Gặp cụ Vũ Đình Hòe - ĐBQH Khoá I, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên

Gặp cụ Vũ Đình Hòe - ĐBQH Khoá I, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên

Nguyễn Minh Đức

Hai trong số 15 vị Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời được thành lập ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công còn lại đến nay là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Luật gia Vũ Đình Hoè. Luật gia Vũ Đình Hòe- Đại biểu Quốc hội khoá 1, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên chính là người được Hồ Chủ Tịch giao nhiệm vụ soạn thảo Sắc lệnh 14 về chuẩn bị Tổng tuyển cử và tham gia Ban soạn thảo Thể lệ Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên năm 1946.

Luật gia Vũ Đình Hoè sinh ngày 1.6.1912, là hậu duệ đời thứ 4 của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, nguyên quán làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trước Cách mạng Tháng Tám, người thanh niên trí thức Vũ Đình Hoè vừa dạy học tư kiếm sống, vừa học và đỗ cử nhân khoa Luật- Đại học Đông Dương. Sau khi trở thành Luật gia, ông không tham gia chính quyền thuộc địa mà tiếp tục dạy học tại các trường tư thục Thăng Long và Gia Long cùng với ông Võ Nguyên Giáp một thời gian. Và có lẽ, cuộc đời hoạt động cách mạng của Luật gia Vũ Đình Hòe được bắt đầu từ khi ông tham gia các hoạt động xã hội tiến bộ như phong trào sinh viên, đồng Chủ tịch Hội ánh sáng, làm Phó Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ (do cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng) kiêm Trưởng ban soạn sách học và đọc thêm cho người lớn. Nhưng chính khi làm chủ nhiệm tờ báo Thanh Nghị cùng với các ông Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục...thì những tư tưởng dân tộc, dân chủ và nhà nước pháp quyền của ông mới bộ lộ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, 9.3.1945, Vũ Đình Hoè bắt đầu hoạt động bán thoát ly và từ tháng 7.1945 ông tham gia Đảng Dân chủ trong Mặt trận Việt Minh... Hồi tưởng về những ngày tiền khởi nghĩa, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám, cụ Vũ Đình Hoè nói:

- Đầu tháng 8.1945 tôi được Đảng Dân chủ cử đi dự Hội nghị Tân Trào. Đảng Dân chủ có 3 đoàn đi khác nhau, đi bí mật. Tôi lên thì chậm mất một ngày. Nói chậm nhưng tại vì Hội nghị kết thúc sớm do tính cấp bách của thời cuộc. Đi bí mật, từ Hà Nội lên Tuyên Quang mất 12- 13 ngày, lên đến nơi được anh Phạm Văn Đồng (anh Tống) tiếp. Anh Tống cho biết Đảng Dân chủ có 2 đoàn đến dự, anh Dương Đức Hiền được bầu tham gia Ban khởi nghĩa. Như vậy là Đảng Dân chủ có thành viên rồi. Anh Tống cho nấu một nồi cháo gà, bảo ăn, nghỉ ngơi cho khoẻ rồi mai trở về xuôi. Chúng tôi trở về Hà Nội mang theo thư của anh Phạm Văn Đồng gửi anh Võ Nguyên Giáp. Về đến Hà Nội thì Tổng khởi nghĩa thành công rồi.

- Xin cụ cho biết những việc cấp bách lúc đó của Chính phủ lâm thời?

- Rất nhiều việc nhưng cụ Hồ giao cho tôi việc soạn thảo sắc lệnh Tổng tuyển cử và tham gia Ban soạn thảo Thể lệ Tổng tuyển cử. Cái đó gấp hơn, ngay, để tổ chức Tổng tuyển cử Quốc hội. Nhiệm vụ bức thiết đặt ra cho toàn dân, cho Chính phủ Lâm thời lúc đó là phải chạy đua với thời gian, vượt mọi phe nhóm thù địch bên trong và bên ngoài để xây dựng thực lực của ta theo phương châm “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đó chính là mục đích, yêu cầu đồng thời là cơ sở chính trị xã hội của Sắc lệnh số 14 để chuản bị Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội do Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký ngày 8.9.1945, vẻn vẹn 6 ngày sau buổi trưa Người đọc Tuyên Ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

- Là Đại biểu Quốc hội khoá I, được bầu tại Thủ đô Hà Nội với 5 đại biểu khác, ấn tượng nhất trong Kỳ họp Quốc hội đầu tiên đối với cụ là gì?

- Kỳ họp thứ nhất tổ chức vào ngày 2.3.1946, chưa đến một ngày thì xong nhưng là để tổng kết cả một thời kỳ đấy. Suốt từ lúc Chính phủ Lâm thời, quyết định Tổng tuyển cử, họp ngay để làm Hiến pháp. Đó là một quá trình đấu tranh giữa lực lượng tiến bộ, lực lượng cách mạng và mấy đảng phản động. Nhờ dàn xếp của ông Tiêu Văn, đại diện cho Lư Hán, tướng cầm quân sang để giải giáp quân Nhật nên các đảng phái đã tạm thoả thuận được với nhau, một số đảng không ra ứng cử nhưng cũng có đại biểu tham gia Quốc hội. Tuy không được dân bầu ra nhưng QH cũng đồng ý giành cho các Đảng ấy 70 ghế. Rồi cũng cho tham gia vào Chính phủ Liên hiệp lâm thời. Sự kiện này, Bác Hồ đã hỏi ý kiến tôi và ông Phan Anh về khía cạnh kỹ thuật pháp lý, để đảm bảo tôn trọng nguyên tắc dân chủ: Quốc hội quyết định tất cả.

- Thưa cụ, cũng như những bộ, ngành khác, Bộ Giáo dục những ngày đầu cách mạng đã phải giải quyết những vấn đề nào được coi là cấp bách?

- Chỉ một tuần sau buổi họp Chính phủ Lâm thời lần đầu tiên, Hồ Chủ Tịch đã dành hẳn một giờ tiếp đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục. Tôi trình cụ ba việc. Một là, trình dự thảo Sắc lệnh quyết định việc thanh toán nạn mù chữ trong một năm. Hai là, trình Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Ba là, trình vắn tắt vấn đề Cải cách giáo dục, để thay thế nền giáo dục nhồi sọ, phù phiếm trước đây của thực dân Pháp bằng nền giáo dục cách mạng theo 3 phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học. Hai việc đầu, thì nhất trí hoàn toàn, còn về Cải cách giáo dục, Hồ Chủ Tịch có vẻ ưng ý nhưng dặn thêm: Các ông hoàn chỉnh đề án, làm sao phù hợp tình hình nước ta, rồi đưa ra Hội nghị Văn hoá cứu quốc, trưng cầu ý kiến rộng rãi. Chính phủ sẽ duyệt kỹ...Đối với giáo dục, cụ Hồ cẩn trọng như thế đó!

- Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, theo cụ, bài học nào từ ngày đầu lập nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị?

- Đó là bài học về đại nghĩa dân tộc, đối với toàn dân là chí nhân, là đại đoàn kết toàn dân để giành lấy độc lập. Nếu còn đế quốc xâm lược mình, đè đầu mình xuống thì một vạn năm nữa cũng chưa thể giải phóng giai cấp được. Trong nước có mâu thuẫn này, mâu thuẫn kia. Cái đó là khó tránh lắm nhưng là chuyện nội bộ, có thể dàn xếp với nhau, nhân nhượng lẫn nhau để làm việc lớn. Việc lớn là đại nghĩa dân tộc, độc lập dân tộc.

Mặc dù đã ở tuổi 94 nhưng ở cụ Vũ Đình Hoè vẫn toát lên sự tinh anh, nhiệt tình. Cụ vẫn khoẻ mạnh, lặng lẽ sống nơi con hẻm nhỏ tại quận Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh với người bạn đời năm nay đã 87 tuổi. Trung tuần tháng 10.2005, cuốn sách Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh- Tập II của Vũ Đình Hoè sẽ ra mắt bạn đọc. Đó là thành quả được kết tinh trong quá trình hoạt động cách mạng, kể từ những ngày làm Báo Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong thời gian ngắn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ 1946- 1960 và 15 năm lặng lẽ làm công tác nghiên cứu ở Viện Luật học, nay là Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện KHXH Việt Nam. Những đóng góp miệt mài của Cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất năm 1996; được công nhận là Cán bộ cách mạng hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám. Qua những thăng trầm của thời cuộc, cụ Vũ Đình Hòe là tấm gương tiêu biểu cho tầng lớp trí thức yêu nước những ngày đầu cách mạng, là nhân chứng lịch sử sinh động của Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu của Quốc hội Việt Nam.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân, số 189 thứ 7 ngày 08-10-2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét