Sơ sài dự án hàng tỉ USD

Thứ tư, 12/05/2010 | 00:23GMT+7
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với mức đầu tư lên tới 55,8 tỉ USD mà chỉ nghiên cứu trong 6 tháng, thẩm tra 2 tháng đã đưa ra Quốc hội bàn thảo là quá vội vã

Đánh giá trên được PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, đưa ra tại hội thảo “Đường sắt cao tốc Bắc – Nam” do Bộ GTVT và Liên hiệp Khoa học - Kỹ thuật VN phối hợp tổ chức ngày 11- 5 ở Hà Nội.


Không khách quan, độc lập


Theo ông Phạm Sỹ Liêm, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được thực hiện từng đoạn và có tổng kinh phí đầu tư lên tới 55,8 tỉ USD nhưng lại được xây dựng sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ, đúng mức tác động đối với các lĩnh vực liên quan.


“Hơn nữa, dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản nhưng từ báo cáo đến thẩm tra đều do phía cho vay thực hiện thì làm sao bảo đảm tính khách quan, độc lập?” - ông Liêm băn khoăn.

Dẫn ra việc vay 550 triệu USD vốn ODA của Nhật Bản để xây dựng cầu Cần Thơ nhưng chỉ mất 60 triệu USD khi vay của Úc để làm cầu Mỹ Thuận, ông Liêm đặt vấn đề dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng có thể lại bị “vay đắt”.



Tàu cao tốc Shinkansen của Nhật, công nghệ được chủ đầu tư kiến nghị chọn sử dụng cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: TƯ LIÊU


“Hơn 2 năm trước, báo cáo đầu tư mới chỉ khoảng 33 tỉ USD, đến giờ đã tăng lên trên 55 tỉ và không loại trừ khả năng 5 năm nữa sẽ lên tới 100 tỉ USD. Chúng ta phải xem xét lại các công việc đang làm đối với một dự án tầm cỡ như vậy có quá vội vã và có cách làm nào khác hay hơn không?” - ông Liêm đề xuất.


Phản biện báo cáo của đơn vị nghiên cứu, nhiều chuyên gia xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, môi trường dự hội thảo đều cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để hoàn chỉnh dự án này.

Bởi trong những năm tới, ngành GTVT sẽ đầu tư xây dựng hàng loạt dự án như đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay; nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho TPHCM và Hà Nội cũng rất lớn.


Coi chừng gánh nặng nợ nần


GS Nguyễn Xuân Trục, Hội Cầu đường VN, lại tỏ ra hoài nghi về thời gian 33 năm để thu hồi vốn và dự báo về số lượng hành khách sẽ sử dụng đường sắt cao tốc trong báo cáo của đại diện chủ đầu tư. GS Trục cho biết các nước xây dựng đường sắt cao tốc là để phục vụ người dân đi làm trên quãng đường xa.
Vì thế, cần khảo sát xem liệu người VN có thể thích nghi kiểu sống ở Vinh mà đi làm ở Hà Nội hay không, bởi nếu người dân không đi thì hiệu quả sẽ không cao.

GS Trục dẫn chứng thực tế số lượng phương tiện đi lại trên đường Hồ Chí Minh thấp hơn hàng chục lần so với dự báo trước khi xây dựng công trình này, đồng thời kiến nghị chỉ làm tuyến Vinh - Hà Nội trước để khảo sát rồi mới thực hiện các các đoạn tuyến tiếp theo.


TS Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế, cũng băn khoăn về tính khả thi của việc thu hồi vốn mà báo cáo đưa ra và nghi ngờ về khả năng đầu tư thực hiện dự án vì tiềm lực quốc gia có hạn, trong khi có nhiều việc cần thiết phải làm khác, như: xe điện ngầm, sân bay...

Dẫn chứng cảnh nợ nần của Hy Lạp vừa qua, TS Nguyễn Quang A cảnh báo: “Nếu không tính toán kỹ lưỡng khi đầu tư vào các dự án, dẫn tới cảnh nợ nần đầm đìa, ai sẽ cứu chúng ta? Chính vì thế, điều quan trọng và cần cân nhắc kỹ là việc gì nên làm trước, việc gì sau”.



Hà Nội - TPHCM: 5 giờ 38 phút

Theo báo cáo của đại diện chủ đầu tư (Công ty CP Tư vấn, Đầu tư và xây dựng GTVT - TRICC) tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 1.570 km, đi qua 20 tỉnh, TP.

Đầu tiên, sẽ tiến hành xây dựng và đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh, tiếp sau là Nha Trang - TPHCM và đến năm 2035 sẽ thông toàn bộ tuyến Bắc - Nam. Toàn tuyến có 27 ga.

Với vận tốc đạt 300 km/giờ, tàu sẽ chạy trong 5 giờ 38 phút để đi từ Hà Nội đến TPHCM đối với tàu nhanh, chỉ đỗ các ga Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và 6 giờ 51 phút với tàu thường, đỗ ở tất cả các ga.

Chủ đầu tư kiến nghị chọn công nghệ động lực phân tán như đoàn tàu Shinkansen của Nhật để thực hiện dự án.


Đại diện chủ đầu tư cho biết dự án sẽ thu hồi 4.173 ha đất, 16.529 hộ gia đình có thể sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, thu hồi đất ở 9.480 hộ gia đình và thu hồi đất sản xuất 7.049 hộ.

Phùng Kha

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét