- Họ không hẹn nhau, nhưng họ cùng gặp nhau vào tuổi xế chiều. Mỗi người mỗi câu chuyện. Nhưng tất cả đều cùng chung một nỗi niềm, ước muốn được sống trong sự chăm sóc, yêu thương của con cháu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những cụ già “tự nguyện” vào viện dưỡng lão
Câu chuyện khác nhau, nhưng họ cùng chung một nỗi niềm mong có người thân sum tụ, cùng ăn bữa cơm như cụm từ mọi người thường nhắc: “Gia đình”.
Cụ đi vào viện dưỡng lão, đôi mắt người bảo vệ nhướn lên rồi nhanh chóng cụp xuống. Lóng ngóng với khuôn viên rộng, chằng chịt lối đi, cụ quay lại cổng: “Muốn vào ở trong này phải làm thủ tục thế nào vậy chú?” .
Cụ Lâm Cảnh Tuế vỗ tay bắt theo nhịp hát. |
Đó là một buổi sáng đẹp trời, nhưng trĩu nặng tâm trạng. Nắng gắt, rọi thẳng lên mái đầu bạc của người đàn bà 75 tuổi, băn khoăn mãi hi vọng. Người bảo vệ cất tiếng: “Cụ vào đây ở theo dạng dịch vụ ạ?”. “Vâng!”. “Hôm nay Chủ nhật, phòng hành chính không làm việc, sáng mai cụ quay lại liên hệ nhé”. Bà nở nụ cười buồn: “Bọn nó bận lắm. Ở nhà thui thủi một mình mấy năm nay, tôi buồn, tôi đau ốm mà không ai biết. Thôi thì xin vào đây ở, lâu lâu bọn nó còn vào thăm”.
Bà là Nguyễn Kim Lan, nhà ở Bình Tân (TP.HCM), có hai người con trai đã lập gia đình. Hiện bà sống cùng con trai cả. Ở chung nhà mà ít gặp được con.
Hỏi con bà có biết bà xin vào đây không? Bà chặc lưỡi, những vết nhăn trên trán hiện rõ hơn: “Không. Tôi định làm xong thủ tục rồi nói”.
Theo lời kể của bà, sau khi ly dị vợ, người con trai cả lao đầu vào công việc, quên mất cả mẹ. Người con út ở cách nhà mẹ 3 cây số cũng bận tối tăm mặt mũi, bà ở nhà với 4 bức tường, cơm nước tự lo, lại mắc chứng cao huyết áp, có hôm lụy xuống hàng xóm đưa vào viện mà con vẫn không biết. Vì thế, sau nhiều năm suy nghĩ, bà quyết tự đi đến trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè.
Thèm một bữa cơm gia đình
Tâm sự của một người phụ nữ sống trong nhà dưỡng lão tình thương dành cho người neo đơn Vinh Sơn (số 469, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến người nghe thấy đắng ngắt bởi ước nguyện bình dị nhưng không bao giờ thành hiện thực.
“Giá mà biết cảm giác có một gia đình cùng quây quần chung bữa cơm thôi, tôi cũng thấy mãn nguyện rồi”. Bà dùng kéo cắt bớt đi chân quần vì “ nó dài vướng víu dễ ngã”, đường kéo méo xệch.
Cụ Nguyễn Thị Khuê, 76 tuổi, trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, lăn lộn kiếm từng đồng nuôi cha mẹ, em gái, để khi nhìn lại thấy mình đã ở tuổi lục tuần. Sau khi ba mẹ mất, em gái lấy chồng, thấy em gái cũng khổ, bà lại lang bạc khắp Sài Gòn buôn bán. Cho đến một ngày bà lâm bệnh nặng, nằm liệt được các sơ đưa vào trung tâm điều trị hơn nửa năm. “Bây giờ sức khỏe đỡ rồi, mọi sinh hoạt đều có thể tự lo, chỉ là tôi thèm có gia đình để gọi như người ta thôi”.
Một buổi ăn tập thể của các cụ già tại nhà dưỡng lão Vinh Sơn. |
Cũng tại đây, căn phòng dành cho những cụ bị liệt hôm nay sôi động hơn bình thường. Một đoàn từ thiện đến từ Nam Phi, khua trống, vỗ tay khiến các cụ cười nhiều đến nỗi chảy cả nước mắt.
Cụ Lâm Cảnh Tuế (92 tuổi), mặc dù không thể đi lại được cũng cố gắng vỗ tay để bắt theo nhịp hát. “Vui lắm, lần đầu tiên nghe tiếng trống to như vậy”. Cụ là một trong số 62 người già neo đơn được trung tâm đưa về nuôi dưỡng cách đây hơn 20 năm. Cụ kéo tay đoàn khách liên tục nói: “ Nhanh quay lại nhé, hết nhạc, ở đây cụ buồn lắm”. Cụ tâm sự: “Vô đây cho bọn nó có nhà ở, nếu không bọn nó lấy nhà đâu mà ở”. Thấy tôi không hiểu, bà xua tay, khóe mắt trào ra giọt nước mắt.
Bà Nguyễn Thị Hồng, một người nằm cạnh giường liền giải thích: “Bà bị con cái ruồng bỏ, cả chục năm nay bà chờ con đến đón về nhà, chờ hoài không thấy đâu cả”.
Hai cụ thân nhau như chị em, mỗi khi có bánh của khách tặng, hai cụ lại mở ra ăn cùng. “Ai được khách tặng bánh nhiều hơn sẽ mở của người đó trước, có bữa bệnh không ăn được, người kia lại ăn một mình, buồn lắm”.
- Sau Bình - A Sám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét