Mỹ lập căn cứ nổi ở Trung Đông

Chủ Nhật, 29/01/2012, 09:36 (GMT+7)

TT - Washington đang gấp rút chuẩn bị đưa căn cứ nổi đến điểm nóng Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng với Iran đang leo thang và lực lượng Al Qaeda trỗi dậy ở Yemen.
Tàu đổ bộ USS Ponce sẽ được cải tạo thành căn cứ nổi gửi đến Trung Đông - Ảnh: Reuters
Washington Post ngày 27-1 dẫn một số tài liệu cho biết theo yêu cầu của bộ chỉ huy trung tâm giám sát các chiến dịch quân sự ở Trung Đông, hải quân Mỹ đang cải tạo một tàu chiến cũ thành một căn cứ tạm cho lực lượng biệt kích. “Tàu mẹ” này, được cải tạo từ tàu vận tải đổ bộ USS Ponce, có khả năng sẽ được sử dụng làm căn cứ cho các tàu cao tốc loại nhỏ như Mark 5 Zodiacs hay Rigid Hull và trực thăng thường được biệt kích SEAL sử dụng cũng như cho các máy bay không người lái. Trong bối cảnh Lầu Năm Góc chuẩn bị giảm gần 500 triệu USD chi tiêu quốc phòng trong thập niên tới, việc phát triển các lực lượng đặc biệt là một phần chủ chốt trong chiến lược cải tổ quân đội của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Người phát ngôn bộ chỉ huy các lực lượng hạm đội hải quân Mỹ không cho biết mục đích và vị trí cụ thể của căn cứ nổi này ở Trung Đông. Một số quan chức khác tiết lộ căn cứ nổi này đang được gấp rút thực hiện và dự kiến sẽ đến Trung Đông vào hè năm nay. Lầu Năm Góc cho hay việc cải tổ tàu Ponce chỉ là giải pháp tạm thời cho đến khi Mỹ đóng căn cứ nổi mới từ ngân sách tài khóa 2013 dự kiến bắt đầu từ tháng 10-2012.
Dù vậy, các tài liệu hải quân cho thấy đích đến của căn cứ nổi sẽ là vịnh Ba Tư, nơi Iran gần đây liên tục đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu huyết mạch của thế giới. Bộ chỉ huy hải vận Mỹ mới đây cũng tuyên bố cần có sự hiện diện của một căn cứ nổi tại vùng vịnh này. Một số tài liệu khác nhận định căn cứ nổi có thể được dùng “hỗ trợ các sứ mệnh đối phó với thủy lôi”. Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, nếu đóng cửa eo biển Hormuz, Iran sẽ sử dụng thủy lôi để làm tắc nghẽn lưu thông hàng hải qua eo biển này.
Đội biệt kích SEAL số 6 - Ảnh: AFP
Tấn công nhanh hơn
Việc triển khai một căn cứ nổi sẽ không làm tăng sức mạnh của hải quân Mỹ nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các chiến dịch biệt kích bí mật.
Căn cứ nổi có thể dùng để triển khai các chiến dịch biệt kích. “Nó là một căn cứ nhỏ hoàn hảo cho việc tung ra các chiến dịch nhanh gọn hoặc các chiến dịch ven biển đặc biệt hoặc phục vụ mục đích tình báo” - chuyên gia an ninh quốc gia James Jay Carafano nhận định. Không giống các tàu chiến khác phải thường xuyên di chuyển, căn cứ nổi có thể neo trong nhiều tuần thậm chí nhiều tháng, giúp các biệt kích quan sát những khu vực ven biển và chuẩn bị cho các chiến dịch đổ bộ hiệu quả hơn.
Theo Wall Street Journal, căn cứ nổi sẽ cho phép tiến hành các cuộc đột kích nhỏ gần bờ biển một quốc gia mà không cần phải xin phép đổ bộ. Ngoài ra, một căn cứ nổi có thể phục vụ nhiều mục đích từ vận tải, phóng các máy bay không người lái cho đến tham gia sứ mệnh chống thủy lôi.
Căn cứ nổi cũng sẽ đánh dấu sự quay trở lại với các chiến dịch trên biển như chống cướp biển của lực lượng biệt kích SEAL, vốn trước nay hoạt động chủ yếu trên các chiến trường ở Iraq và Afghanistan. Mới đây ngày 25-1, lực lượng SEAL đã thực hiện một chiến dịch táo bạo, xâm nhập lãnh thổ Somalia để giải thoát hai con tin người Mỹ và Đan Mạch. Jessica Buchanan (32 tuổi) và Poul Hagen Thisted (60 tuổi) làm việc cho một tổ chức cứu trợ Đan Mạch bị giam giữ trong hơn ba tháng tại thị trấn Adado ở bắc trung bộ Somalia.
Các quan chức Mỹ mô tả chiến dịch tấn công do đội đột kích SEAL số 6 thực hiện, nhóm đã tham gia tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, diễn ra hết sức kịch tính. Hơn 10 lính biệt kích nhảy dù khỏi máy bay không quân Mỹ xuống một điểm gần căn cứ của bọn cướp biển. Lặng lẽ như những con mèo, họ di chuyển bí mật trong màn đêm trước khi tung ra cuộc tấn công bất ngờ. Chín tên cướp bị giết và hai con tin được giải thoát an toàn bằng trực thăng chỉ trong vài phút. Cướp biển Somalia sau đó tuyên bố di chuyển tất cả con tin còn lại và dọa sẽ giết hết con tin nếu bị tấn công lần nữa.
Chế tạo bom siêu xuyên phá
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 27-1 tuyên bố Washington cần và đang phát triển loại vũ khí mạnh hơn để xuyên thủng các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran. Một số quan chức Mỹ cũng cho rằng loại bom phá boongke lớn nhất hiện có của Mỹ không đủ mạnh để phá hủy các cơ sở ngầm kiên cố của Tehran.
Theo AFP, loại bom siêu xuyên phá cỡ lớn nặng 13,6 tấn được thiết kế để triệt phá các đường hầm của Iran và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, các thử nghiệm mới đây cho thấy loại bom này chưa đủ khả năng xuyên thủng một số cơ sở ngầm của Iran mà phương Tây nghi ngờ đang được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi hơn 330 triệu USD để phát triển 20 quả bom trên. Hiệu quả của chúng đã khiến Lầu Năm Góc trong tháng này bí mật gửi yêu cầu lên Quốc hội Mỹ chi thêm tiền để cải thiện. Lầu Năm Góc dự kiến xin thêm 82 triệu USD để nâng cấp số loại bom này có khả năng đào sâu hơn xuống các nền đá, bêtông và thép trước khi công phá.
“Khi mà các cơ sở lùi sâu trong lòng núi, ta cần thứ gì đó để dỡ núi. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có được khả năng đó sớm thôi” - ông Panetta khẳng định.
TRẦN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét