộc khai quật mộ cho biết, trên tấm ván thiên và dưới đáy bể hợp chất có một số chữ Hán. Các cụ già hiểu biết chữ Hán đã được mời ra đọc. Thế nhưng, việc dịch mấy chữ trên ván thiên cũng mỗi người một kiểu. Người thì dịch là “Đại thị công khanh”, người lại ra “quan hoạn”…
Sau đó, tấm ván thiên bị ông thợ mộc xẻ ra làm tủ, nên chả còn nữa. Còn mấy chữ khắc ở đáy bể hợp chất thì không ai dịch được, nên phá bỏ. Ông Cam kể rằng, sau khi phá mộ, dân công khuân những tấm “bê tông” làm kè mương, làm chỗ đứng tát nước, nên giờ khai quật cánh đồng lên, có thể sẽ tìm thấy những chữ đó.
Ông Lê Ngọc Cam tin rằng, đào bới cánh đồng Ngọc Quỳnh sẽ tìm thấy tấm "bê tông" có chữ cổ.
Có lẽ, vì những lời dịch đó, nên ngay lúc ấy, ai cũng tin đây là mộ của ông Lý Thường Kiệt. Những lời đồn đại mỗi ngày dày thêm và giờ đây, sau 30 năm đồn đoán, trong tâm tưởng của người dân Ngọc Quỳnh, vị quan nằm dưới mộ, đã đúng là… Thái úy Lý Thường Kiệt – một vị tướng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Vậy, người nằm dưới ngôi mộ đầy kỳ lạ và đau thương kia, có phải Lý Thường Kiệt?
Gửi vào 01/06/10 14:02
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét