Sau càphê Buôn Ma Thuột là nước mắm Phú Quốc?

LAODONG:

Thương hiệu Việt Nam bị nước ngoài đăng ký bảo hộ:

Sau càphê Buôn Ma Thuột là nước mắm Phú Quốc?

Thứ Bảy, 17.9.2011 | 08:40 (GMT + 7)


Cty TNHH thương mại Việt Hương (Hồng Kông) đã chính thức nộp đơn lên cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, xin đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú quốc và hình ảnh” (ảnh) cho sản phẩm nước mắm trên lãnh thổ nước này. Nếu không phản đối kịp thời, có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý như vụ càphê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắc Lắc.

Vụ Càphê Buôn Ma Thuột: Có căn cứ để khởi kiện ra toà

Ngày 16.9, Công ty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự (Hà Nội) đã gửi văn bản cảnh báo đến Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đang có nguy cơ bị mất tại Trung Quốc. Theo đó, vào ngày 11.5.2011, một doanh nghiệp tại Hồng Kông là Cty TNHH thương mại Việt Hương (VIET HUONG TRADING COMPANY LIMITED) đã chính thức nộp đơn số 9448516 lên cơ quan có thẩm quyền để đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú quốc” cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc.



Hình ảnh thương hiệu mà Cty Việt Hương đăng ký bảo hộ chính xác là có chữ “Phú quốc” kèm logo là hình con cá cơm và bản đồ Việt Nam (có vẽ dấu hiệu chỉ đến vị trí huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang). Các thông tin này đã được đối tác của Bross và Cộng sự là một công ty luật tại Trung Quốc kiểm tra, xác tín theo yêu cầu. Việc chủ thể nói trên đăng ký nhãn hiệu “Phú quốc và hình ảnh” dưới tên của mình cũng sẽ gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho công chúng về nguồn gốc Phú Quốc gắn liền với sản phẩm nước mắm nổi tiếng đang được Việt Nam bảo hộ.

Song, khác với các nhãn hiệu càphê “Buon Ma Thuot và chữ Hán”, “Buon Ma Thuot và logo” đã được cấp đăng ký bảo hộ độc quyền cho Cty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd, hiện “Phú quốc và logo” vẫn đang trong quá trình xem xét, công bố thông tin.

Nhưng sau một thời gian công bố theo Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, nếu không có tổ chức hoặc cá nhân nào lên tiếng phản đối, mặc nhiên cơ quan thẩm quyền Trung Quốc sẽ cấp bằng bảo hộ độc quyền cho chủ thể đăng ký. Theo Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, nếu Hội Nước mắm Phú Quốc không tiến hành ngay các thủ tục để phản đối đơn đăng ký bảo hộ trên thì sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý tương tự như càphê Buôn Ma Thuột hiện nay.

Đắc Lắc tham vấn Cục Sở hữu trí tuệ

Nguồn tin từ Sở KHCN Đắc Lắc cho hay, hiện tỉnh vẫn chưa nhận được hồi âm từ Cục Sở hữu trí tuệ về tham vấn giải quyết vụ càphê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc và Pháp đăng ký bảo hộ. Dự kiến trong tuần tới, Sở KHCN Đắc Lắc sẽ trực tiếp làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ về vấn đề này. Tuy vậy, quan điểm của UBND tỉnh là vẫn muốn giải quyết thông qua ngoại giao, nếu không thành công mới tiến hành khởi kiện đòi thương hiệu. Kiều Phan

ĐẶNG TRUNG KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét